Dấu hiệu chuyển nặng của trẻ mắc Covid-19 cần cấp cứu ngay

GD&TĐ - Theo hướng dẫn mới nhất của Bộ Y tế, khi trẻ mắc Covid-19 có các triệu chứng như thở nhanh, li bì, lờ đờ, bỏ bú/ăn uống, khó thở, cánh mũi phập phồng... cần liên hệ ngay cấp cứu để đưa trẻ đến bệnh viện.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Làm sao biết trẻ mắc Covid-19?

Khi trẻ mắc Covid-19, dấu hiệu hay gặp là sốt, ho. Ít gặp hơn là chảy mũi, đau đầu, đau họng, tiêu chảy, nôn, ăn kém… Tuy nhiên, nhiều trẻ mắc bệnh mà không hề có biểu hiện gì.

Do đó, với các bé mà nghi ngờ mắc Covid-19, gia đình cần báo với y tế phường để được hướng dẫn xét nghiệm. Cũng có thể mua que test nhanh tự làm tại nhà nhưng cần đảm bảo làm đúng cách và báo lại y tế phường nếu dương tính để được hướng dẫn cách ly, theo dõi.

Ngoài các trung tâm y tế phường, còn có rất nhiều các tổ chức tham gia đồng hành để theo dõi cùng các bệnh nhân mắc bệnh. Có thể tham khảo số hotline 0241022 nhánh số 3 của mạng lưới Thầy thuốc đồng hành tại Hà Nội, các ứng dụng, các group zalo, facebook tư vấn sức khỏe miễn phí đáng tin cậy của các thầy thuốc...

Nếu trẻ không có triệu chứng lâm sàng hoặc triệu chứng nhẹ: Không có triệu chứng của viêm phổi (nhịp thở bình thường, không có biểu hiện của thiếu oxy, đo SpO2 ≥ 96% khi thở khí trời), trẻ tỉnh táo, sinh hoạt bình thường, bú mẹ/ăn/uống bình thường đồng thời không mắc các bệnh lý nền, bệnh lý bẩm sinh thì có thể theo dõi tại nhà.

Những việc cha mẹ cần làm để hỗ trợ, chăm sóc con bị nhiễm Covid-19:

Tâm sự, trấn an con về dịch Covid-19.

Giải đáp thắc mắc và chia sẻ thông tin thực tế về dịch Covid-19. Trẻ có thể hiểu sai thông tin và có thể hoảng sợ.

Hạn chế gia đình tiếp xúc và nói chuyện về tin tức, sự kiện về Covid-19 có thể gây hoang mang, sợ hãi.

Cố gắng duy trì những thói quen bình thường, sinh hoạt khoa học. Lập thời gian biểu cho các hoạt động học tập và nghỉ ngơi hoặc các hoạt động giải trí.

Hướng dẫn trẻ các hành động hàng ngày để giảm sự lây lan của mầm bệnh như: rửa tay thường xuyên; sử dụng khăn giấy hoặc khuỷu tay khi ho hoặc hắt hơi, sau đó vứt khăn giấy vào thùng đựng chất thải.

Tạo điều kiện cho trẻ tham gia các hoạt động giải trí trong phòng cách ly phù hợp như các trò chơi online hay cùng chơi với bố, mẹ…

(Tài liệu hướng dẫn chăm sóc người nhiễm Covid-19 tại nhà của Bộ Y tế).

Tại Quyết định về việc ban hành Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị Covid-19 ở trẻ em, theo Bộ Y tế phần lớn trẻ em mắc Covid-19 đều không triệu chứng hoặc nhẹ với triệu chứng viêm hô hấp cấp trên hoặc tiêu hóa (55%), trung bình (40%), nặng (4%), nguy kịch (0,5%).

Trẻ nhũ nhi dưới 12 tháng tuổi có nguy cơ cao diễn tiến nặng. Trẻ mắc Covid-19 thường ở thể nhẹ vì thế tỷ lệ nhập viện và tử vong ít so với người lớn.

Bộ Y tế đưa ra các dấu hiệu chuyển nặng cần báo cấp cứu 115 hoặc đội phản ứng nhanh tại xã phường để được cấp cứu tại nhà hoặc đưa trẻ đến bệnh viện ngay, gồm:

- Thở nhanh;

- Khó thở, cánh mũi phập phồng;

- Rút lõm lồng ngực;

- Li bì, lờ đờ, bỏ bú/ăn uống;

- Tím tái môi đầu chi;

- SpO2 < 95%.

Ngoài ra, với 8 triệu chứng sau đây của trẻ, gia đình cần báo ngay cho nhân viên y tế:

- Sốt > 38 độ C;

- Đau rát họng, ho;

- Tiêu chảy;

- Trẻ mệt, không chịu chơi;

- Tức ngực;

- Cảm giác khó thở;

- SpO2 < 96%;

- Ăn/bú kém.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ