Hầu hết các loại ung thư da đều gây ra những biến đổi trên một vùng da khu trú. Do vậy, nếu chú ý, người bệnh có thể phát hiện sớm qua những dấu hiệu bất thường trên da để đi khám và điều trị càng sớm càng tốt.
Nguyên nhân gây ung thư da
Bình thường các tế bào da phát triển theo một trình tự tổ chức rất chặt chẽ trong biểu bì. Những tế bào mới còn non đẩy những tế bào trưởng thành lên bề mặt da.Khi các tế bào lên đến lớp trên cùng, chúng chết đi và bị tróc ra. Ung thư da là kết quả của sự phát triển bất thường các tế bào da.
Nguyên nhân chính là do da bị tổn thương bởi tia cực tím. Đây là một loại sóng ánh sáng phát ra từ ánh sáng mặt trời và thường được sử dụng trong các kỹ thuật làm sạm da (giường tắm nắng nhân tạo,…).
Tia cực tím có thể xuyên qua da và làm tổn thương các tế bào, là nguyên nhân gây ung thư da cũng như các vết nhăn và nốt tàn nhang do tuổi tác. Do đó, những người sống tại các vùng nhiều ánh nắng mặt trời, thường xuyên tiếp xúc với tia cực tím (UV) có nguy cơ cao nhất.
Trong một số trường hợp, ung thư da còn có tính chất di truyền và gia đình hoặc do tiếp xúc thường xuyên với độc chất hoặc tia xạ...
Những biểu hiện cần chú ý
Dấu hiệu cảnh báo thường gặp nhất của ung thư da là một chỗ biến đổi bất thường của da, ví dụ như một vết loét đau, chảy máu, đóng mày trên bề mặt, lành rồi sau đó lại loét trở lại ngay vị trí này. Dấu hiệu đầu tiên thường gặp của ung thư tế bào hắc tố thường là sự biến đổi bất thường của một nốt ruồi có sẵn hoặc xuất hiện thêm những nốt ruồi mới đáng nghi ngờ.
Thường ung thư da xuất hiện trên những vùng da tiếp xúc nhiều với ánh nắng mặt trời như: da đầu, mặt, môi, tai, cổ, ngực, cánh tay, bàn tay và cẳng chân ở phụ nữ. Tuy nhiên ung thư da vẫn có thể xuất hiện ở những vùng da còn lại, như lòng bàn tay, vùng gian ngón chân hoặc da vùng cơ quan sinh dục. Sang thương ung thư da có thể xuất hiện từ từ, phát triển chậm nhưng cũng có thể xuất hiện đột ngột.
Ba loại ung thư da thường gặp là ung thư tế bào đáy, tế bào sừng và tế bào hắc tố, trong đó phổ biến nhất là ung thư tế bào đáy và tế bào sừng. Cả hai loại này đều ở bề mặt, tốc độ phát triển chậm và khả năng chữa lành cao, nhất là khi được phát hiện sớm.
Do đó, khi da có những dấu hiệu bất thường, người bệnh nên đi khám và điều trị sớm, không nên chủ quan hoặc để lâu sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và gây khó khăn cho việc điều trị.
Bác sĩ Nguyễn Văn Đức