Đấu giá 'nữ hoàng' sầu riêng Ri6 thu về hơn 1,4 tỷ đồng

GD&TĐ - Ngày 1/9, trong khuôn khổ Lễ hội sầu riêng lần thứ II, UBND huyện Krông Pắc (Đắk Lắk) bán đấu giá 3 quả sầu riêng, thu về hơn 2,55 tỷ đồng.

Mô hình quả sầu riêng tham gia diễu hành tại Lễ hội lần thứ 2. (Ảnh: TT)
Mô hình quả sầu riêng tham gia diễu hành tại Lễ hội lần thứ 2. (Ảnh: TT)

Tại Hội thảo về sầu riêng, UBND huyện Krông Pắc tổ chức chương trình đấu giá 3 trái sầu riêng.

Trong đó "nữ hoàng" Ri6 đạt con số kỷ lục khi thu về số tiền hơn 1,4 tỷ đồng.

A1-2.png
Ban tổ chức trao sầu riêng Dona trúng đấu giá và sầu riêng mạ vàng cho một doanh nhân. (Ảnh: MP)

Trái sầu riêng đầu tiên đưa ra đấu giá được lấy từ cây cổ thụ hơn 100 năm trồng ở đồn điền CADA. Mức giá khởi điểm 60 triệu đồng.

Một doanh nghiệp đã trúng đấu giá trái sầu riêng này với giá 350 triệu đồng.

A1-1.png
Bà Ngô Thị Minh Trinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Pắc (bên phải) trao trái sầu riêng cổ và sầu riêng mạ vàng cho người đã trúng đấu giá 350 triệu đồng. (Ảnh: MP)

Trái sầu riêng thứ 2 thuộc giống Dona có mức giá khởi điểm 70 triệu đồng.

Đây là trái sầu riêng đã thắng trong cuộc thi từ hàng chục hộ trồng sầu riêng với quy trình lựa chọn chặt chẽ.

Ở phiên đấu giá thứ 2 này, nhiều doanh nghiệp đưa ra mức giá đấu giá với các bước nhảy 200, 400 rồi 700, 800 triệu đồng.

Với quyết tâm sở hữu "nữ hoàng" sầu riêng Dona, nữ doanh nhân của Công ty Hồng Sang đã trúng đấu giá với mức giá 800 triệu đồng.

Đặc biệt, khi nhận quả sầu riêng Dona mạ vàng, nữ doanh nhân này tuyên bố: "Hỗ trợ thêm 100 triệu đồng cho địa phương làm an sinh xã hội".

Phiên đấu giá thứ 3 đã tạo nên một cú nhảy ngoạn mục với "nữ hoàng" sầu riêng Ri6.

Giá khởi điểm 60 triệu đồng, tuy nhiên với sự quyết tâm của nhiều doanh nhân mong muốn sở hữu, các bước đấu giá nhảy liên tục.

Người bỏ giá cao nhất cho "nữ hoàng" Ri6 là một nữ doanh nhân sầu riêng tại Đắk Lắk với số tiền 500 triệu đồng.

Tại đây, bà kêu gọi một số người tham gia góp thêm tiền để cùng bà đấu giá quả sầu riêng trên, nhằm giúp địa phương có thêm nguồn lực lo an sinh xã hội.

Mức giá cuối cùng được chốt tại phiên đấu giá quả Ri6 là hơn 1,4 tỷ đồng.

A1-3.png
Ông Nguyễn Thiên Văn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk trao "nữ hoàng" Ri6 và quả sầu riêng mạ vàng cho bà Ngô Tường Vi, Chủ tịch Tập đoàn Chánh Thu, người trúng đấu giá trái sầu riêng Ri6 với giá 500 triệu đồng và kêu gọi thêm hơn 900 triệu đồng. (Ảnh: MP)

"Mục đích của việc đấu giá hôm nay là để góp phần vào an sinh xã hội, nên việc trúng đấu giá này là niềm vui, hạnh phúc của doanh nghiệp. Quả Ri6 trúng đấu giá này, sẽ không thuộc sở hữu của ai mà tôi sẽ mang về tặng chú Sáu Ri - cha đẻ của giống sầu riêng này", nữ doanh nhân này nói.

Nữ doanh nhân có quê gốc Chợ Lách, tỉnh Bến Tre. Giống sầu riêng Ri6 là niềm tự hào của Việt Nam cũng có nguồn gốc xuất phát từ huyện Chợ Lách, Bến Tre.

Bà Ngô Thị Minh Trinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Pắc thay mặt Ban tổ chức Lễ hội gửi lời cảm ơn, chúc mừng các doanh nghiệp đã trúng đấu giá 3 quả sầu riêng.

Tổng số tiền thu được 2,55 tỷ đồng sẽ được chuyển cho UBND huyện Krông Pắc thực hiện chương trình an sinh xã hội tại địa phương.

Ngoài việc nhận những quả sầu riêng tươi, người trúng đấu giá còn được tặng thêm sầu riêng mạ vàng để trưng bày, lưu niệm.

Gồm, sầu riêng mạ vàng Ri6 trị giá 50 triệu đồng, sầu riêng Dona lưu niệm trị giá 70 triệu đồng.

1-1.png
Toàn cảnh Lễ khai mạc vào tối 31/8. (Ảnh: TT)

Trước đó, tối 31/8, với chủ đề “Sầu riêng Krông Pắc - Phát triển và Hội nhập”, Lễ hội sầu riêng Krông Pắc lần thứ II năm 2024 tại tỉnh Đắk Lắk đã chính thức khai mạc. Lễ hội diễn ra từ 31/8 đến hết 2/9.

Phát biểu tại buổi khai mạc, Bí thư Huyện ủy Trần Hồng Tiến nhấn mạnh lễ hội lần này mong muốn kết nối giao thương giữa người sản xuất, doanh nghiệp chế biến, thương mại và người tiêu dùng. Đồng thời quảng bá sản phẩm trái sầu riêng đến du khách, các loại trái cây chất lượng, sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm OCOP, những đặc sản của huyện Krông Pắc nói riêng và Đắk Lắk nói chung ra thị trường trong và ngoài nước.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ