Nghệ An:

Đau đầu giải quyết tồn đọng giáo viên hợp đồng

GD&TĐ - Nghệ An - một trong những địa phương thiếu giáo viên nhiều nhất cả nước, với khoảng 6 nghìn người.

Thầy Nguyễn Đình Thanh - Tổ trưởng Tổ Khoa học tự nhiên, Trường THCS Nghi Thủy (thị xã Cửa Lò) vẫn là giáo viên hợp đồng.
Thầy Nguyễn Đình Thanh - Tổ trưởng Tổ Khoa học tự nhiên, Trường THCS Nghi Thủy (thị xã Cửa Lò) vẫn là giáo viên hợp đồng.

Để đáp ứng yêu cầu dạy học và các hoạt động khác của nhà trường, nhiều huyện, thành, thị hợp đồng giáo viên, nhân viên. Tuy nhiên, do biên chế được bổ sung hằng năm ít nên tình trạng hợp đồng “tồn đọng” kéo dài, có người hàng chục năm vẫn chờ tuyển dụng.

Đằng đẵng giáo viên hợp đồng

Thầy Nguyễn Đình Thanh hiện là Tổ trưởng Tổ Khoa học tự nhiên, Trường THCS Nghi Thủy, thị xã Cửa Lò, Nghệ An. Tròn 20 năm công tác, với năng lực chuyên môn vững vàng, được đồng nghiệp và lãnh đạo tín nhiệm, thầy Thanh cũng là giáo viên cốt cán của ngành Giáo dục thị xã. Tuy nhiên, điều bất ngờ đến nay thầy vẫn là giáo viên hợp đồng.

Thầy Thanh kể, sau khi tốt nghiệp Sư phạm Toán vào năm 2004 được thị xã Cửa Lò ký hợp đồng, phân công về Trường THCS Nghi Thủy dạy học. Thời điểm đó, được đi dạy đúng ngành, nghề là niềm vui lớn đối với thầy giáo trẻ. Thầy Thanh hy vọng sau thời gian hợp đồng, nỗ lực khẳng định chuyên môn, nghiệp vụ, mình sẽ có cơ hội được vào biên chế. Song thời gian chờ đợi kéo dài đến nay đã 20 năm mà vẫn không có đợt tuyển dụng nào cho giáo viên cấp THCS.

Theo thầy Thanh, thị xã Cửa Lò quan tâm đảm bảo các quyền lợi cho giáo viên hợp đồng theo quy định. Cụ thể, được trả, nâng lương đúng hoặc trước thời hạn nếu có thành tích, có phụ cấp đứng lớp. Cách đây 3 năm, thầy Thanh mới được hưởng tiền thâm niên.

“Tuy nhiên, so với giáo viên biên chế, chúng tôi có nhiều thiệt thòi như: Không được xét thăng hạng giáo viên nên không thể bổ nhiệm, đưa vào quy hoạch cán bộ quản lý nếu đủ điều kiện. Bản thân luôn nỗ lực trong công tác chuyên môn, nghiệp vụ nhưng không thể phấn đấu cao hơn với sự nghiệp nếu chỉ là giáo viên hợp đồng”, thầy Thanh bày tỏ.

Cô Phan Thị Thu Hải - Hiệu trưởng Trường THCS Nghi Thủy cho biết, nhà trường có 4 giáo viên và 2 nhân viên hợp đồng, người lâu nhất 20 năm, còn lại trên 10 năm công tác. Cô Võ Thị Thúy Hằng (SN 1989), có trình độ thạc sĩ Ngữ văn, hiện là nhân viên hợp đồng thư viện. Khi mới ký hợp đồng vào trường, cô Thúy Hằng dạy môn Ngữ văn nhưng sau đó do thừa giáo viên Văn, trong khi thiếu nhân viên thư viện, cô được chuyển sang vị trí này.

Từ đó đến nay, cô tiếp tục chờ đợi nhưng chưa có đợt tuyển dụng biên chế giáo viên Ngữ văn hay nhân viên thư viện. Cuộc sống gia đình cô còn nhiều lo toan, vất vả khi chăm sóc bố mẹ già yếu và một mình nuôi con nhỏ. Trong khi đó, cô Võ Thị Hằng - nhân viên thiết bị của Trường THCS Nghi Thủy tốt nghiệp đúng ngành, cũng chịu cảnh hợp đồng 12 năm. Hy vọng được tuyển dụng chính thức của cô ngày càng mong manh khi biên chế cho nhân viên trường học đang tạm dừng.

Cô Lê Thị Lợi – giáo viên hợp đồng duy nhất của Trường Mầm non Nghi Hòa (thị xã Cửa Lò) mong có cơ hội được tuyển dụng vào biên chế.

Cô Lê Thị Lợi – giáo viên hợp đồng duy nhất của Trường Mầm non Nghi Hòa (thị xã Cửa Lò) mong có cơ hội được tuyển dụng vào biên chế.

Hiệu trưởng Phan Thị Thu Hải chia sẻ, giáo viên, nhân viên hợp đồng có năng lực, tâm huyết, chăm lo học sinh, đóng góp lớn vào hoạt động của nhà trường. Ban giám hiệu mong các thầy cô được tuyển dụng chính thức để có chế độ xứng đáng với năng lực và cống hiến nhiều năm qua.

Tình trạng tồn đọng giáo viên hợp đồng không chỉ xảy ra ở Cửa Lò, mà còn nhiều huyện, thị khác trên địa bàn tỉnh Nghệ An, như huyện Yên Thành, Nghi Lộc, Quỳnh Lưu, Nam Đàn… Ở các địa phương này, chế độ cho giáo viên hợp đồng còn nhiều thiệt thòi, thiếu thốn hơn khi ngân sách chủ yếu chỉ đủ chi trả lương cơ bản.

Huyện Quỳnh Lưu có 9 giáo viên hợp đồng, đều tốt nghiệp sư phạm, được UBND huyện tuyển dụng dạy hợp đồng có đóng bảo hiểm xã hội. Đến nay, người có thời gian công tác nhiều nhất 18 năm, ít cũng hơn 10 năm. Về chế độ lương, họ được hưởng hệ số 1,78 (tức 85% của hệ cao đẳng).

Ngoài ra không được tính phụ cấp thâm niên công tác, không được nâng lương. Từ 1/1/2023, họ mới được nhận lương lương 4,9 triệu đồng/tháng (do hưởng lương theo vùng). Ngoài 9 giáo viên, huyện còn 15 nhân viên hợp đồng (kế toán, thiết bị thư viện…) tại các trường học.

Đội ngũ này được UBND huyện Quỳnh Lưu ký hợp đồng, làm việc trên 10 năm với mức lương chỉ hơn 2 triệu đồng/tháng và từ năm 2023 được điều chỉnh lên 3,6 triệu đồng/tháng.

Hai nhân viên hợp đồng của Trường THCS Nghi Thủy có thâm niên trên 10 năm.

Hai nhân viên hợp đồng của Trường THCS Nghi Thủy có thâm niên trên 10 năm.

Chờ “cửa hẹp” biên chế

Đầu năm nay, giáo viên, nhân viên hợp đồng huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An đột ngột nhận thông báo dừng chi trả lương. Lý do huyện này nằm trong số địa phương có giáo viên, nhân viên hợp đồng vượt số lượng mà UBND tỉnh Nghệ An giao năm 2024. Tuy nhiên, Sở GD&ĐT Nghệ An đã có ý kiến và Kho bạc Nhà nước tỉnh Nghệ An tiếp tục trả lương tháng cho giáo viên, nhân viên hợp đồng đến khi có phương hướng giải quyết mới.

Tương tự, huyện Nghi Lộc mỗi năm trích ngân sách gần 10 tỷ đồng chi trả cho gần 270 giáo viên hợp đồng. Tuy chưa có thông báo dừng chi trả lương nhưng ông Nguyễn Văn Thông - Trưởng phòng GD&ĐT huyện lo ngại về việc chi trả lương thời gian tới.

Theo đó, thực hiện Nghị định số 111 của Chính phủ, UBND tỉnh Nghệ An ban hành Quyết định số 4431/QĐ-UBND ngày 28/12/2023 về việc giao số người làm việc, lao động hợp đồng trong các đơn vị sự nghiệp công lập chưa tự đảm bảo chi thường xuyên. Số lượng giáo viên hợp đồng do ngân sách huyện Nghi Lộc trả lương lớn, vượt số lượng được giao nhưng vẫn thiếu so với nhu cầu thực tế. Địa phương chưa có hướng xử lý nếu tỉnh lại có văn bản tạm dừng. Trong khi đó, nguồn thu của các trường hạn hẹp, không có để chi trả lương giáo viên hợp đồng.

Những năm qua, ngành Giáo dục tỉnh Nghệ An đã có nhiều văn bản gửi Bộ GD&ĐT, Bộ Nội vụ và các bộ, ban, ngành liên quan để được cấp bổ sung biên chế. Tuy nhiên, được “thêm” ít, trong khi phải thực hiện tinh giản biên chế khiến công tác sắp xếp, bố trí đội ngũ cán bộ, nhà giáo của tỉnh khó khăn.

Năm 2024, các đơn vị trực thuộc Sở GD&ĐT Nghệ An thực hiện giảm 190 biên chế so với các năm trước. Nhưng với đặc thù ngành Giáo dục để đảm bảo chất lượng dạy học không thể tinh giản biên chế một cách cơ học. Vì vậy, sở GD&ĐT đã có 3 tờ trình gửi các cơ quan có thẩm quyền xin lại số biên chế đã giảm.

Mới đây, Nghệ An được bổ sung thêm hơn 2 nghìn biên chế sự nghiệp giáo dục mầm non và phổ thông công lập từ năm học 2023 - 2024. Thông tin này dấy lên hy vọng cho giáo viên đang hợp đồng chờ cơ hội tuyển dụng.

Trường Mầm non Nghi Hòa (thị xã Cửa Lò) chỉ còn duy nhất cô Lê Thị Lợi là giáo viên hợp đồng với mức lương khoảng 7 triệu đồng/tháng. Hiện, cô phải thuê nhà trọ nuôi con nhỏ, chồng đi làm ăn xa. Để có thêm tiền trang trải cuộc sống, cô nhận dạy đàn cho học sinh chuẩn bị thi vào ngành có yêu cầu năng khiếu.

“Công việc giáo viên mầm non vất vả, có người nói tôi nghỉ dạy làm nghề khác hoặc buôn bán. Nhưng tôi yêu thích ca hát, yêu nghề và gắn bó với trẻ, nên vẫn muốn chờ cơ hội. Hy vọng sắp tới Cửa Lò có chỉ tiêu tuyển dụng vị trí giáo viên mầm non, vì trước đó, các cô hợp đồng diện Nghị định 06 và Thông tư 09 của trường đã được vào biên chế”, cô Lợi mong mỏi.

Ngày 6/12/2023, Ban Tổ chức Trung ương ban hành Quyết định số 2392-QĐ/BTCTW bổ sung 2.187 biên chế sự nghiệp giáo dục mầm non và phổ thông công lập từ năm học 2023 - 2024 cho tỉnh Nghệ An. Trong đó, bổ sung cho khối mầm non 1.352 biên chế; khối tiểu học 369 biên chế; khối THCS 441 biên chế và THPT 25 biên chế. Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An đã có văn bản đồng ý chủ trương để UBND tỉnh trình HĐND tỉnh về phân bổ 2.187 biên chế trên.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

PGS.TS Đỗ Duy Cường thăm khám cho bệnh nhân mắc sởi. Ảnh: BVCC

Gia tăng bệnh sởi ở người lớn

GD&TĐ - Gần đây, số ca mắc sởi có xu hướng gia tăng trên phạm vi nhiều tỉnh, thành phố, đặc biệt ở những nơi đông dân cư.