Dấu ấn và bài học thành công của một năm học đáng nhớ

GD&TĐ - Trong muôn vàn khó khăn do dịch bệnh, ngành Giáo dục đã thể hiện nỗ lực và quyết tâm cao nhất để hoàn thành nhiệm vụ năm học. “Tạm dừng đến trường nhưng không dừng học”, sẵn sàng các điều kiện để triển khai CTGDPT mới, tổ chức thành công đợt 1 Kỳ thi tốt nghiệp THPT… đó là một vài điểm nhấn của năm học chưa từng có tiền lệ này.

Các địa phương đã triển khai hệ thống giáo dục trực tuyến miễn phí cho học sinh trong thời gian nghỉ học do ảnh hưởng của Covid-19. Ảnh: TTXVN
Các địa phương đã triển khai hệ thống giáo dục trực tuyến miễn phí cho học sinh trong thời gian nghỉ học do ảnh hưởng của Covid-19. Ảnh: TTXVN

Những quyết định trách nhiệm, dũng cảm 

Năm học 2019 - 2020 có tính chất quan trọng: Kết thúc giai đoạn đầu 5 năm đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT; năm cuối thực hiện “Chiến lược phát triển giáo dục 2011 - 2020”; cũng là năm hoàn thành các điều kiện để triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới

Theo bà Nguyễn Thị Quyên Thanh - Đại biểu Quốc hội, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long - khối lượng công việc và áp lực xã hội rất lớn, nhưng lãnh đạo Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo, điều hành công việc đạt kết quả tốt. Luật Giáo dục 2019 được Quốc hội thông qua chính thức có hiệu lực từ 1/7, Bộ GD&ĐT đã ban hành văn bản quan trọng, bảo đảm tính đồng bộ để địa phương làm cơ sở triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông. “Tôi đánh giá cao công tác điều hành của lãnh đạo Bộ GD&ĐT” – bà Nguyễn Thị Quyên Thanh nhận định.

Chia sẻ về điểm nhấn nổi bật của năm học vừa qua, bà Nguyễn Thị Quyên Thanh cho rằng: Không thể không kể đến việc tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT trong bối cảnh đặc biệt, chưa có tiền lệ, khi cả nước bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19. Không chỉ Bộ GD&ĐT mà cả hệ thống chính trị, từ Chính phủ, các bộ, ban, ngành, UBND 63 tỉnh/thành đã cùng vào cuộc chuẩn bị cho kỳ thi trong nhiều tháng qua. Học sinh được thực hiện quyền của mình - quyền được dự thi theo quy định của Luật, quyền được chăm sóc sức khỏe, được thi trong điều kiện an toàn nhất. 

Quyết định liên quan đến sức khỏe, tương lai của hàng triệu người, chắc chắn phải cần một bản lĩnh vững vàng. Bởi vậy, tôi đánh giá cao những việc làm của Bộ GD&ĐT trong năm học qua. Phải thực sự trong cuộc và dám chịu trách nhiệm đến cùng mới làm được như vậy. - GS Nguyễn Quý Thanh. 

Cũng chia sẻ về ấn tượng với năm học vừa qua, TS Nguyễn Văn Cường, ĐH Potsdam, CHLB Đức liên hệ đến cách làm của nước bạn. Dịch bệnh Covid-19 làm ảnh hưởng và thay đổi mạnh mẽ hoạt động giáo dục ở nhiều nước. Như tại Đức, trong học kỳ vừa qua, hầu hết các trường ĐH chuyển sang học online toàn phần; học kỳ tiếp theo vẫn chưa chắc chắn sinh viên có thể trở lại trường. Các trường phổ thông tại Đức chỉ đóng cửa trong tháng 4, khi dịch bùng phát mạnh với trên 100.000 người nhiễm, hàng ngày có từ 4.000 - 6.000 người mắc mới. Từ tháng 5, dịch bệnh được kiểm soát tốt hơn với số người nhiễm mới khoảng 1.000 ca mỗi ngày, các trường phổ thông mở cửa trở lại. Nhiều trường cũng tổ chức học online trong thời gian tạm đóng cửa.

“Tuy nhiên, thực tế cho thấy, không phải tất cả trường phổ thông ở Đức và các nước phát triển đã sẵn sàng cho dạy học online ở quy mô lớn. Hiện nhiều nước bắt tay xây dựng chính sách phát triển điều kiện dạy học số hóa cho các trường trong hệ thống GD&ĐT. Nói vậy để thấy rằng, GD-ĐT Việt Nam đã có nhiều cố gắng trong đối phó với dịch Covid-19, tương tự cách làm của các nước phát triển trong phạm vi quốc tế, nhưng với sự thận trọng cao hơn” – TS Nguyễn Văn Cường nhận định.

Nhắc đến kết quả nổi bật của giáo dục Việt Nam năm học vừa qua, bên cạnh Kỳ thi tốt nghiệp THPT, triển khai dạy học trực tuyến, TS Nguyễn Văn Cường đặc biệt ấn tượng với những quyết định kịp thời của Bộ GD&ĐT. “Bộ GD&ĐT đã có quyết định khó khăn nhưng đầy trách nhiệm. Quyết định về chủ trương tạm dừng đến trường vì dịch Covid-19, hay thời điểm cho học sinh đi học trở lại đều hết sức “cân não”, vì chưa có tiền lệ và luôn tiềm ẩn rủi ro. Đặc biệt, việc tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát trở lại là quyết định dũng cảm, quyết đoán nhưng đúng với trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước” – TS Nguyễn Văn Cường nêu quan điểm.

Thí sinh trao đổi bài thi tổ hợp môn Khoa học tự nhiên tại điểm thi Trường THPT Châu Văn Liêm (TP Cần Thơ). Ảnh: B.NG
Thí sinh trao đổi bài thi tổ hợp môn Khoa học tự nhiên tại điểm thi Trường THPT Châu Văn Liêm (TP Cần Thơ). Ảnh: B.NG

Khả năng thích ứng ấn tượng 

“Tôi thực sự ấn tượng với khả năng thích ứng của ngành Giáo dục, nhất là của giáo viên, người học, cán bộ quản lý giáo dục”. Chia sẻ điều này, GS.TS Nguyễn Quý Thanh, Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục (ĐHQG Hà Nội), thành viên Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực giai đoạn 2016 - 2021 nhấn mạnh đến nỗ lực không biết mệt mỏi của giáo viên, nhất là giáo viên phổ thông để vượt qua nghịch cảnh. 

“Từ các nghiên cứu, chúng tôi thấy trong giáo viên khá phổ biến hiện tượng sợ công nghệ. Nhưng, năm học này, trong bối cảnh giãn cách xã hội, giáo viên đã vượt qua chính mình để làm quen và dần dần làm chủ công nghệ giáo dục mới. Những ứng dụng dạy học trực tuyến như Zoom, Teams, Meet... dần trở nên quen thuộc. Giáo viên đã góp công sức không nhỏ cho việc chuyển đổi số trong ngành Giáo dục thực sự đi vào cuộc sống chứ không chỉ là văn bản chính sách. Đó chính là thành công lớn nhất của ngành Giáo dục năm học này - hiện thực hóa mạnh mẽ quá trình chuyển đổi số”, GS Nguyễn Quý Thanh nhận định.

Năm học vừa qua, có quá nhiều tình huống chưa có tiền lệ, nên việc ra quyết định là hết sức khó khăn. Ví dụ, đầu tháng 3, khi những ca lây nhiễm cộng đồng xuất hiện trở lại, quyết định mở hay đóng cửa trường học để phòng dịch là không dễ; bởi quy mô, mức độ nguy hiểm của dịch lúc đó chưa rõ. Nhưng, kế hoạch kết thúc năm học của các bậc, khối lại phụ thuộc nhau. Không kết thúc được lớp 9 thì không thể tổ chức thi chuyển cấp vào lớp 10. Tương tự, hàng trăm trường ĐH sẽ rất khó khăn trong tuyển sinh, hàng vạn thí sinh đã học ôn để thi lấy điểm tuyển sinh, nếu bỏ Kỳ thi tốt nghiệp THPT tạo ra rất nhiều hệ lụy.

Chia sẻ nội dung trên, GS Nguyễn Quý Thanh đồng thời nhận định: Có 2 quyết định chính xác của lãnh đạo ngành Giáo dục: Tạm dừng đến trường, không dừng học; thực hiện dạy học trực tuyến và tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT làm 2 đợt. GS Thanh cho rằng, hệ thống giáo dục của chúng ta chuyển sang dạy học trực tuyến nhanh hơn nhiều nước, dù họ phát triển hơn. Điều này không hẳn do nền tảng công nghệ mà có lẽ bởi chỉ đạo tập trung, nên mọi việc thực hiện thống nhất, nhanh hơn. Ngoài ra, tổ chức thi cũng là quyết định rất khó khăn; bởi xã hội vẫn đang “sốc” khi Đà Nẵng liên tiếp có các ca nhiễm sau 99 ngày yên bình. Khó khăn vì biến cố chỉ xảy ra trước ngày thi 2 tuần; đồng thời, khác với đợt dịch đầu, lần này quan điểm chỉ đạo phải vừa chống dịch, vừa bảo đảm phát triển kinh tế - một bài toán khó với người đứng đầu ngành.

Sở GD&ĐT Hà Nội đã có văn bản đề nghị thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch Covid-19. Ảnh: TTXVN
Sở GD&ĐT Hà Nội đã có văn bản đề nghị thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch Covid-19. Ảnh: TTXVN

Những bài học quý

Nhiều bài học quý được rút ra cho ngành Giáo dục sau một năm vượt lên khó khăn. Bài học đầu tiên, theo bà Nguyễn Thị Quyên Thanh, đó là sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội và điều hành hiệu quả của Chính phủ, chính quyền các cấp; sự quan tâm, tham gia đóng góp của toàn dân với sự nghiệp giáo dục là những yếu tố chủ chốt cho thành công trong thời gian qua. Bên cạnh đó, chính trị ổn định, thành quả phát triển kinh tế - xã hội, đời sống nhân dân được cải thiện và hội nhập quốc tế ngày càng sâu, rộng đã tạo môi trường thuận lợi cho phát triển giáo dục. Cuối cùng, rà soát, loại bỏ nội dung giáo dục trùng lặp; xây dựng nội dung và chủ đề tích hợp; tăng cường sử dụng các phương pháp giáo dục tích cực, hoạt động dạy và học theo hướng phát huy năng lực người học; đổi mới kiểm tra, đánh giá... là kinh nghiệm quan trọng, cũng là điều kiện tiền đề để thực hiện tốt hơn công tác đổi mới, phát triển năng lực trong thời gian tới.

Còn theo GS.TS Nguyễn Quý Thanh, bài học đầu tiên là hãy chuẩn bị cho mọi tình huống một cách linh hoạt, phản ứng nhanh để điều chỉnh kịp thời các quyết sách. Cần có sự tham vấn về chuyên môn và bản lĩnh để đưa ra quyết định vào nhưng thời khắc quan trọng.

Ở góc nhìn quốc tế, TS Nguyễn Văn Cường nhấn mạnh đến các bài học về phòng chống dịch trong ngành Giáo dục và tổ chức dạy học. Theo đó, việc áp dụng các biện pháp để bảo đảm an toàn cho học sinh được đặt lên hàng đầu, kể cả phải đóng cửa trường học khi cần thiết là kinh nghiệm quan trọng, cần tiếp tục thực hiện triệt để. 

“Đầu tháng 2, chúng ta đóng cửa trường trong toàn quốc khi cả nước mới có 16 ca nhiệm bệnh ở một số tỉnh. Quyết định ở thời điểm đó có thể hợp lý vì chúng ta chưa có kinh nghiệm đối phó với Covid-19. Nhưng đầu tháng 9 sắp tới, khi năm học mới bắt đầu, có thể số bệnh nhân dương tính và số tỉnh thành có ca nhiễm nhiều hơn, nhưng không nhất thiết phải đóng cửa toàn bộ trường học khi dịch bệnh vẫn trong tầm kiểm soát” – TS Nguyễn Văn Cường khuyến nghị.

Về tổ chức dạy học, TS Nguyễn Văn Cường cho rằng: Học online, E- learning là hình thức tổ chức học tập bổ sung hiệu quả cho học trực diện. Đây không chỉ là phương thức thay thế phù hợp trong điều kiện học sinh không thể đến trường do dịch bệnh mà quá trình học tập số hóa là một xu hướng của nhà trường tương lai. Bộ GD&ĐT, các địa phương cần có chính sách, biện pháp đột phá để hỗ trợ trường học phát triển cơ sở vật chất, chất lượng của dạy học online, bao gồm trang bị cơ sở hạ tầng, bồi dưỡng giáo viên về phương pháp dạy học. 

“Cần nhấn mạnh mục tiêu rèn luyện khả năng tự học, tính tự chủ là chuẩn bị cho học sinh giải quyết các tình huống của cuộc sống luôn biến đổi. Những thay đổi do Covid-19 gây ra là minh họa thuyết phục cho sự cần thiết của mục tiêu giáo dục này” - một bài học khác được TS Nguyễn Văn Cường chia sẻ.

Quyết định về chủ trương tạm dừng đến trường vì dịch Covid-19, hay thời điểm cho học sinh đi học trở lại đều hết sức “cân não”, vì chưa có tiền lệ và luôn tiềm ẩn rủi ro. Đặc biệt, việc tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát trở lại là quyết định dũng cảm, quyết đoán nhưng đúng với trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước. - TS Nguyễn Văn Cường.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.