Dấu ấn thời đại qua bài thơ "Dáng đứng Việt Nam"

Dấu ấn thời đại qua bài thơ "Dáng đứng Việt Nam"

(GD&TĐ) - Nhà thơ Lê Anh Xuân tên thật là Ca Lê Hiến sinh ngày 05 tháng 6 năm 1940 tại thị xã Bến Tre, tỉnh Bến Tre và hy sinh ngày 21 tháng 5 năm 1968 tại huyện Cần Đước, tỉnh Long An. Sự nghiệp văn thơ của tác giả tuy không nhiều nhưng đã để lại cho hậu thế nhiều ấn tượng với một quan niệm nghệ thuật hiện đại, uyên bác, mang tính nhân văn sâu sắc về hình ảnh đất nước và con người Việt Nam trong cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước rất đau thương, ác liệt nhưng vô cùng anh dũng.

Trong di sản ấy, bài thơ Dáng dứng Việt Nam là tác phẩm tiêu biểu đã được đưa vào giảng dạy trong nhà trường phổ thông. Bài thơ là một bức tranh hùng tráng về khí thế tiến công giặc Mỹ, tinh thần lạc quan cách mạng; ca ngợi lòng yêu nước và sự hy sinh anh dũng của người chiến sĩ cộng sản, đặc biệt là phác họa Tượng đài Tổ quốc Việt Nam anh hùng đồng thời góp phần dự báo về tương lai tươi đẹp của dân tộc.

Người viết bài này xin mạo muội được bày tỏ lòng thành kính và sự tri ân sâu sắc của hậu thế đối với Nhà thơ – Liệt sĩ Lê Anh Xuân đã dành trọn trí tuệ và tình cảm cho cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc. Người đã vĩnh viễn ra đi ở tuổi 28, để lại bao ý tưởng và dự định còn dang dỡ trong cuộc đời của một trí thức, một người thầy, một nhà thơ đầy tài năng, tâm huyết và trên hết là một chiến sĩ cộng sản đã hy sinh cho công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, góp phần làm nên Dáng đứng Việt Nam tạc vào thế kỷ!

Có lẽ không còn xa lạ đối với mỗi chúng ta khi cảm nhận những thông điệp về sự hy sinh cao cả, thầm lặng nhưng rất anh dũng của các chiến sĩ giải phóng quân trên khắp chiến trường ác liệt mà nhà thơ Lê Anh Xuân đã phác họa. Cũng không cần đi sâu phân tích những yếu tố trong đáp án hướng dẫn bình giảng bài thơ này. Tuy vậy, trên cơ sở những giá trị hiện thực và nghệ thuật của bài thơ, có thể đề cập một vài khía cạnh chưa bàn đến trong ý tưởng ngôn từ thi ca tinh tế, lắng đọng, giàu cảm xúc, mang tính khái quát và khả năng dự báo sâu xa về dân tộc và thời đại mà Nhà thơ đã để lại cho hậu thế và từng bước đã được thực tiễn lịch sử chứng minh sống động trong qua khứ, hiện tại và tương lai.

Nhà thơ Lê Anh Xuân
Nhà thơ Lê Anh Xuân

Những hình ảnh diễn tả về sự hy sinh của người lính được Nhà thơ khắc họa hết sức sinh động, thể hiện tinh thần yêu nước, niềm lạc quan và lòng tự hào dân tộc, làm cho kẻ thù phải khiếp sợ trước sự hy sinh đầy quả cảm và niềm tin yêu mãnh liệt vào sự tất thắng của cách mạng Việt Nam:

Anh ngã xuống đường băng Tân Sơn Nhất
Nhưng Anh gượng đứng lên tì súng trên xác trực thăng
Và Anh chết trong khi đang đứng bắn
Máu Anh phun theo lửa đạn cầu vồng.

Chợt thấy Anh, giặc hốt hoảngxin hàng
Có thằng sụp xuốngchân Anh tránh đạn
Bởi Anh chết rồi, nhưng lòng dũng cảm
Vẫn đứng đàng hoàng nổ súng tiến công

Lịch sử sẽ không bao giờ lãng quên sự hy sinh anh dũng và thầm lặng của những chiến sĩ giải phóng quân, mặc dù có thể Họ không để lại “một tấm hình” hay “một dòng địa chỉ” nhưng Họ mãi mãi là những “bức tường đồng” được tôn vinh, gìn giữ và ghi nhận như những giá trị văn hóa vĩnh hằng của một dân tộc anh hùng. Và những hành động tưởng chừng như đơn giản ấy bất ngờ được nâng lên thành hình tượng cao cả, vĩ đại trở thành giá trị mới của văn hóa Việt Nam. Chính hình ảnh “Anh là chiến sĩ giải phóng quân” đã tạo nên “ …cái dáng dứng Việt Nam tạc vào thế kỷ”!

Thế giới đã nhìn nhận Việt Nam trong thế kỷ XX như biểu tượng của thời đại đấu tranh giải phóng dân tộc. Điều đó có lẽ đã được Nhà thơ - Liệt sĩ Lê Anh Xuân dự báo cách đây hơn 30 năm từ những vần thơ mang âm hưởng chủ đạo về sự bi tráng của chiến tranh, song vẫn toát lên sự hào hùng, lạc quan của người lính trước sự hy sinh anh dũng, thanh cao và thầm lặng để trở thành những hình tượng bất tử của dân tộc; có sức sống mãnh liệt và lan tỏa rộng lớn, mang dấu ấn thời đại sâu sắc.

Anh tên gì hỡi Anh yêu quý
Anh vẫn đứng lặng im như bức tường đồng
Như đôi dép dưới chân Anh giẫm lên bao xác Mỹ
Mà vẫn một màu bình dị, sáng trong

Không một tấm hình, không một dòng địa chỉ
Anh chẳng để lại gì cho Anh trước lúc lên đường
Chỉ để lại cái dáng đứng Việt Nam tạc vào thế kỷ:
Anh là chiến sĩ Giải phóng quân.

Từ sự hy sinh của bao thế hệ trong cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại đã làm nên một dân tộc Việt Nam anh hùng. Hình tượng người lính được nâng lên thành biểu tượng của đất nước, của dân tộc, tỏa sáng đến hôm nay và mai sau… Từ Dáng đứng anh giải phóng quân năm ấy đã tạo nên Dáng đứng Việt Nam anh hùng tiếp tục giành được những thắng lợi to lớn trên chiến trường thống nhất đất nước và trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Có thể nói khí phách hiên ngang, anh dũng, bất chấp hy sinh gian khổ với tinh thần lạc quan cách mạng của người lính đã làm nên linh hồn của dân tộc Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh, góp phần khẳng định ý chí, niềm tin và những thắng lợi của dân tộc trước bao biến động, thăng trầm của thời đại trong công cuộc xây dựng đất nước thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội vừa qua.

Bài thơ khép lại bằng hình ảnh: “Từ dáng đứng của Anh giữa đường băng Tân Sơn Nhất. Tổ quốc bay lên bát ngát mùa xuân” đã mở ra một chân trời mới tràn ngập niềm lạc quan, tin tưởng vào tương lai tươi đẹp của dân tộc Việt Nam. Sẽ không quá lời khi cho rằng, thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và đặc biệt là những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử trong thời kỳ đổi mới vừa qua cũng phần nào đã chứng minh những tiên cảm nghệ thuật dự báo tài tình của Nhà thơ – Liệt sĩ Lê Anh Xuân.

Tháng 4/2011

ThS. Nguyễn Tri

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ