Đánh dấu lần họp trực tiếp đầu tiên sau hai năm Covid-19, các nhà lãnh đạo G20 đã đi đến thống nhất nhiều vấn đề trên lĩnh vực y tế, biến đổi khí hậu và kinh tế.
Trước vấn đề biến đổi khí hậu, các nhà lãnh đạo G20 đã đi đến tái cam kết duy trì nhiệt độ toàn cầu tăng không quá 2 độ C và giới hạn trên 1,5 độ C vào giữa thế kỷ so với thời kỳ tiền công nghiệp. Trước đó, các nhà lãnh đạo từng cam kết hành động chống lại các nhà máy than bẩn nhưng không đạt được mục tiêu không phát thải.
Nhóm cũng bày tỏ hy vọng có thể huy động 100 tỷ USD/năm đến năm 2025 để hỗ trợ các nước đang phát triển. Đồng thời, các nước cần thiết phải huy động các nguồn tài chính công và tư để hỗ trợ phát triển năng lượng xanh và bền vững.
Trong lĩnh vực y tế, các nhà lãnh đạo cam kết ủng hộ mục tiêu của WHO là tiêm vắc-xin cho ít nhất 40% dân số thế giới để chống lại Covid-19 vào năm 2021 và 70% vào giữa năm 2022.
Các nước phát triển sẽ tăng cường cung cấp vắc-xin cho các nước đang phát triển và loại bỏ hạn chế về nguồn cung, tài chính dưới sự giám sát của bộ trưởng y tế các nước thành viên. Tại Hội nghị, lãnh đạo các nước nhiều lần tái khẳng định quyết tâm mở rộng quy mô miễn dịch để đem lại lợi ích chung trên toàn cầu.
Một trong những điểm nổi bật của Hội nghị năm nay là sự ủng hộ của các nước G20 về mức thuế tối thiểu toàn cầu 15% đối với các công ty đa quốc gia. Thỏa thuận này là một phần trong nỗ lực xây dựng “hệ thống thuế quốc tế ổn định và công bằng hơn”. Mục tiêu cụ thể của quy định mới nhắm vào những gã khổng lồ công nghệ như Amazon, Alphabet, Facebook và Apple.
Cuộc cải cách, do Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) làm trung gian, đã nhận được sự ủng hộ của 136 quốc gia, chiếm hơn 90% GDP toàn cầu. Vấn đề trên đã được đưa ra thảo luận, đàm phán qua nhiều năm và đến nay đã được những thành công ban đầu.
Cùng với đó, trong bối cảnh lạm phát gia tăng, nền kinh tế thế giới quay cuồng với những gián đoạn do Covid-19 mang lại, các nhà lãnh đạo G20 đã loại bỏ các biện pháp kích thích nền kinh tế quốc gia.
Các nước đi đến thống nhất tiếp tục duy trì sự phục hồi, tăng cường biện pháp hỗ trợ đồng thời duy trì sự ổn định tài chính, giảm thiểu các rủi ro và tác động tiêu cực của dịch bệnh đối với nền kinh tế.
Ngoài những chủ đề đa phương, Hội nghị đã đi đến một số thỏa thuận song phương đáng chú ý như thỏa thuận giữa Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) về dỡ bỏ áp thuế đối với sản phẩm nhôm, thép.
Nhìn chung, Hội nghị Thượng đỉnh G20 năm 2021 đã thành công trong việc củng cố chủ nghĩa đa phương, thúc đẩy sự chung tay của cộng đồng quốc tế trong những vấn đề chung của nhân loại. Tuy nhiên, ông Antonio Guterres, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc, thừa nhận Hội nghị G20 chưa đáp ứng được những kỳ vọng về vấn đề biến đổi khí hậu.
“Tôi rời Rome với những hy vọng chưa thành nhưng ít nhất, chúng không bị chôn vùi. Chúng ta hãy cùng tiến tới Hội nghị Thượng đỉnh khí hậu COP26 để duy trì mục tiêu và thực hiện những lời hứa dành cho tương lai của nhân loại”, ông Antonio bày tỏ.