(GD&TĐ) - Năm học 2010-2011 là năm học đầu tiên toàn ngành GD thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, thực hiện Luật GD 2009, triển khai Nghị quyết số 50 của Quốc hội; Đây cũng là năm học thứ hai thực hiện Chỉ thị 296 của Thủ tướng Chính phủ và chương trình hành động của Bộ GD&ĐT về đổi mới quản lý GD ĐH giai đoạn 2010-2012. Nhìn lại một năm để thấy rằng những thành công của năm học vừa qua đã tạo tiền đề quan trọng trong thực hiện các mục tiêu GD ĐH thời gian tới, góp phần thực hiện thành công kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2011-2015 của cả nước.
Đổi mới quản lý, phân cấp rõ ràng
Hàng loạt văn bản quy phạm pháp luật mới về thành lập trường, tuyển sinh, tổ chức đào tạo, quản lý tài chính, quản lý chất lượng... đã được xúc tiến xây dựng, ban hành, tạo cơ sở cho các trường thực hiện quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm trước xã hội. Bộ đã tham mưu cho Chính phủ phân công, phân cấp mạnh hơn trong việc quản lý các trường ĐH, CĐ. Kết quả là vào tháng 11-2010, Chính phủ đã ban hành một nghị định mang tính đột phá, quy định cụ thể trách nhiệm quản lý nhà nước về GD đối với các cơ quan Bộ, UBND cấp tỉnh, Sở GD-ĐT, UBND cấp huyện, xã. Theo quyết định này, từ ngày 15.2.2011, uỷ ban nhân dân cấp tỉnh có quyền và chịu trách nhiệm quản lý hành chính theo lãnh thổ đối với trường ĐH, CĐ (cả công lập và tư thục) trực thuộc các bộ đóng trên địa bàn; ra quyết định thành lập, chia tách, sáp nhập, giải thể, chuyển đổi loại hình trường với các cơ sở thuộc thẩm quyền. Quyết định trên là bước đột phá trong đổi mới quản lý GD, nhằm đề cao trách nhiệm của các cấp chính quyền đối với sự nghiệp GD - ĐT, trong đó có đào tạo ĐH và CĐ.
Bộ GD&ĐT cũng đã quyết định giao quyền thẩm định mở một ngành đào tạo mới ở bậc ĐH cho các Sở GD&ĐT. Việc phân cấp, giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho cơ sở GDĐH, trong đó có các địa phương là thực hiện đúng Nghị quyết 50 của Quốc hội khóa 12 về thực hiện chính sách pháp luật về thành lập trường, đầu tư và bảo đảm chất lượng đào tạo đối với GDĐH; Nghị định số 115 của Chính phủ quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về GD và Chỉ thị số 296 của Thủ tướng Chính phủ về đổi mới quản lý GDĐH giai đoạn 2010-2012. Đây là những cơ sở pháp lý quan trọng để ngành GD triển khai việc phân cấp mạnh về quản lý GDĐH cho các địa phương, trong đó có việc giao cho các sở GD và đào tạo thực hiện kiểm tra, xác nhận một số điều kiện để các trường ĐH, CĐ trên địa bàn được phép mở một mã ngành đào tạo mới.
Bộ GD&ĐT cũng đã yêu cầu các trường phải công bố cam kết chất lượng đào tạo. Bên cạnh việc xây dựng chuẩn tối thiểu trình độ ĐH, năm học 2010- 2011 đã tiến hành triển khai phân cấp mạnh mẽ cho các cơ sở GD ĐH đủ điều kiện. Các trường cũng phải công bố cam kết chất lượng đào tạo và chương trình hành động đổi mới quản lý, nâng cao chất lượng đào tạo của trường giai đoạn 2010-2012; kế hoạch xây dựng chiến lược phát triển giai đoạn 2011-2015 và định hướng phát triển đến năm 2020; xác định các tiêu chí và phương thức đánh giá giảng viên, đánh giá lãnh đạo và đánh giá toàn bộ hoạt động của cơ sở GD ĐH.
Trong năm 2010-2011, quy chế tuyển sinh hệ vừa làm vừa học cũng được sửa đổi, bổ sung theo hướng tăng quyền tự chủ và trách nhiệm xã hội của các cơ sở GD ĐH trong tất cả các khâu có liên quan.
Đáng chú ý, Bộ GD&ĐT đã công bố xin ý kiến rộng rãi dự thảo Luật GDĐH với 9 chương, 49 điều, quy định về hoạt động GD ĐH; cơ sở GD ĐH; giảng viên; người học và quản lý nhà nước về GD ĐH. Luật này áp dụng đối với trường CĐ, ĐH, học viện, ĐH, viện NCKH được phép đào tạo trình độ tiến sĩ; tổ chức và cá nhân tham gia hoạt động GD ĐH tại Việt Nam. Có thể thấy các cơ sở GD ĐH được giao quyền tự chủ và chịu trách nhiệm xã hội về hoạt động của trường căn cứ vào vị trí, điều kiện, chất lượng và hiệu quả quản lý. Đặc biệt, các trường phải thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo về tình hình hoạt động của trường, cũng như thực hiện 3 công khai theo quy định.
Thầy và trò Trường ĐH GTVT trong giờ thực hành máy |
Công tác tuyển sinh 2011: Nhiều thay đổi có lợi cho thí sinh
Thực hiện Nghị quyết 37 Quốc hội khóa XI về tiếp tục cải tiến thi cử theo hướng gọn nhẹ, hiệu quả, thiết thực, để giảm áp lực, giảm căng thẳng, tốn kém, bảo đảm quyền lợi và công bằng cho thí sinh. Trong năm 2010-2011, về cơ bản, kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy năm 2011 vẫn giữ ổn định theo giải pháp 3 chung như các năm trước. Tuy nhiên, để tạo điều kiện cho các thí sinh đặc biệt được ưu tiên xét tuyển và giúp cho thí sinh bình thường có nhiều cơ hội trúng tuyển vào ngành nghề và cơ sở đào tạo yêu thích, kỳ thi tuyển sinh năm nay có một số điểm mới: Thí sinh là người khuyết tật không thể tự phục vụ nhu cầu sinh hoạt cá nhân hàng ngày, thí sinh là người nước ngoài, có nguyện vọng học tại các trường ĐH, CĐ Việt Nam: Hiệu trưởng các trường căn cứ kết quả học tập THPT của HS (bảng điểm), kết quả kiểm tra kiến thức và tiếng Việt theo quy định của trường để xem xét quyết định cho vào học; Kéo dài thời gian nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển nguyện vọng 2 và nguyện vọng 3 mỗi đợt thêm 5 ngày so với năm 2010; Thí sinh được rút hồ sơ đăng ký xét tuyển đã nộp cho cơ sở đào tạo để xét tuyển nguyện vọng 2, nguyện vọng 3 trong vòng 15 ngày, kể từ khi bắt đầu nộp hồ sơ xét tuyển mỗi nguyện vọng theo lịch tuyển sinh. Các trường cập nhật công khai thông tin về hồ sơ xét tuyển các nguyện vọng 2, nguyện vọng 3 trên Website của trường để thí sinh theo dõi, quyết định việc rút, nộp hồ sơ của mình vào trường, ngành học phù hợp…
Để tăng cường kỷ cương trong tuyển sinh, Bộ bổ sung hình thức kỷ luật cảnh cáo hoặc mức kỷ luật cao hơn đối với Chủ tịch Hội đồng tuyển sinh và những người khác liên quan vi phạm một trong các lỗi: Gửi giấy triệu tập trúng tuyển cho thí sinh không nộp hồ sơ đăng kí xét tuyển vào trường; Thông báo nhận và kết thúc việc nhận hồ sơ đăng kí xét tuyển của thí sinh không đúng thời gian quy định; Hạ điểm trúng tuyển các nguyện vọng trái quy định; Tính điểm sàn với điểm môn thi đã nhân hệ số.
Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học trong các nhà trường
Theo đánh giá của Bộ GD&ĐT, năm 2006 đến 2010, các trường ĐH, cao đẳng, viện nghiên cứu (ĐH, CĐ) trực thuộc ngành GD - ĐT đã thực hiện được 67 nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp nhà nước thuộc các chương trình khoa học, công nghệ trọng điểm và khoa học xã hội, nhân văn; 503 nhiệm vụ nghiên cứu cơ bản; 26 đề tài độc lập cấp nhà nước; 53 nhiệm vụ hợp tác nghiên cứu với nước ngoài theo nghị định thư... Ngoài ra, các cơ sở đào tạo còn triển khai thực hiện 32 nhiệm vụ ươm tạo công nghệ, 331 đề tài trọng điểm cấp bộ...
Có thể thấy, hoạt động NCKH và chuyển giao công nghệ (CGCN) trong GD-ĐT hiện nay được đẩy mạnh và có nhiều kết quả cụ thể từ nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng đến hoạt động chuyển giao khoa học và công nghệ (KH và CN) phục vụ sản xuất và đời sống. Nhiều chương trình, đề tài đã được đưa vào ứng dụng trong thực tiễn đạt kết quả cao.
Những kết quả đạt được cho thấy NCKH và CGCN giữ vai trò ngày càng quan trọng trong GD và ĐT nói riêng, phát triển kinh tế - xã hội nói chung. Xây dựng các trường ĐH theo hướng ĐH nghiên cứu là một hướng đi đúng ở nước ta. Nhiều trường ĐH đã có những cách làm sáng tạo, đầu tư lớn cho hoạt động khoa học công nghệ, tạo môi trường đào tạo theo hướng hội nhập quốc tế đạt kết quả cao.
l Từ năm học 2010-2011, hệ thống trường GD nghề nghiệp và CĐ, ĐH trên toàn quốc bắt đầu điều chỉnh học phí theo khung mới của Đề án "Đổi mới tài chính trong GD". Theo đó, việc tăng học phí đi đôi với các giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo, thực hiện tốt các chính sách tín dụng cho SV, chính sách miễn giảm học phí. l Từ năm 2011 và những năm tiếp theo, khuyến khích các trường CĐ, ĐH đăng ký kiểm định chất lượng bởi các tổ chức quốc tế. Hướng tới việc công nhận lẫn nhau về tín chỉ, chương trình, bằng cấp giữa các trường ĐH Việt Nam và các trường ĐH có uy tín trên thế giới. |
Nguyễn Vinh Quang