Nhưng, cái quy luật “để đến được nắng vàng đất mật, phải trên lòng bao trận gió mưa qua” mà nhà thơ Chế Lan Viên đúc kết, xem ra nó chẳng chừa ai, từ người nông dân đến vĩ nhân. Huống gì ông, một người mà chỉ cần điểm sơ vài sự kiện đã thấy dư sức để “anh hùng”.
Quá khứ đáng trân trọng và lưu giữ
Trang đời của NGƯT Lê Công Cơ có nhiều chi tiết thật cảm động. Mới 5 tuổi, ông đã tận mắt chứng kiến hình ảnh bà nội bị một tên lính viễn chinh Pháp đánh chết, rồi cũng chính trong năm ấy phải chứng kiến cảnh mẹ và em gái chết đói; 6 tuổi đã phải đi chăn bò, giữ trâu để tự nuôi sống bản thân. Từ đó, ông hiểu hơn ai hết ý nghĩa của sự đổi đời.
“Thế rồi may mắn đến với tôi. Tôi đã được những người lính Cụ Hồ đến đóng quân trong làng dạy cho những chữ đánh vần đầu tiên vào năm 11 tuổi, để từ đó bắt đầu đi làm liên lạc cho bộ đội.
Chính người lính Cụ Hồ ấy đã dặn dò: “Phải học cho thực giỏi để đi làm cách mạng”, lời dặn giản dị mà thôi thúc tôi dù làm bất cứ việc gì, ở đâu cũng phải học cho thật giỏi, vừa tự học và vừa hoạt động cách mạng” - NGƯT Lê Công Cơ tâm sự.
Sau khi thi đỗ Tú tài 2 (năm 1959), ông đã thi đỗ vào ngành Điện của Trường Kỹ sư Phú Thọ. Học và trở thành kỹ sư ở miền Nam thời ấy chắc chắn sẽ có một đời sống ấm no, sung túc.
Ông lại có học bổng đi du học tại Canada (do thành tích học tập). Thế nhưng, tiếng gọi thiêng liêng hơn với người SV yêu nước, đó là con đường đấu tranh cho hòa bình độc lập.
Được sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Võ Chí Công - Ủy viên T.Ư Đảng, Trưởng ban Dân vận T.Ư, ông đã lên đường quay về miền Trung để xây dựng phong trào cách mạng trong HSSV.
Con đường học vấn thênh thang của tuổi trẻ khép lại. Ở miền Trung, ông vừa đi dạy trong các trường trung học, vừa hoạt động xây dựng phong trào.
Trong vòng 3 năm, từ 1960 - 1963, ông đã ráo riết vận động thành lập được Hội Liên hiệp Thanh niên Sinh viên Học sinh Giải phóng ở khắp các tỉnh từ Quảng Trị vào đến Phú Yên; dùng chính những đồng tiền đi dạy học của mình để mua 8 bàn máy đánh chữ tặng Ban chấp hành Hội LHTN HSSV Giải phóng ở 8 tỉnh, thành trên vùng đất Trung Trung bộ, nhằm có thể thực hiện những tờ báo in ronéo, tuyên truyền đường lối cách mạng miền Nam; cùng với một vài đồng chí Đoàn viên tâm huyết, làm tờ “Hướng Sống”, gây tiếng vang sâu rộng trong phong trào HSSV tại Đà Nẵng và các tỉnh Trung bộ.
Rồi ngay trong lòng địch, ông đã vận động và tổ chức thành công Đại hội thành lập Hội Liên hiệp Thanh niên HSSV Giải phóng Trung Trung bộ, tại bãi biển Thuận An (Huế) vào năm 1963 và được Đại hội tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Hội.
Từ năm 1964 - 1967, nhà giáo Lê Công Cơ đã lập được khá nhiều kỳ tích, đặc biệt là phục hồi được phong trào thanh niên HSSV tại thành phố Huế.
Năm 1972, sau chiến dịch Bình Minh của kẻ địch, Lê Công Cơ được bố trí vào lại nội thành để phục hồi phong trào. Tiếp đó sau Hiệp định Paris 1973, ông được giao thêm một nhiệm vụ nữa, là đi vận động những nhân sĩ trí thức tên tuổi ở miền Trung và cả ở Sài Gòn, tham gia vào thành phần thứ ba do cách mạng lãnh đạo, nhằm kịp thời chiếm lĩnh thời cơ.
Với tư cách Thành ủy viên (Thành ủy Huế) đang trực tiếp chỉ đạo phong trào bên trong nội thành, ông được giao nhiệm vụ tổ chức lực lượng tại chỗ nổi dậy, giải phóng thành công hoàn toàn thành phố Huế vào ngày 25/3/1975.
Chủ động, sáng tạo trong góp phần đổi mới và hội nhập
Đất nước được hòa bình, độc lập và cuộc đời sự nghiệp của nhà giáo Lê Công Cơ cũng mở sang một trang mới. Tháng 8/1978, sau khi được cử đi học Trường Đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc (Học viện Hồ Chí Minh) tại Hà Nội, trở về ông nhận nhiệm vụ Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng.
Bằng sở trường sáng tạo vốn có, ông tiếp tục lập thành tích xuất sắc cho tập thể, không chỉ bằng những Huân chương ghi nhận thành tựu, mà còn chủ trì việc tổ chức thực hiện sưu tầm và biên soạn được 7.000 trang tư liệu về truyền thống đấu tranh của nhân dân Quảng Nam - Đà Nẵng (từ 1930 - 1945).
Những mốc son đáng nhớ với ông ở chặng đường bước vào đổi mới của đất nước: Năm 1986, được bầu vào Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam, khóa 8.
Năm 1989, được Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng chuyển qua làm công tác kinh doanh, nhận nhiệm vụ Tổng Giám đốc của Công ty Du lịch Quảng Nam - Đà Nẵng.
Ông đã mạnh dạn cải tổ công ty, trả được hết nợ cho công ty, đặc biệt quan trọng là đã hình thành sự liên kết với doanh nghiệp du lịch nước ngoài, trực tiếp sáng lập và đích thân viết luận chứng kinh tế thành lập khu resort nghỉ mát du lịch FURAMA đầu tiên tại Việt Nam.
Mỗi lần hồi tưởng lại quá khứ, NGƯT Lê Công Cơ đều dốc lòng: “Có một tâm nguyện cứ thôi thúc mãi trong tôi: Máu xương chúng ta đã đổ ra cho kháng chiến cứu quốc là có thật, bao thế hệ cha anh đi trước cùng lớp lớp bạn bè đồng chí đã hi sinh cho hòa bình độc lập dân tộc là có thật.
Những người được thừa hưởng thành quả của hòa bình ngày hôm nay không thể bằng lòng về những gì mình đang có và dậm chân tại chỗ được”.
Từ sự trở trăn ấy, “chí anh hùng” trong ông lớn dần lên. Khi ông tuyên bố sáng lập Trường Đại học Duy Tân, nhiều người vẫn nửa tin, nửa ngờ.
Nhưng rồi năm 1994, được sự cấp phép của Bộ GD&ĐT, ngôi trường ĐH tư thục đầu tiên ở miền Trung đã ra đời. Có thể thấy, nhà giáo Lê Công Cơ đã “đi trước thời đại” bởi tầm nhìn xa trông rộng, đã cùng với những nhà giáo tâm huyết xây dựng Đề án thành lập Trường Đại học Tư thục Miền Trung ngay từ ngày ấy.
Ông cho biết: “Để có vốn xây dựng cơ sở vật chất ban đầu của trường, gia đình tôi đã quyết định đem giấy tờ sở hữu nhà riêng thế chấp ở ngân hàng.
Quyết định này được xem là liều lĩnh, vì nếu thất bại, cả gia đình tôi thực sự không còn chỗ dung thân”. Có thể nói, ông đã dồn hết tài lực, vật lực để thực hiện ước mơ nhiều năm ấp ủ.
Từ năm 2006 đến nay, Trường ĐH Duy Tân đã hợp tác chuyển giao chương trình đào tạo tiên tiến của 10 ngành, với tổng trị giá gần 4 triệu USD, với các trường danh tiếng trên thế giới, là trường duy nhất của khối ngoài công lập được Chính phủ và Bộ GD&ĐT cho phép đào tạo 2 ngành trình độ tiến sĩ là Khoa học máy tính và Quản trị kinh doanh; là một trong hai thành viên đầu tiên của Việt Nam tham gia tổ chức CDIO Thế giới...
Trường đã tạo dựng được 5 cơ sở quy mô, hiện đại, với diện tích mặt bằng 358.214m2 tại trung tâm TP Đà Nẵng. Phương tiện dạy học được trang bị hiện đại: Trên 2.000 máy vi tính được kết nối Internet 24/7; 100% phòng học được trang bị máy chiếu đa phương tiện; hơn 100% số phòng học và thực hành trang bị máy điều hòa; phòng ghi âm và thu hình, hơn 60 phòng thực hành, thí nghiệm hiện đại; 3 Thư viện đảm bảo phục vụ giảng dạy, NCKH và học tập...
Chừng ấy, đã quá đủ làm bằng chứng cho việc NGƯT Lê Công Cơ xứng đáng được trao tặng danh hiệu Anh hùng lao động. Ông còn trở thành đề tài của một số nhà văn và cũng chính ông cũng trở thành cây bút nghiệp dư.
Nhiều tập sách có giá trị về phong trào đấu tranh của thanh niên HSSV, văn nghệ sỹ và trí thức yêu nước trong các thành thị miền Nam trước năm 1975 do ông làm chủ biên là pho tư liệu quý, đạt tính nhân văn cao.
Riêng cá nhân ông cũng đã viết được 2 tập hồi ký Năm tháng dâng người và Năm tháng tình người, được một số NXB in và tái bản nhiều lần.
Ông cũng đã tổ chức tập hợp tư liệu, khôi phục minh chứng, tổ chức nhiều hội thảo, gặp mặt, nhằm đánh giá sự đóng góp của “Phong trào đấu tranh yêu nước của Thanh niên - HSSV - Văn nghệ sĩ - Trí thức trong các đô thị miền Nam, giai đoạn 1954 - 1975”.