Đất mũi tập trung nguồn lực thực hiện Chương trình mới

GD&TĐ - Dù dịch bệnh diễn biến phức tạp, tỉnh Cà Mau tập trung nguồn lực chuẩn bị cho năm học 2021-2022. Đặc biệt, việc triển khai Chương trình, SGK mới được tỉnh chủ động thực hiện.

Tỉnh Cà Mau tập trung nguồn lực chuẩn bị triển khai Chương trình, SGK mới. Ảnh: Q. Ngữ.
Tỉnh Cà Mau tập trung nguồn lực chuẩn bị triển khai Chương trình, SGK mới. Ảnh: Q. Ngữ.

Đảm bảo tập huấn GV và cung ứng SGK

Theo Sở GD&ĐT tỉnh Cà Mau, dù ảnh hưởng của dịch bệnh, nhưng công tác tập huấn giáo viên Chương trình mới đảm bảo tiến độ, chất lượng.

Ông Phạm Hoàng Gan, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Cà Mau cho biết: Hiện nay, Sở phối hợp với Viettel Cà Mau tổ chức bồi dưỡng cho toàn thể cán bộ quản lý và giáo viên cấp phổ thông của tỉnh. Đến tháng 12/2021 sẽ hoàn thành 5 mô đun và đảm bảo đủ điều kiện dạy học theo quy định của Bộ GD&ĐT, nhất là cán bộ quản lý, giáo viên dạy lớp 1, lớp 2 và 6 năm học 2021 - 2022.

Các hình thức bồi dưỡng cán bộ quản lý, giáo viên được ngành linh động triển khai thông qua hình thức trực tiếp và trực tuyến. Dù dịch bệnh phức tạp nhưng công tác tập huấn vẫn thực hiện thông qua trực tuyến, nên không ảnh hưởng đến tiến độ và chất lượng.

Năm học mới sẽ triển khai Chương trình mới lớp 1, lớp 2, lớp 6. Dịch bệnh kéo dài, giãn cách xã hội nhiều nơi. Việc cung cấp SGK cho học sinh tỉnh Cà Mau được đảm bảo.

Trong thời gian qua, Sở GD&ĐT đã chỉ đạo các Phòng GD&ĐT huyện, thành phố Cà Mau, cơ sở giáo dục chủ động liên hệ các công ty, đại lý có uy tính để cung cấp SGK, đảm bảo trước khai giảng năm học mới 100% học sinh có đầy đủ SGK.

Thống kê củ Sở GD&ĐT, phần lớn các đơn vị đặt mua tại Công ty Sách - Thiết bị Cà Mau, công ty đã tiến hành bàn giao đến thời điểm này đạt trên 90%.

Học sinh hoàn cảnh khó khăn ở vùng sâu, vùng xa, khi học Chương trình mới, cũng được hỗ trợ SGK.

Nhằm để tạo điều kiện cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn có SGK học tập trong từng năm học mới, Sở GD&ĐT đã xây dựng Kế hoạch số 1150 ngày 12/5/2021 về vận động hỗ trợ SGK.

Theo ông Phạm Hoàng Gan, đến nay Sở GD&ĐT đã nhận được sự hỗ trợ của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam 700 bộ, Công ty Khí - Điện - Đạm Cà Mau 350 bộ, Công ty sách - Thiết bị Cà Mau 300 bộ… Trong thời gian tới tiếp tục vận động và phân bổ cho các đơn vị huyện, thành phố. Sở GD&ĐT cũng đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục bằng nhiều nguồn vận động hợp pháp nhằm đảm bảo 100% học sinh có SGK.

Học sinh vùng sông nước Cà Mau đến trường bằng xuồng. Ảnh: Q. Ngữ.
Học sinh vùng sông nước Cà Mau đến trường bằng xuồng. Ảnh: Q. Ngữ.

Tập trung nguồn lực cho năm học mới

Cà Mau địa bàn rộng, đặc thù sông nước, việc duy trì các điểm lẻ huy động học sinh ra lớp khá tốt. Nhưng khi triển khai Chương trình mới, các điểm lẻ đứng trước lo ngại thiếu thốn cơ sở vật chất, thiết bị.   

Trao đổi vấn đề này, ông Phạm Hoàng Gan cho biết: Các điểm lẻ có lớp 1 trên địa bàn tỉnh Cà Mau đều đã được trang bị một bộ thiết bị dạy học tối thiểu theo Chương trình mới. Hiện nay đang triển khai thực hiện mua sắm cho các điểm trường lẻ có lớp 2 và lớp 6 một bộ thiết bị dạy học tối thiểu theo Chương trình mới. Nhìn chung, đảm bảo cơ sở vật chất đáp ứng được nhu cầu tối thiểu về trang thiết bị phục vụ dạy và học.

Năm học 2021 - 2022 cũng là năm học đầu tiên các trường Tiểu học, trường THCS giảng dạy Chương trình mới lớp 2, lớp 6. Đến nay đội ngũ giáo viên giảng dạy Chương trình mới đã cơ bản đảm bảo.

Theo đó, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên cấp Tiểu học, THCS giảng dạy Chương trình mới lớp 2, lớp 6 theo quy định về cơ cấu, định mức cơ bản đã đủ để dạy. Tuy nhiên ở 2 cấp học này giáo viên vẫn còn thừa thiếu cục bộ.

Cụ thể, cấp Tiểu học (không riêng lớp 2) thừa môn chung là 188 giáo viên và có nhu cầu cần bổ sung thêm giáo viên môn Thể dục 58, Ngoại ngữ 67, Tin học 80. 

Cấp THCS (không riêng lớp 6) thừa môn Văn 23 giáo viên, Toán 21, Sinh 54 và thiếu các môn GDCD 14, Lịch sử 17, Địa lý 15, Hóa 8, Công nghệ 16, Tin học 22, Thể dục 24.

Theo ông Gan, việc thực hiện Chương trình GDPT 2018 đặt ra yêu cầu mới về năng lực sư phạm và nghiệp vụ đối với cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên. Do vậy, để nâng cao chất lượng đội ngũ, ngoài việc bồi dưỡng thường xuyên cần được bồi dưỡng những năng lực cần thiết để thực hiện Chương trình GDPT mới. Bồi dưỡng các mô đun theo quy định của Bộ GD&ĐT nhằm đáp ứng yêu cầu thực hiện Chương trình GDPT 2018 cho cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên phổ thông...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ