Đất lành chim đậu...

GD&TĐ - Có câu “đất lở chim bay, đất lành chim đậu” - nếu công nhân, lao động thấy an toàn, có lợi ích thì tự họ sẽ ở lại.

Người lao động trở về quê tránh dịch. Ảnh minh họa/INT
Người lao động trở về quê tránh dịch. Ảnh minh họa/INT

Phát biểu tại buổi họp báo cung cấp thông tin về tình hình phòng, chống dịch Covid-19 diễn ra cách đây chưa lâu, Phó Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP Hồ Chí Minh Phạm Đức Hải đã chia sẻ: Bất cứ người dân nào đến thành phố học tập, làm việc, du lịch, tham quan, sinh sống… đều được trân trọng, đón tiếp, và chăm sóc để có điều kiện tốt nhất khi ở lại...

Ông Hải cho biết thêm: Khi thực hiện Chỉ thị 18, TP Hồ Chí Minh đã động viên bà con tiếp tục ở lại thành phố vì từ ngày 1/10, nhiều dịch vụ, cửa hàng, nhiều nhà máy, doanh nghiệp đã bắt đầu hoạt động trở lại.

Lúc này, TP Hồ Chí Minh rất cần người lao động. Thành phố tiếp tục tạo điều kiện cho bà con làm việc, sinh sống, đồng thời đang triển khai gói hỗ trợ đợt 3 và sẽ tiếp tục chăm lo an sinh xã hội cho người dân...

Vậy nhưng những ngày qua đã có hàng nghìn công nhân, lao động trở về quê khiến nguy cơ thiếu hụt, thậm chí đứt gãy về lực lượng lao động rõ nét hơn bao giờ hết. Lý giải nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, theo đại diện Cục Việc làm, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội là bởi người lao động đã cạn kiệt và không còn thu nhập.

Việc quay trở lại làm việc khi vẫn còn rủi ro khiến nhiều người rất đắn đo. Bên cạnh đó, thời điểm này, người lao động quay về sẽ ở lại ăn Tết chứ không quay lại khi chưa bảo đảm mức độ an toàn về dịch bệnh.

Đại diện một doanh nghiệp thì phân tích, hiện nay công nhân, lao động chủ yếu ở trong những khu nhà trọ có mật độ dân số cao, diện tích nhỏ. Khi dịch xảy ra, quy tắc 5K gần như không có, F0 bắt đầu phát sinh ngay trong khu trọ.

Với môi trường sống như vậy, họ không thể yên tâm mà muốn được về quê. Hơn nữa, lao động tự do và lao động ngoài khu công nghiệp cũng không tiếp cận được thông tin cụ thể về cuộc sống trong tương lai.

Chủ sử dụng lao động không thể trả lời chính xác được câu hỏi là ngày nào sẽ được quay lại làm việc, được hưởng lương bình thường dẫn đến người lao động chọn phương án trở về quê - nơi được cho là có cuộc sống an toàn hơn.

Và để giữ chân công nhân, lao động lúc này, ưu tiên số một vẫn là thực hiện tiêm vắc-xin đầy đủ. Ngoài ra, cần thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa việc xây dựng nhà ở tại các khu công nghiệp để họ yên tâm lạc nghiệp.

Đặc biệt, chính quyền các địa phương cần chuyển tải rõ ràng, cụ thể thông điệp là nếu có thực hiện giãn cách xã hội trở lại thì khu vực sản xuất cũng sẽ không bị đóng mà chỉ giới hạn những hoạt động về dân sinh và lao động từ các tỉnh về thành phố sẽ được tiêm vắc-xin và bảo đảm việc làm trong dài hạn.

Thực tế, đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 đã khiến hàng triệu lao động bị thất nghiệp, ảnh hưởng thu nhập, bị sang chấn tinh thần nên sau khi các tỉnh, thành phố kết thúc giãn cách, rất nhiều người chọn giải pháp trở về quê là điều dễ hiểu.

Cho nên, trước mắt cũng như lâu dài, cơ quan chức năng, chính quyền địa phương phải giải quyết những vấn đề liên quan đến chính sách và thể chế cho công nhân, lao động.

Cụ thể, như ý kiến của Thủ tướng Phạm Minh Chính là sau đại dịch, nhiệm vụ hàng đầu của chính quyền là cải tạo những khu dân cư nghèo nàn, lo nhà ở, đời sống cho công nhân... Đây là chăm lo cho con người, cho nguồn nhân lực lâu dài để phát triển bền vững.

Có câu “đất lở chim bay, đất lành chim đậu” - nếu công nhân, lao động thấy an toàn, có lợi ích thì tự họ sẽ ở lại.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Điện mặt trời mái nhà tại Việt Nam đã có bước phát triển đáng kể những năm gần đây. Ảnh minh họa: INT

Tích hợp hệ thống năng lượng hỗn hợp

GD&TĐ - Kết hợp năng lượng mặt trời và gió giúp hệ thống điện ổn định hơn, hiệu suất cao hơn. Hệ thống phù hợp để ứng dụng vào điện mặt trời mái nhà.