Hình ảnh cô giáo đến từ huyện Thái Hòa- một huyện vùng Tây Bắc của tỉnh Nghệ An nhỏ nhắn nhưng thường mang theo những tấm bản đồ to, chiếc cặp nặng mà cô vẫn nói đùa là “gánh cả thế giới trên vai” để đến lớp dạy đã trở nên quá đỗi thân thương với nhiều lớp học trò. Cô giáo Thanh luôn tâm niệm rằng, phải dạy học sinh bằng tất cả niềm đam mê và tâm huyết của mình với mong muốn mỗi bài giảng sẽ đem đến cho học sinh nhiều điều bổ ích.
Chia sẻ về tác phẩm đạt giải tại Cuộc thi, cô giáo Trần Thị Thanh vẫn vẹn nguyên niềm xúc động: Tôi thực tâm từ tận đáy lòng, biết ơn thầy giáo, lương y Nguyễn Như Châu – người thầy dạy chồng tôi mà không phải là tôi. Nhờ thầy khuyên răn, giáo dục, chỉ bảo tận tình mà chồng tôi có được thành công của ngày hôm nay. Có dịp tiếp xúc với thầy, tôi càng ngưỡng mộ con người tài năng, đức độ, hết lòng vì học sinh, vì bệnh nhân như thầy. Chính tình cảm cao đẹp, chân thành của chồng tôi dành cho thầy đã thôi thúc tôi viết bài để tỏ lòng cảm tạ trước anh linh thầy. Thầy đã đi xa, nhưng hình ảnh thầy, những kỷ niệm về thầy luôn là điểm tựa để chúng tôi cùng nhau nỗ lực mỗi ngày...
Cô Thanh chia sẻ: Tham gia cuộc thi, tôi muốn nhắc nhở bản thân hãy hết lòng với nghề, với học sinh và thận trọng trong xử lý mọi tình huống liên quan đến học sinh vì rất có thể, hành động của mình sẽ có tác động làm thay đổi cả vận mệnh, cuộc đời của một con người.
Bên cạnh đó, đọc các bài viết tham gia cuộc thi của học sinh đã cho chính chúng tôi biết hình ảnh, tâm tư, tình cảm mà chúng tôi đã tạo nên trong mắt học trò như thế nào. Tôi và các thầy cô giáo một lần nữa nhìn lại bản thân mình trong mắt học trò, trong mắt đồng nghiệp, trong mắt nhân dân; nhìn đồng nghiệp khác tạo được ấn tượng tốt đẹp với học sinh ra sao để từ đó học hỏi, trau dồi và hoàn thiện bản thân. Đạt giải cuộc thi cũng đã khơi dậy niềm đam mê viết văn trong tôi.
Cô giáo Trần Thị Thanh còn là một giáo viên chủ nhiệm giỏi. Cô được Ban Giám hiệu tin tưởng, giao cho công tác chủ nhiệm lớp 12 nhiều năm liền. Điều đặc biệt là trong các lớp cô chủ nhiệm, đầu năm, bao giờ cũng là lớp có nhiều học sinh cá biệt nhất khối nhưng chỉ một thời gian sau, những học sinh cá biệt ấy đều “hồi tâm chuyển ý”, trở thành những học sinh ngoan ngoãn, chăm chỉ. Cô bộc bạch: “Làm giáo viên chủ nhiệm vừa khó lại vừa dễ, cốt yếu nhất là phải dùng cái tâm của mình để cảm hóa, giáo dục học sinh”. Có lẽ bởi vậy mà các thế hệ học trò đều kính trọng chị, coi cô giáo Thanh như người mẹ thứ hai của mình.