Đáp ứng tối đa nguyện vọng của học sinh THPT

GD&TĐ - Năm học 2023 - 2024, Bộ GD&ĐT khuyến khích các trường THPT tổ chức lớp học theo từng môn học/chuyên đề học tập lựa chọn...

Ảnh minh họa ITN.
Ảnh minh họa ITN.

Bên cạnh đó linh hoạt bố trí số học sinh theo từng lớp và xây dựng thời khóa biểu phù hợp để đáp ứng tối đa nguyện vọng của học sinh.

Bảo đảm điều kiện đội ngũ, cơ sở vật chất

Ông Trần Tuấn Khanh, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT An Giang, cho rằng: Tổ chức riêng các lớp học theo từng môn học/chuyên đề học tập lựa chọn là tương đối mới và phải có sự đồng tình trong sắp xếp, phù hợp từ đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên của các trường, giúp đáp ứng được nguyện vọng, nhu cầu học tập của học sinh khi mới vào lớp 10. Hiện nay, một số trường THPT trên địa bàn tỉnh An Giang đang tích cực nghiên cứu sắp xếp theo hướng này.

Để thực hiện được việc tổ chức lớp học như Bộ GD&ĐT khuyến khích, ông Trần Tuấn Khanh nhấn mạnh đến các điều kiện về cơ sở vật chất. Theo đó, về số phòng học tối thiểu, các trường cần có tỉ lệ từ 0,8 phòng/lớp trở lên. Số lớp cho mỗi khối nhiều thì việc sắp xếp càng thuận lợi. Nếu số lớp ít, việc thực hiện sẽ khó khăn bởi khi sắp xếp có thể phát sinh thêm lớp so với biên chế được giao ban đầu.

“Hiện nay, tại An Giang, cán bộ quản lý đã và đang nghiên cứu xây dựng tổ hợp các môn học phù hợp với từng đơn vị trường. Có trường, trong 4 môn học lựa chọn sẽ linh hoạt chọn một số môn học theo các môn bắt buộc; môn lựa chọn còn lại sắp xếp theo biên chế lớp riêng. Đây cũng là một hướng giúp bố trí thời khóa biểu đỡ vất vả cho cán bộ quản lý.

Một hướng khác là có thể sắp xếp môn học bắt buộc học ở một số buổi cố định; các buổi còn lại bố trí cho môn học lựa chọn và chuyên đề học tập. Trước mắt, do cơ chế bố trí lớp học không được phát sinh thêm nên các trường cần tính toán sao cho tổng biên chế lớp học không vượt so với chỉ tiêu được giao theo năm học”, ông Trần Tuấn Khanh gợi ý.

Cùng quan điểm, thầy Trịnh Nguyễn Thi Bằng, Hiệu trưởng Trường THPT Trần Đại Nghĩa (Cần Thơ), cho rằng, làm được như Bộ GD&ĐT khuyến khích là rất tốt nhưng trong điều kiện hiện nay các trường khó triển khai do không bảo đảm về số phòng học; vướng về biên chế, quy định tính thừa giờ, chế độ làm việc của giáo viên.

Việc xếp thời khóa biểu cũng khó khăn vì hiện các trường triển khai song song 2 chương trình; phải bảo đảm giáo viên không bị “trống” thời khóa biểu quá nhiều, không thể đi nhiều buổi mà dạy ít tiết trong 1 buổi; học sinh không thể ở trường mỗi ngày 2 buổi suốt tuần.

“Tổ chức riêng các lớp học theo từng môn học/chuyên đề học tập lựa chọn; linh hoạt bố trí số học sinh theo từng lớp học và xây dựng thời khóa biểu phù hợp để đáp ứng tối đa nguyện vọng của học sinh là điều các trường cần hướng tới. Muốn thực hiện được phải có quỹ phòng học, thiết bị dạy học, đội ngũ và thời khóa biểu phải sắp xếp linh hoạt mới hy vọng đáp ứng được”, thầy Hoàng Minh chia sẻ.

Theo thầy Hoàng Minh, Hiệu trưởng Trường THPT Phú Bài (Thừa Thiên - Huế), chủ trương của Bộ GD&ĐT nhằm hướng đến đáp ứng tối đa nguyện vọng của học sinh. Tuy nhiên, trên thực tế nhiều trường THPT khó thực hiện bởi hạn chế về điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ.

Những bài học kinh nghiệm

Sau một năm triển khai lựa chọn môn học/chuyên đề học tập, từ thực tiễn Trường THPT Phú Bài, bài học được thầy Hoàng Minh rút ra là, các tổ hợp cần hài hòa giữa khoa học tự nhiên, khoa học xã hội; không đưa ra quá nhiều tổ hợp khiến học sinh, cha mẹ học sinh rối, khó định hướng trong lựa chọn; cần tổ chức tư vấn, định hướng nghề nghiệp thật hiệu quả trước khi cho học sinh chọn tổ hợp để các em hiểu và có sự lựa chọn phù hợp.

Thầy Hoàng Minh thông tin: Năm học 2023 - 2024, Trường THPT Phú Bài định hướng 4 tổ hợp (thay vì 5 tổ hợp như năm trước), giúp học sinh lựa chọn phù hợp với năng lực và nguyện vọng để sau này thi tốt nghiệp THPT, tuyển sinh ĐH. Các môn trong cùng một tổ hợp bảo đảm hài hòa cho học sinh có năng lực thiên về khoa học tự nhiên, khoa học xã hội.

Trường THPT Trần Đại Nghĩa (Cần Thơ) tư vấn kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2023 - 2024.

Trường THPT Trần Đại Nghĩa (Cần Thơ) tư vấn kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2023 - 2024.

Để hỗ trợ học sinh chọn tổ hợp phù hợp, ngay từ khi ban hành kế hoạch tuyển sinh cho năm học 2023 - 2024, nhà trường đã thông tin về các tổ hợp môn, số lớp dự kiến từng tổ hợp. Nếu nguyện vọng 1 học sinh không đáp ứng (căn cứ vào điểm thi tuyển sinh đầu vào), các em được xếp lớp theo tổ hợp đăng ký ở nguyện vọng 2 hoặc 3. Trường cũng đã tổ chức gặp mặt toàn bộ học sinh sau khi trúng tuyển để thông tin về tổ hợp các môn, đặc điểm tình hình nhà trường, dự thảo phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025…

Thầy Trịnh Nguyễn Thi Bằng thì cho rằng, nhà trường nên xây dựng càng ít tổ hợp càng tốt; cân bằng tổ hợp tự nhiên và tổ hợp xã hội; cho học sinh nhiều nguyện vọng khi đăng ký. Năm học 2023 - 2024 trường xây dựng 7 tổ hợp. Nếu lần 1 học sinh không đạt nguyện vọng đăng ký, các em sẽ được đăng ký lần 2. Ở lần 2, học sinh được đăng ký 4 nguyện vọng và nhà trường xét theo thứ tự ưu tiên từ nguyện vọng 1 đến nguyện vọng 4.

Với Trường THPT Tân Sơn, kinh nghiệm được thầy Hiệu trưởng Nguyễn Văn Hùng rút ra là phải xây dựng cụ thể kế hoạch, dự kiến được các môn học lựa chọn, chuyên đề học tập có bao nhiêu học sinh, bao nhiêu lớp; lên phương án, nguyên tắc xếp lớp trong kế hoạch tuyển sinh vào 10, ban hành và công bố rộng rãi cho học sinh, phụ huynh biết. Sau khi có học sinh trúng tuyển, tạm thời chia thành các lớp để tổ chức họp phụ huynh, tuyên truyền kỹ cho học sinh, phụ huynh hiểu.

“Năm học 2023 - 2024, Trường THPT Tân Sơn xây dựng 4 tổ hợp môn và các cụm chuyên đề học tập tương ứng. Khi học sinh trúng tuyển nộp hồ sơ sẽ nhận giấy đăng ký nguyện vọng môn học lựa chọn và chuyên đề học tập. Căn cứ vào điểm xét duyệt của học sinh (là trung bình cộng điểm trung bình môn cả năm học lớp 9 của các môn lựa chọn), nhà trường xét duyệt từ điểm cao đến thấp cho đến khi đủ chỉ tiêu.

Trường hợp xét đến chỉ tiêu cuối cùng mà có nhiều học sinh điểm xét duyệt bằng nhau sẽ sử dụng tiêu chí phụ. Học sinh không được duyệt nguyện vọng 1 được chuyển xuống xét các nguyện vọng tiếp theo theo thứ tự ưu tiên (nếu các nguyện vọng này còn chỉ tiêu)”, thầy Hùng thông tin.

Khẳng định chủ trương của Bộ GD&ĐT là đúng, thầy Nguyễn Văn Hùng, Hiệu trưởng Trường THPT Tân Sơn (Phú Thọ), cho rằng, các trường ngoài công lập và chất lượng cao có thể bố trí trong điều kiện đội ngũ và theo thỏa thuận hợp đồng. Các trường công lập có thể bố trí được nếu bảo đảm được yêu cầu về đội ngũ hoặc tổ chức dạy 2 buổi/ngày. “Trong điều kiện hiện nay, phần lớn các trường sẽ khó tổ chức được vì không đủ phòng học, đội ngũ; không có tiền trả thừa giờ cho giáo viên; khó khăn trong việc quản lý học sinh của giáo viên, đặc biệt giáo viên chủ nhiệm”, thầy Hùng nhận định.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Trao quà Tết cho học trò nghèo tại huyện Krông Bông, Đắk Lắk. (Ảnh: HT)

Lặng thầm trao gửi yêu thương

GD&TĐ - Thời gian qua, Báo GD&TĐ tại miền Trung - Tây Nguyên thường xuyên phối hợp Hội nội thất ô tô Tây Nguyên hỗ trợ học bổng, quà cho học trò nghèo.

Trịnh Ngọc Thanh Tú nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT. Ảnh: TT

Nữ sinh phố núi ước mơ thành cô giáo

GD&TĐ - Trịnh Ngọc Thanh Tú - lớp 12A1, Trường THPT Lê Quý Đôn (TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) luôn nuôi ước mơ làm cô giáo để nối tiếp truyền thống gia đình.