Người trồng đào ở phường Nhật Tân, quận Tây Hồ, Hà Nội đang đối mặt với một mùa vụ lỗ |
Không chỉ sợ ế hàng do sức mua giảm, nông dân Hà Nội còn lo một vụ mùa thất bát khi sương muối đang gây hại vào lúc đào trổ bông và làm quất rụng lá, rũ cành.
Nhiều năm khốn đốn
Ông Nguyễn Văn Việt - Ngụ phường Nhật Tân, một trong những hộ trồng đào lớn nhất ở đây với 600 gốc - đứng ngồi không yên khi tình hình thời tiết đang rất bất lợi. Ông cho biết chỉ còn một tháng nữa là Tết đến, đào chuẩn bị trổ bông nhưng thời tiết lạnh và sương muối nhiều như bây giờ thì sẽ hỏng hết. “Vườn nhà tôi đã có hơn 100 gốc đào chết” - ông Việt rầu rĩ.
Hiện gia đình ông Việt hằng ngày phải cập nhật thông tin dự báo thời tiết để có biện pháp bảo vệ vườn đào. “Vài năm gần đây, thời tiết diễn biến thất thường khiến người trồng đào nhiều phen thua lỗ. Tết Tân Mão (2011), đào ngậm nụ đến rằm tháng giêng mới nở khiến giá rẻ như cho. Năm sau, người trồng đào cũng khốn đốn bởi có cây nở hoa trước Tết nửa tháng, cây lại gần hết tháng giêng mới nở” - Ông Việt nhớ lại.
Anh Long - Chủ một vườn đào lớn ở phường Nhật Tân - phân tích: Đầu năm nay không có tiết xuân khiến quá trình đâm lộc của đào bị ảnh hưởng. Giữa năm lại mưa nhiều, có những trận kéo dài cả tuần làm rễ cây không phát triển. Do đó, năm nay, số đào bị hỏng, chết ở Nhật Tân phải lên đến 20 - 30%. “Sắp tới, nếu sương muối xuất hiện đúng dịp đào ra hoa đồng loạt thì hoa sẽ bị héo, người trồng sẽ trắng tay” - Anh Long lo lắng.
Cũng theo anh Long, các năm trước, vào thời điểm này, những hộ trồng đào đã nhận nhiều đơn hàng thuê hoặc đặt mua các gốc đào đẹp, trong khi lượng khách năm nay chỉ lác đác.
Chỉ mong thu hồi tiền cây giống
Không chỉ người trồng đào gặp khó, những người trồng quất cũng đang đứng ngồi không yên. Năm nay, không chỉ dự báo một mùa ế ẩm, nông dân còn phải căng sức chăm sóc và cứu những vườn quất đang bị sâu bệnh làm héo rũ cành, rụng lá và chết dần.
Tại một góc vườn, nhìn hàng loạt cây quất héo rũ, rụng lá, anh Nguyễn Văn Lâm - Chủ một vườn quất với khoảng 500 cây tại phường Tứ Liên (Tây Hồ, Hà Nội) - buồn rầu: “Tôi đầu tư cả trăm triệu đồng tiền giống, chưa kể phân bón, công chăm sóc cả năm trời nhưng không biết năm nay có thu lại được tiền giống hay không”.
Hàng xóm của anh Lâm, ông Lê Văn Thắng, có 300 gốc quất. Ông cho biết thời tiết năm nay quá khắc nghiệt. Thực ra, các vườn quất đã bị hư hỏng từ cách đây 3-4 tháng do mưa nhiều làm thối rễ, không phải chỉ do lạnh hay sương muối gần đây. Năm nay, có ít nhất 30% diện tích quất tại phường Tứ Liên bị hư hại không thể cứu vãn. “Quất mà cành héo rũ, lá vàng và rụng nhiều thế này thì ai mua!” - Ông Thắng than thở.
Theo nhận định của nhiều nông dân ở Nhật Tân, Tứ Liên, năm nay quất, đào sẽ khó có giá cao dù bị chết và hư hỏng nhiều. Anh Nguyễn Văn Lâm cho rằng một phần do kinh tế khó khăn, phần còn lại là do cung đã vượt cầu.
“Tuy quất ở Tứ Liên bị thiệt hại nhiều nhưng tại các tỉnh Hưng Yên, Hải Dương, diện tích chuyển đổi từ hoa màu sang trồng quất chơi Tết đã tăng mạnh vài năm qua nên lượng hàng vẫn dồi dào. Tôi sợ thảm cảnh 40% diện tích quất vứt chỏng chơ, không ai mua của năm rồi sẽ lặp lại” - anh Lâm lo ngại.
Cần bỏ thói quen cũ TS Đặng Văn Đông - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển hoa, cây cảnh thuộc Viện Nghiên cứu rau quả (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) - cho rằng số lượng đào, quất chết nhiều một phần do thời tiết, một phần là do người trồng chủ quan, không chịu đầu tư. “Đào, quất muốn đẹp phải được thay đất mới thường xuyên hoặc trồng luân canh, trong khi người dân vẫn trồng lưu cữu. Có vườn cả chục năm không chịu thay đất khiến cây bị thoái hóa, còi cọc, khả năng chống chọi với môi trường kém” - ông Đông phân tích. |
Theo Người lao động