Đào Tết nhạt nhòa vì Covid-19

GD&TĐ - Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 đang đến gần nhưng thị trường hoa, cây cảnh Tết tại Hà Nội thì vẫn trong tình cảnh vắng khách dù giá thành đã giảm, khiến tiểu thương lo lắng…

Người dân lựa chọn cành đào chơi Tết với giá hợp túi tiền.
Người dân lựa chọn cành đào chơi Tết với giá hợp túi tiền.

Được mùa nhưng thất thu

Vườn đào Nhật Tân vốn nổi tiếng là “món ăn” không thể thiếu của người dân Thủ đô vào mỗi dịp Tết đến Xuân về thì lại thưa vắng khách đến. Năm nay, với thời tiết ấm áp, đào nở sớm đã xuống phố để phục vụ nhu cầu chơi hoa của người dân Thủ đô.

Theo ghi nhận của PV, ngay sau dịp Tết dương lịch 2022 đào đã ngập phố. Những cành đào Nhật Tân đã bắt đầu khoe sắc và được bày bán dọc các tuyến phố quận Tây Hồ. Cùng với đó là không khí các chuyến xe chở đào từ nhà vườn ra nhưng rất khó để thấy ai đó chở đào về.

“Năm nay, được mùa vì thời tiết thuận lợi, cây phát triển tốt. Chứ có những năm rét đậm kéo dài phải sưởi ấm bằng cách bọc túi lên cây, phun nước ấm quanh gốc, thắp bóng điện vào ban đêm, bón phân… Còn những năm nóng quá, nụ hoa nhú sớm, phải làm giàn che bằng lưới đen, kết hợp với pha phân vào nước lạnh phun lên thân lá hoặc tưới vào gốc để hoa nở đúng vụ…” - anh Hoàng chủ nhà vườn chia sẻ.

Dù phải chịu ảnh hưởng từ dịch bệnh song như mọi năm, đây vẫn là thời điểm phục vụ nhu cầu chơi hoa của người dân Thủ đô nên mặc dù lượng khách còn hạn chế nhưng một số tiểu thương vẫn cố gắng bày bán đào sớm.

Chia sẻ với chúng tôi anh Quốc (chủ điểm bán đào tại đường Lạc Long Quân) rầu rĩ cho biết, cận Tết nhưng lượng khách mua đào thì còn thưa vắng.

“Chuyển 40 gốc đào ra bán từ ngày mùng 2/1, nhưng đến giờ mới bán được mấy gốc, chủ yếu là từ khách quen đặt trước thôi. Cả chục ngày này không thấy biến chuyển gì, cứ tình hình thế này 29 Tết lại phải chở về chăm sóc cho mùa sau…”, anh Quốc chia sẻ.

Tại chợ hoa Quảng An (Hà Nội), sắc đào đã được các tiểu thương phủ kín hai bên đường trước cổng chợ hoa với giá các cành đào giao động từ 30 nghìn đồng đến cả triệu đồng tùy kiểu dáng, kích thước. Những loại từ 100 - 400 nghìn đồng là phổ biến nhất.

Một số tiểu thương bán đào tại chợ cho hay, lượng người mua năm nay ít hơn hẳn so với mọi năm, phần lớn là tới chợ thăm thú, ngắm hoa, mười người hỏi thì may chăng được một đến hai người mua.

Cả ngày chỉ có một vài người đến hỏi, nhưng sau khi nghe giá nhiều người đã rời đi mặc dù giá năm nay đã giảm khoảng 30 - 40% so với mọi năm. Tức là những cây đào mọi năm giá 1 - 2 triệu đồng thì năm nay chỉ còn khoảng 600 - 1 triệu 400 nghìn đồng.

Giá hoa đào giảm sâu

Hoa đào xuống phố phục vụ nhân dân đón Tết.
Hoa đào xuống phố phục vụ nhân dân đón Tết.

Chia sẻ với Báo GD&TĐ, bà Nguyễn Thị Thanh - Phó ban Quản lý chợ quận Tây Hồ (Hà Nội) cho biết, đơn vị xây dựng kế hoạch phục vụ chợ hoa Tết cho người dân tại các điểm được cơ quan chức năng phê duyệt. Trong đó, có chợ hoa Quảng An và đường Lạc Long Quân.

“Phương án phòng, chống dịch thực hiện theo từng cấp độ (cấp độ 1 đến cấp độ 4), khi vào chợ thì hộ kinh doanh và khách hàng thực hiện nghiêm 5K, mã quét QR. Khi phát hiện chủ cơ sở kinh doanh là F1, Ban sẽ yêu cầu tạm dùng bán hàng bảo đảm công tác phòng chống dịch. Đồng thời, báo ngay với Trạm Y tế, UBND phường và Trung tâm Y tế quận Tây Hồ để phối hợp khoanh vùng, dập dịch…”, bà Thanh chia sẻ.

Theo bà Thanh, đơn vị đã yêu cầu các gian hàng đều có rửa tay, sát khuẩn, mã quét QR, hộ kinh doanh phải thường xuyên test nhanh Covid-19.

Nói về giá hoa Tết năm nay, bà Thanh cho biết, qua nắm bắt tại các chợ thì giá không tăng vì sức mua không nhiều, thậm chí  rất vắng khách.

Lượng hoa, cây cảnh Tết bán ra thị trường rất chậm với mặt hàng chủ lực về hoa như: Lan, Li, Cúc, Mai, Dương Liễu… Nguồn hoa đào chủ yếu đến từ các địa phương như: Phường Phú Thượng, huyện Đông Anh (Hà Nội); huyện Văn Giang (Hưng Yên)... Hoa đào không được nhiều người đánh giá đẹp như năm 2021.

Bên cạnh đó là hoa đào được vận chuyển về từ các tỉnh: Lào Cai, Hòa Bình, Sơn La, Hà Giang… nhưng giá không cao và số lượng ít.

“Hoa đào ở các tỉnh chuyển về Thủ đô không nhiều và rẻ hơn các năm trước. Trung bình mỗi cây có giá từ 2 triệu, cành đào 300 nghìn. Nếu như chậu cây đào to của năm 2020 hay 2021 là 5 triệu thì năm nay chỉ còn khoảng 2 - 3 triệu giảm khoảng 70%. Với cành đào tương tự giảm chỉ còn 200 đến 300 nghìn/ cành...”, bà Thanh chia sẻ.

Đại diện Ban Quản lý chợ Tây Hồ cũng cho biết, đã phối hợp với Công an quận Tây Hồ và Công an các phường triển khai kế hoạch bảo đảm an ninh trật tự, phân luồng giao thông khu vực chợ hoa. Qua đó, phát hiện xử lý nghiêm hành vi mất an ninh trật tự, trộm cắp (nếu có)...

Còn tại quận Hoàn Kiếm (Hà Nội), Sở GTVT vừa có thông báo phân luồng giao thông, bố trí các điểm giao thông tĩnh phục vụ tổ chức chợ hoa Xuân, Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022.

Cụ thể, cấm các phương tiện giao thông đi vào các đường (phố): Hàng Lược, Hàng Rươi, Hàng Khoai, Hàng Mã và Phùng Hưng. Các phương tiện đi từ phía Đông sang phía Tây và ngược lại theo các đường (phố): Phan Đình Phùng, Hàng Đậu, Lò Rèn, Hàng Cá, Ngõ Gạch, Hàng Vải, Lãn Ông.

Xe đạp, xe đạp điện, xe máy, xe máy điện của các hộ dân trong khu vực cấm đường được phép đi ra, vào và có vé của Ban quản lý tổ chức chợ hoa Xuân.

Thời gian cấm đường, phân luồng giao thông từ 7 giờ ngày 17/1 đến 20 giờ ngày 31/1/2022 (tức từ ngày 15 đến ngày 29 tháng Chạp năm Tân Sửu). Hết thời gian cấm trên, UBND quận Hoàn Kiếm có trách nhiệm hoàn trả lại tổ chức giao thông như hiện trạng ban đầu…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ