Tất bật những ngày cuối năm
Chỉ còn hơn 2 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán 2021, trên những cánh đồng trồng đào Nhật Tân (Tây Hồ, Hà Nội), những người nông dân trồng đào đang tất bật gấp rút chăm sóc cho cây hoa chờ ngày xuất bán.
Anh Trịnh Hồng Hải, chủ một vườn có 300 cây đào cổ tại Nhật Tân, cho biết: "Thời điểm này, chúng tôi gấp rút tuốt lá để cây tập trung vào nuôi mắt. Thời gian thích hợp nhất để tuốt lá diễn ra trong vòng khoảng 10 ngày".
Anh Trịnh Hồng Hải cho rằng, cây đào cần được chăm bón thật kỹ từ lúc trồng nhưng công đoạn tuốt lá quyết định cây đào có nhiều hoa và nở đúng dịp Tết hay không.
Mỗi loại đào sẽ được tuốt lá ở từng thời điểm và theo kinh nghiệm của mỗi người trồng. Những cây đào cổ thụ thường được tuốt lá sớm hơn, những cây non sẽ được tuốt muộn hơn từ 1 đến 2 tuần.
Có kinh nghiệm 3 đời làm nghề trồng đào tại Nhật Tân, anh Nguyễn Văn Chính đang sở hữu gần 500 gốc đào, dự kiến bán trong Tết Nguyên đán năm nay.
"Việc tuốt lá là để cây tập trung dinh dưỡng nuôi nụ, đảm bảo nụ hoa ra nhiều, đều, mập, hoa to, cánh dày, màu đẹp. Ngoài công việc tuốt lá, thời điểm hiện tại cũng là lúc đưa những cây đào khỏe lên chậu trước" - anh Nguyễn Văn Chính cho biết.
Theo kinh nghiệm của anh, cây đào cần được tỉa bớt rễ trước khi tuốt lá để lúc đưa lên chậu, cây không bị chết cũng như công đoạn tuốt lá được dễ dàng hơn.
Với số lượng đào lớn, anh Nguyễn Văn Chính phải thuê thêm 3 nhân công tuốt lá với giá 250.000 đồng/ngày để kịp tiến trình chăm sóc.
"Công việc tuốt lá đào không vất vả nhưng đòi hỏi sự khéo léo và nhẹ nhàng để tránh làm gãy cành, cũng như rụng những mắt đào đang phát triển thành nụ" - anh Nguyễn Văn Chính chia sẻ.
Theo Nguyễn Văn Chính, lá đào và mắt nụ nằm xen kẽ nhau nên phải tuốt từng chiếc lá một. Lá được tuốt ngược từ trên xuống, trung bình một người thợ lành nghề mỗi giờ đồng hồ sẽ tuốt được 2 cây to.
Vừa làm vừa lo
Để có một mùa đào bội thu, phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết. Những năm gần đây, thời tiết mùa đông khu vực miền Bắc khá thất thường khiến những người làm nghề trồng đào trở nên khó dự đoán được ngày tuốt lá.
Công việc tuốt lá và bấm ngọn đào sẽ được những người làm vườn thực hiện lại vào cuối tháng 11 để nụ hoa được to, cánh đào được thắm hơn.
"Mấy năm trở lại đây thời tiết ấm hơn, khiến hoa đào nở sớm, chóng tàn, nhiều cây trong vườn nhà tôi đã bắt đầu có hoa. Hoa đào nở đẹp nhất phải đúng 26 Tết. Cây nào nở sớm hay không có hoa, coi như bỏ đi cả năm chăm sóc" - anh Nguyễn Văn Chính cho biết thêm.
Có kinh nghiệm gần 20 năm làm nghề trồng đào, chị Trần Kim Dung - một chủ vườn đào ở Nhật Tân cho biết: "Thời tiết thất thường, tôi chỉ tuốt lá nửa vườn, còn lại để nghe ngóng. Mấy ngày hôm nay, buổi sáng rất lạnh nhưng đến trưa nhiệt độ lại rất cao nên việc chăm sóc mất nhiều công hơn".
Với vườn đào rộng 7 sào đất, mỗi năm chị Trần Kim Dung phải bỏ ra khoảng 100 triệu đồng tiền chi phí chăm bón và cây giống. Nếu thuận lợi chị thu về từ 250 đến 300 triệu đồng/năm nhưng nếu hoa nở không đúng dịp là coi như mất trắng.
Theo chị Trần Kim Dung, năm nay, ảnh hưởng của Dịch Covid-19 cũng khiến người trồng đào gặp nhiều khó khăn về đầu ra. Giá hoa đào được chị cho rằng sẽ giảm đáng kể.
"Mọi năm đến thời điểm này là đa số đào trong vườn nhà tôi đã được khách đặt hàng gần hết với giá cao. Năm nay số lượng khách tìm đến giảm đáng kể, nhưng điều thấy rõ nhất là khách hàng trả giá rất thấp. Những gốc đào to, đắt tiền mọi năm là của hiếm nhưng năm nay rất ít người hỏi" - chị Trần Kim Dung cho biết thêm.