Đào tạo nhân lực y tế sử dụng AI: Để không tụt lại phía sau

GD&TĐ - Hiện nay, nhiều trường đào tạo y khoa đã tích hợp AI và Blockchain vào giáo trình giảng dạy...

Y tá ảo của NVIDIA - nhà sản xuất chip AI. Nguồn: nurse.org
Y tá ảo của NVIDIA - nhà sản xuất chip AI. Nguồn: nurse.org

Ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) không chỉ đánh dấu bước tiến lớn trong lĩnh vực y học mà còn mở ra những cơ hội mới cho sự phát triển và đổi mới trong công tác chăm sóc sức khỏe. Hiện nay, nhiều trường đào tạo y khoa đã tích hợp AI và Blockchain vào giáo trình giảng dạy, đồng thời chú trọng xây dựng các công cụ hỗ trợ nghiên cứu và thực hành cho sinh viên.

Bước đột phá quan trọng

Theo dự báo của IDC (International Data Corporation), thị trường AI trong y tế ở Việt Nam đã ghi nhận mức tăng trưởng 20% trong vài năm qua. Không thể phủ nhận AI và các công nghệ tiên tiến đã góp phần hiện đại và tối ưu hóa công tác khám, điều trị bệnh.

Từ đó giúp các bác sĩ dễ dàng trong công tác chẩn đoán bệnh, phát triển các phương pháp điều trị cá nhân hóa và tối ưu hóa quy trình chăm sóc người bệnh. Có thể thấy, AI không chỉ giúp nâng cao chất lượng dịch vụ y tế mà còn tạo ra cơ hội mới cho việc nghiên cứu và phát triển các phương pháp điều trị tiên tiến.

Theo các chuyên gia, thị trường AI tại Việt Nam nói chung, bao gồm cả lĩnh vực y tế, dự kiến sẽ đạt khoảng 1 tỷ USD vào năm 2025. Nhiều doanh nghiệp lớn trong nước như FPT, VinGroup, Bảo Việt... đều đã có những hướng tiếp cận, đầu tư, nghiên cứu, ứng dụng, công nghệ AI, góp phần thúc đẩy thị trường này.

Có thể thấy, ứng dụng AI và công nghệ Blockchain trong y tế đang trở thành xu hướng toàn cầu, tạo ra những bước đột phá đáng kể trong nhiều lĩnh vực như chẩn đoán bệnh, phát triển thuốc, quản lý hồ sơ bệnh án, hỗ trợ phẫu thuật. Báo cáo từ Trường Y tế cộng đồng Harvard cho thấy, việc áp dụng AI có thể giảm chi phí điều trị đến 50% và cải thiện sức khỏe bệnh nhân lên 40%, nhờ khả năng phân tích, khai thác lượng dữ liệu khổng lồ.

Bên cạnh những cơ hội, Việt Nam cũng đang phải đối mặt với những thách thức trong xu hướng ứng dụng AI vào chăm sóc sức khỏe. Một trong số đó là thiếu đội ngũ nhân sự được đào tạo bài bản để sử dụng các công nghệ này. Nắm bắt được tồn tại này, nhiều hiệp hội công nghệ như Hiệp hội Blockchain Việt Nam, Viện Công nghệ Blockchain và Trí tuệ nhân tạo… đã liên tục mở tọa đàm và các khóa học tại các trường đào tạo về y tế trong hơn một năm qua.

Hiện nay, một số trường đạo tạo y khoa tại TPHCM đã và đang chủ động khai thác những cơ hội này bằng cách đẩy mạnh nghiên cứu, đào tạo, tích hợp AI vào hoạt động khám chữa bệnh. Đồng thời chú trọng đào tạo nguồn nhân lực ngành y tế sử dụng trí tuệ nhân tạo.

dao-tao-nhan-luc-y-te-su-dung-ai2.jpg
Ảnh minh họa INT.

Khai thác tiềm năng từ AI

Theo GS.TS.BS Trần Diệp Tuấn, Chủ tịch Hội đồng Đại học Y - Dược TPHCM, không đứng ngoài làn sóng, mới đây Đại học Y - Dược TPHCM và Hiệp hội Blockchain Việt Nam (VBA) ký biên bản ghi nhớ hợp tác về việc ứng dụng, triển khai công nghệ Blockchain và trí tuệ nhân tạo trong đào tạo, nghiên cứu khoa học, nhằm nâng cao chất lượng hoạt động giáo dục đào tạo.

Trong đó, tập trung vào việc triển khai các giải pháp công nghệ hiện đại như: Cấp bằng trực tuyến dựa trên Blockchain, ứng dụng AI để tự động hóa xử lý nội dung đề thi và xây dựng hệ thống bài giảng tích hợp trên nền tảng quản lý học tập (LMS).

Đặc biệt, VBA sẽ hỗ trợ nhà trường trong việc thiết kế các bài giảng y khoa hiện đại, tích hợp mô phỏng lâm sàng và bài kiểm tra tương tác, mang đến trải nghiệm học tập phong phú cho sinh viên.

“Nhà trường không chỉ hướng đến việc tích hợp AI và Blockchain vào giáo trình giảng dạy, mà còn xây dựng các công cụ hỗ trợ nghiên cứu và thực hành cho sinh viên. Đây được coi là chiến lược quan trọng để nâng cao chất lượng giáo dục và đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của ngành y tế trong thời đại số hóa”, GS.TS.BS Trần Diệp Tuấn khẳng định.

Theo PGS.TS Ngô Quốc Đạt, Hiệu trưởng Đại học Y - Dược TPHCM, dù AI và Blockchain là những công nghệ phát triển vượt bậc, mở ra những cơ hội lớn, nhưng cũng đặt ra một số thách thức cho ngành y dược, đặc biệt khi một số lĩnh vực truyền thống có nguy cơ bị thay thế.

Điều này đòi hỏi sự chuẩn bị chiến lược và định hướng rõ ràng trong bối cảnh chuyển đổi số quốc gia. Cần phải xây dựng kế hoạch dài hạn để ứng dụng các công nghệ này vào đào tạo, nghiên cứu, mang đến giải pháp giáo dục hiện đại kết hợp lý thuyết và thực hành.

“Không thể phủ nhận việc AI đang ngày càng trở thành một phần vô cùng quan trọng trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe. Chắc chắn trong tương lai, AI sẽ tiếp tục phát triển nhanh chóng. Tuy nhiên, y tế là một lĩnh vực nhạy cảm, tác động trực tiếp tới sức khỏe của toàn nhân loại. Vì vậy, chúng tôi đề cao sự an toàn và chính xác của công nghệ khi sử dụng AI trong chăm sóc sức khỏe.

Ngoài ra, vấn đề quyền riêng tư và bảo mật dữ liệu cũng rất quan trọng. Lý do, hệ thống AI cần thu thập một lượng lớn thông tin sức khỏe cá nhân và rất có thể bị lạm dụng nếu không được xử lý chính xác. Vì vậy, việc triển khai đào tạo cần được thực hiện nghiêm túc, xem xét kỹ lưỡng về khía cạnh đạo đức, nhằm đảm bảo tuân thủ các giá trị cốt lõi của ngành y dược”, Hiệu trưởng Đại học Y - Dược TPHCM cho biết.

Theo một khảo sát nhanh được thực hiện trong chương trình ABAII Unitour 9 do Viện Công nghệ Blockchain và Trí tuệ nhân tạo ABAII và Hiệp hội Blockchain Việt Nam (VBA) tổ chức, có khoảng 70% sinh viên Đại học Y - Dược TPHCM cho biết, đã sử dụng các ứng dụng AI phổ biến, trong học tập, nghiên cứu. Điều này cho thấy mức độ quan tâm và sự sẵn sàng tiếp nhận công nghệ mới của sinh viên.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tuyết rơi tại xã Thượng Phùng sáng 26/1.

Hà Giang có tuyết rơi

GD&TĐ - Một số địa phương tại huyện Mèo Vạc (Hà Giang) có tuyết rơi vào sáng 26/1.