Đào tạo nhân lực theo chuẩn quốc tế: Đội ngũ giảng viên phải đi trước

GD&TĐ - Phát triển đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, Việt Nam đang cập nhật và tiếp cận trình độ của các nước phát triển. Trong đó, giáo viên là lực lượng nòng cốt về nghiệp vụ và kỹ năng. Vì vậy, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho giảng viên đạt trình độ quốc tế là rất cần thiết trong giai đoạn hiện nay.

Tiếp cận trình độ đào tạo quốc tế, giáo viên GDNN cần được trang bị thêm những kỹ năng sư phạm mới
Tiếp cận trình độ đào tạo quốc tế, giáo viên GDNN cần được trang bị thêm những kỹ năng sư phạm mới

Nâng cao trình độ tại chỗ

Thực tế cho thấy sự cần thiết và nhu cầu về một lực lượng giáo viên giáo dục nghề nghiệp (GDNN) trình độ cao. Với sự hỗ trợ của Đại sứ quán Australia, Trung tâm Bồi dưỡng giáo viên Việt - Úc đã được thành lập bởi sự hợp tác giữa Trường CĐ Cơ điện Hà Nội và Học viện Box Hill (Australia).

Ông Đồng Văn Ngọc, Hiệu trưởng Trường CĐ Cơ điện Hà Nội cho biết: Chất lượng nhà giáo, trong đó có kỹ năng dạy học là sự bảo đảm quan trọng trong các khâu đào tạo mà nhà trường muốn phát triển. Muốn đào tạo chương trình đạt chuẩn quốc tế, đặc biệt những chương trình chuyển giao từ ngước ngoài, trong đó có các chương trình của Australia, giảng viên phải đạt được năng lực trình độ tiêu chuẩn tương ứng. Trong khi đó, kỹ năng giảng dạy của giáo viên GDNN Việt Nam vẫn còn một khoảng cách đáng kể so với Australia.

Chi phí để cử giảng viên sang Australia học cũng khá lớn so với khả năng tài chính của các cơ sở GDNN, đây là khó khăn chung. Vì vậy, chương trình đào tạo bồi dưỡng được thực hiện bởi các chuyên gia giảng dạy đến từ Học viện Box Hill cùng với môi trường đào tạo chuyên nghiệp sẽ giúp giải bài toán về chương trình đào tạo giáo viên theo tiêu chuẩn của Australia. Các nhà giáo tham gia các khóa học cũng sẽ được Học viện Box Hill cấp chứng chỉ.

Với nhà giáo GDNN dù có kỹ năng, trình độ nghề nghiệp tốt nhưng phương pháp truyền đạt và bảo đảm các tiêu chuẩn quốc tế thì còn nhiều hạn chế. Bà Vivienne King, Giám đốc Học viện Box Hill (Australia) cho biết: “Giảng viên GDNN của Việt Nam có trình độ kỹ năng nghề rất tốt nhưng họ đang thiếu những kỹ năng sư phạm để có thể truyền đạt kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp một cách hiệu quả nhất cho học viên. Vì vậy, chúng tôi với kinh nghiệm của mình sẽ hỗ trợ, tăng cường những kỹ năng sư phạm để các giáo viên có thể thực hiện công việc hiệu quả hơn”.

Tiếp cận trình độ quốc tế

Một trong những hướng nâng cao chất lượng GDNN được quan tâm là các chuẩn đào tạo tiếp cận chương trình của các nước phát triển, trong đó có Australia. Ông Trần Văn Nịch, Vụ trưởng Vụ Nhà giáo, Tổng cục GDNN cho biết: Chuyến thăm Australia của Thủ tướng Chính phủ năm 2017 đã nâng tầm quan hệ chiến lược giữa Việt Nam và Australia, tạo điều kiện phát triển cho nhiều ngành kinh tế, trong đó có GDNN. Năm 2018, Bộ LĐ-TB&XH đã tham mưu cho Chính phủ chương trình phát triển GDNN tiếp cận các chương trình tiêu chuẩn quốc tế, theo đó thực hiện hợp tác chuyển giao 34 bộ chương trình đào tạo tiêu chuẩn quốc tế. Làm việc với Học viện Chisholm của Australia để chuyển giao 12 bộ chương trình đào tạo và hợp tác với sự hỗ trợ của Đại sứ quán Australia tại Việt Nam về chuyển giao chương trình đào tạo giáo viên...

Theo ông Nịch, phát triển và nâng cao chất lượng đào tạo, cần 3 yếu tố, thứ nhất là chương trình đào tạo đạt chuẩn, phù hợp với xu thế phát triển của xã hội; thứ hai, phải có đội ngũ nhà giáo và thứ ba là có đủ điều kiện cơ sở vật chất đáp ứng nhu cầu của chương trình. Trong 3 yếu tố này, việc nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý là quan trọng nhất, đây cũng là một mục tiêu của giải pháp đột phá GDNN.

Để làm tốt công tác này, Tổng cục GDNN đã hợp tác với nhiều tổ chức giáo dục đào tạo trên thế giới, trong đó có Australia, ngoài các chương trình hợp tác đào tạo chất lượng cao, một số các chương trình khác cũng được triển khai với sự hỗ trợ của Đại sứ quán Australia như chương trình thành lập các hội đồng ngành, bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ sư phạm cho đội ngũ giáo viên…

Nâng tầm quan hệ hợp tác

Hợp tác quốc tế đã phát huy hiệu quả tích cực, hiện có 28 trường của Việt Nam mong muốn hợp tác với các trường của Australia để có thể học tập, trao đổi kinh nghiệm trong quá trình đào tạo nghề, đã có 8 trường của Việt Nam được Đại sứ quán Australia hỗ trợ, tạo điều kiện hợp tác song phương với các trường của Australia. Với hướng đi đó, Trường CĐ Cơ điện Hà Nội là một trường đầu tiên trong việc thực hiện chương trình đào tạo giáo viên tiếp cận tiêu chuẩn của Autralia.

Ông Craig Chittick, Đại sứ Australia tại Việt Nam cho rằng: Mối quan hệ thể hiện sự nâng tầm hợp tác trong lĩnh vực GDNN giữa Việt Nam và Australia. Đây là cơ sở hàng đầu trong việc đào tạo giáo viên dạy nghề ở Việt Nam. Trung tâm có nhiều tiềm năng và nền tảng vững chắc để phát triển lâu dài. Đi vào hoạt động, trung tâm sẽ mở ra những cơ hội mới trong việc trang bị thêm nhiều kỹ năng cho người lao động, tạo ra nguồn lao động chất lượng cao cho nền kinh tế. Trung tâm Đào tạo bồi dưỡng giáo viên Việt - Úc được kỳ vọng sẽ là một bước khởi đầu mới, đóng góp chung cho sự phát triển GDNN tại Việt Nam.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ