Đào tạo nhân lực ngành Điều dưỡng: Ưu tiên số lượng hay chất lượng?

Đào tạo nhân lực ngành Điều dưỡng: Ưu tiên số lượng hay chất lượng?

(GD&TĐ) - Nhân lực điều dưỡng chiếm đến 50% nhân lực y tế. Theo xu hướng thế giới và đòi hỏi khách quan về chăm sóc y khoa, điều dưỡng không đơn thuần chỉ là trợ lý của bác sĩ như trước đây nữa mà trở thành một ngành chăm sóc độc lập và phát triển thành một ngành dịch vụ công thiết yếu.

Chính vì vậy, khoảng 5, 6 năm trở lại đây, ở bậc học trung cấp, ngành dược và điều dưỡng vẫn là hai ngành có nhiều học sinh có nguyện vọng theo học nhất. Từ đây nảy sinh bài toán về cung - cầu khi người học đông, trong khi các bệnh viện lại tuyển dụng rất hạn chế. 

Bão hòa

Hướng dẫn sinh viên ngành điều dưỡng thực hành trên mô hình
Hướng dẫn sinh viên ngành điều dưỡng thực hành trên mô hình
 

Chỉ tính riêng trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, đã có 6 trường ĐH, CĐ tham gia đào tạo các ngành chăm sóc sức khỏe ở cả 3 trình độ: Trung cấp, cao đẳng, đại học. Ngoài Trường ĐH Kỹ thuật Y - Dược Đà Nẵng vốn có truyền thống đào tạo các ngành Điều dưỡng và Dược, còn có thêm ĐH Duy Tân, khoa Y Dược ĐH Đà Nẵng, Trường CĐ Phương Đông, CĐ Bách khoa và CĐ Lạc Việt. 

Trường CĐ Phương Đông được cấp phép mở mã ngành Điều dưỡng hệ trung cấp từ năm 2007. Chỉ hai năm sau, năm 2009, trường bắt đầu tuyển sinh hệ cao đẳng ngành Điều dưỡng.

Ông Lê Ngọc Nguyên - Trưởng phòng Đào tạo Trường CĐ Phương Đông cho biết, theo khảo sát chưa đầy đủ thì những năm đầu mới đào tạo, số SV có việc làm sau khi ra trường đạt khoảng 60 - 70%. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến quy mô tuyển sinh ngành Điều dưỡng của trường tăng đến chóng mặt: Năm 2007 tuyển mới 524 SV hệ trung cấp, năm 2010: 924 SV trung cấp, năm 2011: 1403 hệ trung cấp, 270 SV hệ CĐ, chiếm 40% tổng SV toàn trường.

Chỉ đến khi một số trường CĐ, ĐH trên địa bàn cũng được phép mở mã ngành Điều dưỡng, số lượng tuyển sinh của Trường CĐ Phương Đông mới “khiêm tốn” dần. Như năm 2012 trường chỉ tuyển được 395 SV điều dưỡng. Sang đến năm nay, nhà trường chỉ tuyển được 75% chỉ tiêu tuyển sinh và chỉ được khoảng 70% của năm ngoái.

Nguyên nhân của tình trạng này, theo như ông Lê Ngọc Nguyên, ngoài việc có nhiều trường cùng tham gia đào tạo điều dưỡng, thì nhu cầu thị trường các ngành chăm sóc sức khỏe đã bắt đầu bão hòa nên chuyện khó tuyển sinh cũng là dễ hiểu”. 

TS.BS Nguyễn Đăng Quốc Chấn - Trưởng khoa Y Dược, ĐH Đà Nẵng nhận xét: “Đúng là điều dưỡng được đào tạo nhiều và bắt đầu dư thừa nhưng điều dưỡng xuất sắc lại không được bao nhiêu nên thừa về số lượng nhưng lại thiếu về chất lượng”.

Ngoài ra, cần phải thừa nhận một thực tế là người điều dưỡng chưa được đào tạo để thực hiện nhiệm vụ chăm sóc người bệnh một cách chủ động và chuyên nghiệp; nguồn nhân lực mất cân đối về cơ cấu dẫn đến khi sử dụng chưa phân biệt rõ trình độ đào tạo, kỹ năng, tay nghề.

Chính vì vậy, bắt đầu từ năm 2013, khoa Y Dược ĐH Đà Nẵng bắt đầu tuyển sinh cử nhân điều dưỡng với điểm chuẩn ở mức 23 điểm. TS.BS Quốc Chấn cho biết, khoa sẽ đào tạo nhân viên điều dưỡng cho các ngành chuyên biệt cho bệnh nhân ung thư, người già…

Điều dưỡng - không chỉ làm việc trong bệnh viện

v
Công tác điều dưỡng tại bệnh viện Đà Nẵng

Số lượng tuyển mới nhân viên điều dưỡng hàng năm ở các bệnh viện rất hạn chế. Như bệnh viện Đà Nẵng, năm 2012 tuyển dụng mới 76 người, con số này ở bệnh viện Phụ sản - Nhi cũng chỉ vài chục người. Thậm chí, như ở bệnh viện đa khoa quận Ngũ Hành Sơn, nhiều năm nay không tuyển SV điều dưỡng mới tốt nghiệp vì không có chỉ tiêu.

Bác sĩ Phạm Văn Tài - Giám đốc Bệnh viện cho biết: “Chúng tôi cũng không thể nhận thêm điều dưỡng dù chỉ là ở vị trí học viên học việc không lương là bởi vì bệnh viện hầu như không đủ chỗ để nhận thêm người, phòng, khoa nào cũng đã tận dụng để kê thêm giường bệnh”. 

Tuy nhiên, theo như GS.TS Nguyễn Công Khẩn, Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và đào tạo thì, trước đây trong ngành y vẫn coi điều dưỡng là trợ lý của bác sỹ nhưng trong những năm gần đây, theo xu hướng thế giới và đòi hỏi khách quan về chăm sóc y khoa, điều dưỡng đã trở thành một ngành chăm sóc độc lập.

Về mặt nghề nghiệp, điều dưỡng có thể làm được nhiều việc liên quan đến chăm sóc sức khỏe như chăm bà mẹ mới sinh tại nhà, chăm sóc người đau ốm, người già, trẻ sơ sinh… Nhu cầu về dịch vụ chăm sóc có chất lượng ngày càng gia tăng. 

Tốt nghiệp trung cấp điều dưỡng Trường CĐ Phương Đông, qua giới thiệu của một điều dưỡng đang làm việc tại Bệnh viện Đa khoa, nhóm của Võ Thị Thúy nhận chăm bệnh đối với những ca nặng mà người thân ít có điều kiện chăm sóc thường xuyên.

Ngoài chăm ở bệnh viện, nhóm còn nhận chăm sóc tại nhà nếu gia đình có nhu cầu. Mỗi bệnh nhân sẽ có 2 điều dưỡng đảm nhận chăm sóc với giá khoảng từ 7 - 8 triệu/tháng/ca bệnh cho các công việc từ nhỏ đến lớn như tiêm thuốc, truyền dịch, hút đờm, lau rửa, bón cháo, đổ bô…

Nhiều điều dưỡng học việc không lương tại các bệnh viện cũng nhận chăm bệnh theo hình thức này để giải quyết bài toán thu nhập trong khi chờ được bệnh viện ký hợp đồng. 

Có một hướng khác mà khoa Y Dược ĐH Đà Nẵng đang tính đến trong đào tạo cử nhân điều dưỡng, đó là xuất khẩu lao động. TS.BS Nguyễn Đăng Quốc Chấn cho biết, khoa đã ký biên bản ghi nhớ với Cục quản lý lao động nước ngoài về việc đào tạo điều dưỡng và hộ lý để xuất khẩu sang Đức.

Để chuẩn bị tốt khả năng ngoại ngữ cho SV, khoa Y Dược đã có kế hoạch, bắt đầu từ năm học thứ 2, các SV hệ cử nhân điều dưỡng có nguyện vọng và năng lực sẽ được học thêm tiếng Đức.

TS.BS Quốc Chấn rất tự tin về đầu ra của lứa cử nhân điều dưỡng đầu tiên: “Khoa chúng tôi hợp tác rất chặt chẽ với một số trường ĐH có truyền thống đào tạo y - dược ở Đức, hàng năm GV đều có chương trình sang Đức cập nhật phương pháp giảng dạy, sử dụng trang thiết bị và chương trình đào tạo. Chúng tôi cũng có đội ngũ GV gồm 3 tiến sĩ, 6 thạc sĩ, 2 bác sĩ chuyên khoa và sắp tới sẽ có thêm 3 tiến sĩ nữa. Các phòng thực hành, mô hình… cũng đã và đang được trang bị đầy đủ”. 

Việt Nam đã ký thỏa thuận khung về công nhận lẫn nhau với các nước ASEAN về dịch vụ điều dưỡng. Nếu không được chuẩn bị đầy đủ về cả trình độ, kỹ năng nghề nghiệp lẫn ngoại ngữ thì rất có thể chúng ta sẽ mất khả năng cạnh tranh ngay trên sân nhà.

Hà Nguyên

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.