Đào tạo nhân lực là một động lực lớn để phát triển kinh tế

Đào tạo nhân lực là một động lực lớn để phát triển kinh tế

(GD&TĐ) - Ngày 27/12, tại Thị xã Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân dẫn đầu đoàn công tác Chính phủ đã chủ trì Hội nghị quy hoạch phát triển nguồn nhân lực khu vực Đông Nam Bộ giai đoạn 2011-2020.

Bức tranh nhân lực tươi sáng

Theo báo cáo của Bộ GD&ĐT: dân số vùng Đông Nam bộ độ tuổi sinh năm 1987 – 1990 đang đi học ĐH, CĐ chiếm tỷ trọng 23,52% tổng dân số toàn vùng cùng độ tuổi (tỷ trọng này cả nước là 16,28%; đồng bằng sông Hồng là 27,14%); tỷ trọng lao động đã qua đào tạo (bằng sơ cấp trở lên) từ 15 tuổi trở lên chiếm 19,4% (cả nước là 14,9%). Trong đó trình độ sơ cấp 4,7%; trung cấp chuyên nghiệp (TCCN) 4,6%; CĐ 1,9%; ĐH trở lên 8,1% (cao hơn cả nước, chỉ đạt 5% và đồng bằng sông Hồng đạt 7,6%)…

Với lợi thế đặc biệt là vùng kinh tế trọng điểm lớn nhất cả nước, có tỷ lệ đô thị hóa 50%, Đông Nam bộ đang dẫn đầu cả nước về phát triển các ngành nghề mũi nhọn trình độ cao – công nghệ cao như: công nghiệp Điện tử - Tin học – Viễn thông; Công nghiệp Dầu khí và sản phẩm Hóa dầu; các hệ thống Dịch vụ cao cấp; Du lịch; Thương mại; Tài chính; Ngân hàng; Nghiên cứu - ứng dụng – triển khai Khoa học & Công nghệ; Công nghệ xây dựng – Giao thông Vận tải; Dịch vụ Y tế chất lượng cao v.v…

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân chủ trì Hội nghị.
Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân phát biểu chỉ đạo Hội nghị.

Theo Báo cáo của Bộ Kế hoạch & Đầu tư: Thu nhập bình quân đầu người của Đông Nam bộ (GDP) từ 14,5 triệu đồng năm 2000 lên khoảng 50,7 triệu đồng năm 2010. Cơ cấu ngành kinh tế và cơ cấu sử dụng lao động của Đông Nam bộ có sự chuyển dịch đúng hướng là giảm tương đối tỷ trọng lao động trong lĩnh vực Nông – Lâm – Ngư nghiệp và tăng tỷ trọng lao động trong lĩnh vực Công nghiệp – Dịch vụ (hiện nay lao động Công nghiệp chiếm khoảng 56,2% và Dịch vụ chiếm gần 39% toàn vùng)…

Đến cuối năm 2010, Đông Nam bộ chiếm gần 50% diện tích đất các khu công nghiệp cả nước, thu hút 66,4% số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và 72% số dự án;75% vốn đầu tư trong nước vào các khu công nghiệp cả nước. Cũng theo Bộ Kế hoạch & Đầu tư: 1988 – 2009, toàn Đông Nam bộ đã thu hút 6.578 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài – với tổng vốn đăng ký 81.680,7 triệu USD (chiếm 60% tổng số dự án và 46% tổng số vốn đăng ký của cả nước)…

Đến hết năm 2008, toàn vùng đã đóng góp 34,8% GDP cả nước (đạt khoảng 41,4 triệu đồng/người/năm – gấp 2,4 lần GDP/người bình quân cả nước).Mỗi năm bình quân vùng Đông Nam bộ có khoảng 20.000 hộ dân (tương đương 100.000 người) đã thoát khỏi cảnh nghèo. Tất cả 6 tỉnh, thành phố của vùng đã hoàn thành phổ cập GD tiểu học và xóa mù chữ năm 2000, đã hoàn thành phổ cập THCS từ 2008, riêng TP HCM đang tiến hành phổ cập GD THPT…

Còn nhiều thách thức về GD - ĐT

Đến tháng 10 năm 2010, Đông Nam bộ có 42 trường ĐH; 37 trường CĐ; 57 trường TCCN (không tính các trường ĐH; CĐ an ninh và quốc phòng) – chiếm tỷ lệ 20,78% số trường ĐH; CĐ cả nước; 78,5% số trường đặt tại TP HCM. Quy mô đào tạo các trường ĐH, CĐ vùng Đông Nam bộ hiện có 473.094 sinh viên (SV) chính quy – chiếm 28,54% SV chính quy ĐH; CĐ toàn quốc.

Nhóm SV ngành Kinh tế chiếm tỷ lệ cao nhất (43,0% SVCĐ; 38,2% SVĐH), kế đến là SV nhóm ngành Kỹ thuật – Công nghệ; nhóm ngành SV SP giảm. Nhóm ngành SV Nông – Lâm – Ngư nghiệp; nhóm ngành Y – Dược – Văn Hóa – Nghệ thuật – Du lịch còn rất ít so với nhu cầu. Đặc biệt nhóm ngành Nông - Lâm – Ngư  rất khó tuyển sinh… Tổng số giảng viên (GV) các trường ĐH; CĐ ở Đông Nam Bộ hiện có 18.872 người; trong đó 78 giáo sư, 52/phó giáo sư; 2.128 tiến sĩ (chiếm tỷ lệ 14,45%) cao hơn so với tỷ lệ này cả nước (chiếm 13,39%). Riêng các trường ĐH; CĐ trên địa bàn TPHCM chiếm tỷ lệ 88,37% tổng số GV ĐH và CĐ toàn vùng. Đông Nam bộ hiện có 26 trường ĐH; CĐ ngoài công lập – chiếm tỷ lệ 33,33% tổng số trường ĐH; CĐ ngoài công lập – chiếm tỷ lệ 33,33% tổng số trường ĐH; CĐ ngoài công lập cả nước. Vùng Đông Nam bộ là trung tâm dạy nghề lớn nhất phía Nam. Năm 2008, số GV & SV TCCN toàn vùng chiếm 22 và 25% tổng số GV & SV TCCN toàn quốc…

Riêng TPHCM đã tập trung đến 37% tổng số cán bộ khoa học của cả nước. Bình quân hàng năm gần đây, 6 tỉnh thành Đông Nam bộ giải quyết việc làm cho 160.000 – 170.000 lao động. Đông Nam bộ đang đẩy mạnh xây dựng nhiều trường ĐH trọng điểm; trường ĐH tiêu chuẩn quốc tế...

Một trong những thách thức hiện nay là bình quân mỗi năm, khu vực luôn bị sức ép rất lớn về tốc độ gia tăng dân số 3,2%/năm – cao nhất nước. Riêng tỉnh Bình Dương tăng tới 7,3%/năm- gấp 2,25 lần so với mức tăng bình quân toàn vùng.

Dân số thành thị của Đông Nam bộ cũng lên tới 57,1% (cả nước là 29,6%). Tính ra mỗi năm toàn vùng có 0,8 – 0,9 triệu người trong độ tuổi lao động không có việc làm (bằng ¼ tổng số lao động trong độ tuổi toàn vùng). Mức lương tính theo giờ của công nhân ở Đông Nam bộ mới chỉ đạt 0,45USD/người là mức khá cao – nhưng so với khu vực và quốc tế là rất thấp...

Chất lượng đào tạo các trường ĐH; CĐ; TCCN; CĐ nghề; TC nghề; trung tâm dạy nghề dần được nâng lên. Tuy nhiên, chất lượng so với yêu cầu thực tế đòi hỏi thì GD&ĐT vùng Đông Nam bộ vẫn chưa thực sự đạt hiệu quả cao. Toàn vùng chưa có những trung tâm đào tạo chất lượng cao. T

iềm năng nghiên cứu khoa học của vùng chưa được phát huy triệt do thiếu nguồn lực đầu tư, thiếu động lực và cơ chế khuyến khích. Đội ngũ GV&CBQLGD có trình độ tiến sĩ của vùng, mới tập trung ở một số trường ĐH lớn, nhiều trường CĐ chưa có giáo viên trình độ tiến sĩ. Lực lượng GV trẻ chưa đủ năng lực thay thế những CB-GV đầu ngành đến tuổi nghỉ hưu. Cơ sở vật chất của khá nhiều trường ĐH; CĐ; TCCN trong vùng còn nghèo nàn, lạc hậu...

Cần phối hợp giữa người sử dụng lao động, người học, nhà trường và nhà nước

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân chỉ đạo, trong đào tạo và sử dụng nhân lực, các tỉnh Đông Nam Bộ cần có chủ động phối hợp giữa người sử dụng lao động, người đi học, nhà trường và nhà nước.

Phó Thủ tướng yêu cầu trong tháng 1/2011, các địa phương hoàn thiện các báo cáo về Đề án quy hoạch nhân lực, sau đó báo cáo đầy đủ với lãnh đạo Thành ủy, Tỉnh ủy và Thường trực UBND các tỉnh, thành phố.

Phó Thủ tướng lưu ý cần bám sát tiến độ phê duyệt Đề án của Chính phủ và chỉ ban hành Đề án Quy hoạch nguồn nhân lực của địa phương mình trên cơ sở Đề án Quy hoạch phát triển nhân lực giai đoạn 2011-2020 của cả nước được Chính phủ chính thức phê duyệt.

Riêng với TP. Hồ Chí Minh, trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước, Phó Thủ tướng góp ý, cần xác định đào tạo nhân lực cũng chính là một động lực lớn để kinh tế phát triển. Phó Thủ tướng yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư TP cần chuẩn bị Đề án quy hoạch nhân lực chất lượng và chu đáo hơn nữa, các số liệu tổng hợp phải được khảo sát và thẩm định nghiêm túc. Đề án phải khẳng định vai trò đầu mối của Sở trong kế hoạch nhân lực cho TP.

Ngoài những giải pháp căn bản được thống nhất trong quy hoạch nhân lực, UBND TP. Hồ Chí Minh cần sớm thành lập Phòng Quy hoạch nhân lực đặt tại Sở Kế hoạch và Đầu tư để chủ động điều tiết nguồn nhân lực cho địa phương mình.

Đinh Lê Yên

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ