Điều này khiến cho người lao động (NLĐ) không chỉ bị thiệt thòi ngay trong quá trình làm việc tại nước ngoài, mà họ còn có thể gặp khó khăn về việc làm thời “hậu” xuất khẩu lao động.
Thị trường dễ tính, thu nhập thấp
Khảo sát về các thị trường lao động nước ngoài đang thu hút nhiều lao động Việt Nam có thể thấy, lao động Việt Nam chủ yếu chỉ đi được những thị trường dễ tính, không đòi hỏi trình độ chuyên môn kỹ thuật cao. Mặc dù mức lương ở thị trường này không cao, chỉ từ 12 - 15 triệu đồng/tháng, nhưng do dễ đi, chi phí không quá cao (khoảng hơn 100 triệu) nên lao động Việt Nam dễ tiếp cận.
Đơn cử như Đài Loan đang là một thị trường dẫn đầu về thu hút nhiều lao động Việt Nam nhưng hầu hết chỉ là lao động giản đơn, không yêu cầu nhiều về trình độ. Còn với thị trường Hàn Quốc, mặc dù khó đi do bị khống chế số lượng, chương trình thi cử nghiêm ngặt nhưng mức lương lại khá cao nên rất hấp dẫn NLĐ. Theo đánh giá của chuyên gia ngành, lao động Việt Nam trước khi đi xuất khẩu lao động ít đặt mục tiêu học tập, hay nâng cao kỹ năng công việc. Họ chỉ quan tâm nhiều tới vấn đề thu nhập, do vậy, cứ thị trường nào thu nhập cao, dễ đi là chọn.
Các chính sách về xuất khẩu lao động đều hướng tới việc tạo điều kiện tối đa cho NLĐ, trong đó đặc biệt thúc đẩy lao động xuất khẩu có trình độ. Theo ông Nguyễn Lương Trào, Chủ tịch Hiệp hội Xuất khẩu lao động Việt Nam, NLĐ cần chịu khó tìm hiểu để lựa chọn được thị trường xuất khẩu lao động phù hợp. Trước hết, NLĐ phải căn cứ vào trình độ, khả năng chuyên môn, kinh nghiệm hiện có, đồng thời cân nhắc đến chi phí trước khi đi so với khả năng kinh tế của gia đình. Điều quan trọng nữa là cân nhắc đến mục tiêu đi xuất khẩu lao động để kiếm tiền và học tập kỹ năng, tích cóp sau này hồi hương lập nghiệp.
Mục tiêu 80% lao động xuất khẩu được đào tạo
Nhằm nâng cao trình độ cho người đi lao động xuất khẩu, Bộ LĐ-TB&XH đặt mục tiêu giai đoạn 2017 - 2020, hằng năm đưa đi được từ 100.000 - 120.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài, trong đó có khoảng 80% lao động được đào tạo. Để bảo đảm mục tiêu trên, đại diện Bộ LĐ-TB&XH cho biết, sẽ xây dựng những quy định, điều kiện chặt chẽ hơn để chỉ những doanh nghiệp thực sự đáp ứng đủ và bảo đảm duy trì các điều kiện mới được tham gia hoạt động đưa người đi làm việc ở nước ngoài. Đặc biệt, Luật NLĐ Việt Nam làm việc ở nước ngoài sẽ được sửa đổi theo hướng quy định cấp giấy phép có thời hạn 3 - 5 năm. Hết thời hạn đó, doanh nghiệp không đáp ứng đủ yêu cầu sẽ không được cấp lại giấy phép…
Bộ LĐ-TB&XH cũng chủ trương tạo điều kiện để mở rộng và phát triển doanh nghiệp xuất khẩu lao động không hạn chế. Tuy nhiên, trong quá trình cấp giấy phép sẽ xem xét kỹ các điều kiện cần và bảo đảm thì mới cấp giấy phép. Bên cạnh đó, Bộ LĐ-TB&XH sẽ có phương án nhằm nâng cao chất lượng, cũng như trách nhiệm ràng buộc của NLĐ. Nâng cao ý thức chấp hành quy định của pháp luật khi đi làm việc ở nước ngoài để NLĐ về nước sau khi kết thúc hợp đồng với người sử dụng lao động, không ở lại làm việc bất hợp pháp…
Với NLĐ đang có ý định đi xuất khẩu lao động, Bộ LĐ-TB&XH khuyến cáo, cần tìm đến các cơ quan quản lý về vấn đề này là Cục Quản lý lao động ngoài nước, Trung tâm Lao động ngoài nước, sở hoặc phòng LĐ-TB,XH các địa phương để được tư vấn, giới thiệu về các chương trình đi xuất khẩu lao động, tránh trường hợp bị cò mồi, lừa đảo.