Đào tạo giáo viên Lịch sử đáp ứng chương trình mới

GD&TĐ - Công cuộc đổi mới giáo dục phổ thông lần này đặt ra cho các trường đạo tạo giáo viên, trong đó có giáo viên Lịch sử yêu cầu, nhiệm vụ cấp bách, đó là phải lập tức triển khai đổi mới chương trình đào tạo, phương pháp giảng dạy, phương pháp kiểm tra, đánh giá ngay từ năm học 2015 - 2016 này.

Đào tạo giáo viên Lịch sử đáp ứng chương trình mới

Đổi mới, phát triển chương trình đào tạo sư phạm Lịch sử

Theo thạc sĩ Lê Trọng Đại - Trường ĐH Quảng Bình – để các khóa sinh viên tốt nghiệp từ năm học 2016 về sau có thể thích ứng được với chương trình giáo dục phổ thông mới, ngay từ năm học 2015-2016, bộ môn Lịch sử - Khoa học Thư viện (Trường ĐH Quảng Bình) đã triển khai đánh giá lại chương trình giáo dục đại học của bộ môn sau 5 năm thực hiện.

Một trong những việc quan trọng đã được triển khai là tiến hành lấy ý kiến nhận xét của sinh viên (cả sinh viên hai khóa đã tốt nghiệp và sinh viên đang được đào tạo) về nội dung chương trình giáo dục đại học ngành Sư phạm Lịch sử bằng phiếu điều tra.

Thạc sĩ Lê Trọng Đại cho biết: Trong tháng 7/2015, bộ môn giao cho các giảng viên nghiên cứu lại chương trình giáo dục đại học ngành Sư phạm lịch sử và chuẩn đầu ra tương ứng, để đối chiếu với chuẩn nghề nghiệp của giáo viên trung học; đối chiếu với chương trình, SGK giáo dục phố thông mới để đánh giá ưu điểm, nhược điểm, những nội dung nào vẫn còn phù hợp, những nội dung đã bất cập; từ đó ra những đề xuất đổi mới trong cuộc họp đánh giá nhận xét lại chương trình giáo dục đại học của bộ môn.

Cuối tháng 7, bộ môn Lịch sử đã tổ chức họp đánh giá lại chương trình giáo dục ĐH, chuẩn đầu ra của mã ngành đào tạo đã xây dựng để thống nhất việc bổ sung, chỉnh sửa nội dung của các văn bản này.

“Qua phân tích trao đổi, thảo luận, Bộ môn đã thống nhất điều chỉnh, bổ sung Chương trình giáo dục đại học ngành sư phạm Lịch sử với những vấn đề sau:

Thứ nhất, giảm bớt 4 tín chỉ lý thuyết để bổ sung thêm một học phần Rèn luyện nghiệp vụ sư phạm Lịch sử nhằm tăng cường rèn luyện các năng lực chuyên môn nghiệp vụ cho người học.

Thứ hai, chuyển học phần Nghiên cứu khoa học từ học kỳ 7 lên học kỳ 5, giúp sinh viên sớm nắm vững phương pháp nghiên cứu khoa học bộ môn để vận dụng vào việc làm bài tập lớn, tiểu luận, đề tài khoa học cấp khoa, cấp trường và làm khóa luận tốt nghiệp.

Thứ ba, tách các học phần 5 tín chỉ thành 2 học phần (gồm 2 và 3 tín chỉ) để tạo điều kiện cho việc dạy và học đạt chất lượng cao hơn” - Thạc sĩ Lê Trọng Đại chia sẻ.

Cũng theo thạc sĩ Lê Trọng Đại, khoa Lịch sử cũng đồng thời thực hiện lấy ý kiến của các chuyên gia giáo dục thông qua việc gửi chương trình giáo dục đại học ngành Sư phạm Lịch sử đến các nhà tuyển dụng là hiệu trưởng các trường THCS, THPT; lãnh đạo các Sở GD&ĐT, phòng GD&ĐT.

Bộ môn dự kiến sẽ tiếp tục lấy ý kiến chuyên gia là các tiến sỹ chuyên ngành giáo dục học và các giảng viên là các GS, PGS, tiến sỹ Sử học của khoa Lịch sử, Trường ĐHSP Huế và ĐH Vinh, Trường ĐHSP Đà Nẵng đối với chương trình giáo dục đại học mà bộ môn đã xây dựng và đang sử dụng để tiếp tục việc bổ sung, chỉnh sửa.

Dự kiến xây dựng mã ngành ĐH sư phạm Lịch sử - Địa lý

Mặt khác để đáp ứng nhu cầu của giáo dục phổ thông mới về đội ngũ giáo viên giảng dạy môn học tích hợp, thạc sĩ Lê Trọng Đại cho biết, Bộ môn dự kiến sẽ xây dựng mã ngành đại học sư phạm Lịch sử - Địa lý. Do đó, bộ môn Lịch sử sẽ liên kết với bộ môn Địa lý để xây dựng mã ngành đào tạo này trong năm học tới.

Bên cạnh đó, theo chia sẻ của thạc sĩ Lê Trọng Đại, Bộ môn còn tiến hành điều chỉnh, bổ sung chương trình chi tiết các học phần trong chương trình đào tạo giáo viên trung học cho phù hợp với chuẩn đầu ra, chuẩn nghề nghiệp của giáo viên, phù hợp với chương trình, SGK mới

Cụ thể, trước khi bước vào năm học 2015 - 2016, bộ môn Lịch sử đã giao cho các giảng viên nhiệm vụ: Trong kỳ hè phải gấp rút chỉnh sửa, bổ sung chương trình chi tiết các học phần được phân công giảng dạy về những vấn đề sau:

Về mục tiêu học phần và mô tả tóm tắt nội dung học phần: Bổ sung thêm các năng lực cần thiết cho người học phù hợp đặc thù của mỗi học phần.

Về thời lượng lên lớp: Điều chỉnh thời lượng tổ chức dạy học theo hướng giảm bớt lý thuyết, tăng thời lượng thực hành, thảo luận, bài tập nhận thức.

Về nhiệm vụ sinh viên: Xem lại các yêu cầu về thời gian tham gia học tập trên lớp và tự học ở nhà của sinh viên, nếu thấy cần thiết thì điều chỉnh theo hướng tăng thêm thời lượng các giờ thực hành thực tế và bổ sung thêm dụng cụ, đồ dùng và tài liệu học tập.

Về tiêu chuẩn đánh giá: Chú ý vận dụng loại hình đánh giá quá trình để khai thác thông tin giúp giảng viên và sinh viên điều chỉnh hoạt động giảng dạy và học tập cho hiệu quả và góp phần nâng cao chất lượng đào tạo.

Trong kiểm tra, đánh giá cần lưu ý phần kiểm tra thường xuyên và thi kết thúc học phần. Nếu có thể, điều chỉnh theo hướng cho sinh viên làm các bài tập lớn, tiểu luận, hoặc vận dụng kiến thức đã học để tạo ra các sản phẩm mà thực tiễn nghề nghiệp sau này đặt ra liên quan đến học phần.

Về nội dung chi tiết: Bộ môn giao cho giảng viên điều chỉnh hoặc bổ sung nội dung học tập theo hướng xây dựng các tình huống học tập để tổ chức cho sinh viên tăng cường các hoạt động trải nghiệm sáng tạo, thảo luận nhóm, giải quyết vấn đề, khai thác mạng internet.

Đổi mới thiết kế bài giảng

Về vấn đề đổi mới phương pháp, thạc sĩ Lê Trọng Đại cho biết, từ năm học 2015 - 2016, các giảng viên trong bộ môn được yêu cầu phải nhanh chóng đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng phát triển năng lực cho sinh viên.

Trong đó, việc đầu tiên là yêu cầu giảng viên đổi mới việc thiết kế bài giảng, giảng viên cần chú ý đưa các nội dung lý thuyết về gắn với đời sống thực; tăng cường tổ chức cho sinh viên áp dụng kiến thức, liên hệ thực tế và dự kiến việc vận dụng kiến thức học phần đó vào dạy học nội dung tương ứng ở THCS và THPT.

Mặt khác, cần lựa chọn những nội dung trong học phần xây dựng các tình huống thực để tổ chức hoạt động trải nghiệm sáng tạo cho sinh viên, hướng dẫn các em vận dụng vào thiết kế bài giảng các môn khoa học xã hội; đồng thời, tổ chức học tập cho học sinh trong các tiết trải nghiệm sáng tạo ở trường phổ thông.

Giảng viên cũng được yêu cầu tích cực áp dụng các phương pháp dạy học phát huy tính tích cực của người học. Đặc biệt, tăng cường sử dụng các phương pháp dạy học nhóm, phương pháp dạy học dự án, công não, lược đồ tư duy, công nghệ Blend, dạy sinh viên phương pháp học, phương pháp nghiên cứu khoa học.

Đổi mới kiểm tra, đánh giá: Trước hết phải đổi mới mục tiêu

Nhấn mạnh điều trên, thạc sĩ Lê Trọng Đại cho biết: Để thực hiện được công việc này, Bộ môn Lịch sử (Trường ĐH Quảng Bình) đã yêu cầu các giảng viên nghiên cứu tài liệu: Chương trình, SGK giáo dục phổ thông mới, chuẩn đầu ra của ngành đào tạo, chuẩn nghề nghiệp của giáo viên trung học, thực tế đổi mới kiểm tra đánh giá ở các trường phổ thông để chỉnh sửa bổ sung vào mục tiêu những năng lực phù hợp trong chương trình chi tiết các học phần được phân công giảng dạy từ năm 2015 -2016.

Bộ môn cũng yêu cầu các giảng viên phải nghiên cứu chỉnh sửa, bổ sung lại mục kiểm tra, đánh giá trong chương trình chi tiết các học phần mà họ được phân công giảng dạy để bổ sung chỉnh sửa theo hướng kiểm tra, đánh giá vì sự tiến bộ của người học.

Sau khi giảng viên hoàn thành khâu này, Bộ môn tổ chức hội nghị thẩm định kết quả chỉnh sửa, bổ sung các chương trình chi tiết học phần của các giảng viên (trước khi bước vào năm học mới).

Để đổi mới phương pháp kiểm tra, đánh giá trong quá trình đào tạo, bộ môn Lịch sử đã yêu cầu giảng viên lựa chọn các phương pháp kiểm tra, đánh giá truyền thống nhưng vẫn đáp ứng được mục tiêu vì sự tiến bộ của người học để tiếp tục sử dụng.

Đồng thời, yêu cầu giảng viên nghiên cứu thêm các phương pháp kiểm tra, đánh giá mới như đánh giá khách quan, đánh giá thực ... để áp dụng trong quá trình giảng dạy.

Đặc biệt, với những giảng viên giảng dạy học phần về phương pháp dạy học, cần phải nắm vững những phương pháp đánh giá mới để bổ sung vào nội dung bài giảng khi giảng dạy học phần kiểm tra đánh giá trong dạy học Lịch sử.

Tiến hành công việc này là nhằm cập nhật kịp thời cho sinh viên những hiểu biết, các kỹ năng kiểm tra, đánh giá tiên tiến phù hợp với những thay đổi ở giáo dục phổ thông.

“Bộ môn đã đặt ra yêu cầu: Các giảng viên đều phải nắm vững thang nhận thức Bloom và vận dụng nó để đánh giá năng lực tư duy của sinh viên. Điều quan trọng trong giai đoạn này là giảng viên phải cập nhật kịp thời những đổi mới sắp tới của giáo dục phổ thông để trang bị đủ cho sinh viên tri thức, năng lực cần thiết trước khi đi thực tập.

Muốn làm được điều này, giảng viên phải tích cực đi thực tế để tìm hiểu tình hình dạy học ở trường phố thông, nắm bắt được những cái mới đã và đang được Bộ GĐ&ĐT triển khai.

Vì vậy trong chương trình đào tạo giáo viên, học phần kiểm tra đánh giá cần phải kịp thời trang bị cho sinh viên và các phương pháp kiểm tra, đánh giá tiên tiến phù hợp với việc đổi mới phương pháp dạy học như đánh giá quá trình, đánh giá thực …

Chúng tôi nghĩ rằng, đây là nhiệm vụ của tất cả các bộ môn có mã ngành đào tạo giáo viên và bộ môn Tâm lý - Giáo dục ở trường đại học...” - thạc sĩ Lê Trọng Đại cho biết thêm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ