Đào tạo giáo viên: Khi “cung – cầu” gặp nhau

Đào tạo giáo viên: Khi “cung – cầu” gặp nhau

Qua đó cũng góp phần giải quyết bài toán thừa, thiếu giáo viên cục bộ, chuẩn bị thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Giải quyết bài toán thừa thiếu cục bộ

GS.TS Nguyễn Quý Thanh – Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội) trao đổi: Theo các quy định hiện hành, chỉ tiêu các ngành sư phạm do Bộ GD&ĐT phân bổ cho các trường đào tạo giáo viên. Việc phân bổ này dựa trên nhu cầu giáo viên theo từng môn và do các địa phương báo cáo. Đồng thời dựa vào năng lực đào tạo của mỗi trường.

“Với cách làm như vậy, trong những năm gần đây, chúng ta thấy có sự phân hóa khá mạnh số lượng chỉ tiêu theo từng ngành. Có những ngành chỉ tiêu được phân bổ rất ít, nhưng cũng có ngành được giao chỉ tiêu đào tạo khá nhiều” - GS Nguyễn Quý Thanh chia sẻ, đồng thời nhấn mạnh: Thông thường, việc đào tạo giáo viên cho những môn mới trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018 như: Sư phạm Khoa học tự nhiên (tích hợp 3 môn Vật lý – Hóa học – Sinh học trước đây) và Sư phạm Lịch sử - Địa lý (tích hợp 2 môn Lịch sử và Địa lý) là những ngành được giao nhiều chỉ tiêu hơn, để đáp ứng nhu cầu giáo viên trong những năm sắp tới, nhằm đáp ứng yêu cầu chuyển đổi chương trình được thực hiện đầy đủ cho tất cả các bậc học. Trường ĐH Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) cũng là một cơ sở có những chương trình đào tạo những ngành mới này.

Theo GS.TS Nguyễn Quý Thanh, việc xác định và phân bổ chỉ tiêu theo nhu cầu thực tế của các địa phương, đương nhiên sẽ giúp cho “thị trường lao động giáo viên” và trường đại học là “nơi cung ứng” nhân lực gặp nhau. Như vậy, tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ hay tổng thể sẽ được hạn chế tối đa. Vì vậy, cơ hội việc làm của sinh viên sư phạm sau khi ra trường sẽ cao hơn và tỷ lệ sinh viên sư phạm phải làm trái ngành cũng sẽ ít hơn.

Đào tạo giáo viên: Khi “cung – cầu” gặp nhau ảnh 1
Ảnh minh họa/ INT

TS Đinh Thanh Tâm – Hiệu trưởng Trường ĐH Tây Bắc (Sơn La) cho biết: Đối với nhóm ngành đào tạo giáo viên, nhà trường đào tạo theo chỉ tiêu được Bộ GD&ĐT giao và có gắn với nhu cầu của các địa phương. Quá trình đào tạo này sẽ giải quyết được bài toán thất nghiệp của giáo sinh sau khi ra trường. Và khi “cung – cầu” gặp nhau, tình trạng lãng phí nhân lực, thời gian và tiền bạc sẽ được giảm thiểu tối đa. Đặc biệt, tới đây khi thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, đào tạo giáo viên gắn với nhu cầu sử dụng của địa phương càng cần được chú trọng. Qua đó, sẽ khắc phục được tình trạng tuyển sinh tràn lan.

Đào tạo theo nhu cầu của các địa phương

Thực tế cho thấy, thời gian qua, Bộ GD&ĐT đã có nhiều giải pháp quyết liệt để triển khai thực hiện đào tạo sư phạm gắn với nhu cầu sử dụng. UBND các tỉnh, thành phố xác định nhu cầu nhân lực sư phạm trong các giai đoạn trung và dài hạn, xây dựng kế hoạch đặt hàng, tuyển dụng và phân công công việc sau khi đào tạo. Các cơ sở đào tạo xây dựng đề án tuyển sinh cho từng ngành đào tạo giáo viên trên cơ sở đề xuất của địa phương và năng lực của cơ sở, điều kiện bảo đảm chất lượng theo quy định hiện hành. Bộ GD&ĐT sẽ giao chỉ tiêu đào tạo sư phạm theo cơ chế “đặt hàng” dựa trên cơ sở nhu cầu của địa phương và năng lực của cơ sở đào tạo.

GS.VS.TS Đào Trọng Thi – nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội nhận xét: Chủ trương của Bộ GD&ĐT về đào tạo giáo viên, gắn với nhu cầu thực tế của địa phương là đúng đắn và hợp thời. Quy định này sẽ giải quyết được bất cập còn đang tồn tại như: Giáo viên ra trường không xin được việc làm hoặc phải làm trái nghề.

Tuy nhiên theo GS Đào Trọng Thi, vấn đề đặt ra, chủ trương này đã và đang được hiện thực hóa nhưng cần được thực tế chứng minh. Tức là, khi đã đào tạo theo nhu cầu, sinh viên sư phạm ra trường phải được bảo đảm về việc làm, được giảng dạy đúng chuyên môn. Nếu chúng ta có cơ chế như khối trường công an, quân đội thì càng tốt. Điều này sẽ giải quyết được một số vấn đề về: Thu nhập, thu hút nhân tài và việc làm ổn định của đội ngũ nhà giáo.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ông Trần Quí Thanh lãnh 8 năm tù.

Ông Trần Quí Thanh bị phạt 8 năm tù

GD&TĐ - Sáng 25/4, TAND TPHCM tuyên phạt 8 năm tù đối với bị cáo Trần Quí Thanh (Chủ tịch Tân Hiệp Phát) về tội "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản".