Chỉ trong một tuần, tình trạng an ninh và ổn định xã hội trên đảo quốc đã trở nên tồi tệ đến mức khả năng xảy ra nội chiến đã được công khai đề cập.
Đường phố trở thành chiến trường của đụng độ và xô xát giữa những phần tử cực hữu với cảnh sát và người nước ngoài, người Hồi giáo, người nhập cư và tỵ nạn cũng như với cảnh sát. Nhà ở, cửa hiệu, trụ sở... bị phá phách. Hơn 420 người đã bị cảnh sát bắt giữ và các cấp toà án ở Anh đang phải làm việc hết công suất để đưa những người này ra xét xử.
Bất chấp những cảnh báo và răn đe mạnh mẽ từ chính phủ của Thủ tướng Keir Starmer thuộc Công đảng Anh, bạo lực, hỗn loạn vẫn dai dẳng và gia tăng mức độ quyết liệt. Ông Starmer buộc phải ứng phó mạnh tay hơn để nhanh chóng vãn hồi an ninh và ổn định xã hội: Huy động hơn 40.000 cảnh sát; thành lập nhóm làm việc chuyên trách bao gồm hơn 100 công chức và chuyên gia dạn dày kinh nghiệm đối phó với tình trạng bạo lực và hỗn loạn trên đảo quốc cũng như yêu cầu phía các cấp toà án làm thêm giờ để xử án.
Dù vậy, hiện không ai ở trong cũng như ngoài nước Anh dám chắc đến khi nào thì tình trạng này mới chấm dứt và đảo quốc mới được yên bình. Công đảng Anh mới trở lại cầm quyền sau cuộc bầu cử quốc hội vừa rồi và Thủ tướng Starmer mới chính thức nhậm chức. Chuyện này đã trở thành thử thách lớn nhất hiện tại đối với ông Starmer và Công đảng Anh, tức là phải giải quyết cho dù không phải gánh chịu trách nhiệm gây ra.
Nếu không nhanh chóng làm cho đảo quốc yên hàn trở lại, ông Starmer và Công đảng Anh không thể có được tiền đề thuận lợi cần thiết về chính trị - xã hội nội bộ để thực thi thành công chương trình cầm quyền đã đề ra.
Trong thực chất, những gì đang xảy ra ở nước Anh là hệ lụy và hậu quả của đường lối, chính sách cầm quyền của Đảng Bảo thủ Anh trong hơn mười năm trước đó, đặc biệt là về cải tổ hệ thống và bộ máy cảnh sát; người tỵ nạn và nhập cư; vấn đề đạo Hồi trên đảo quốc; việc Anh ra khỏi EU và đối phó với trào lưu chung ở châu Âu là các lực lượng cánh hữu, cực hữu, dân tuý và dân tộc chủ nghĩa trỗi dậy mạnh mẽ.
Hơn mười năm qua cũng là khoảng thời gian cả châu Âu dậy sóng và sôi động dữ dội bởi cuộc khủng hoảng tỵ nạn và di cư cũng như bởi làn sóng thù địch và bài xích người nước ngoài và đạo Hồi.
Các thời chính phủ của Đảng Bảo thủ Anh đã không tập trung ưu tiên giải quyết kịp thời và tận gốc rễ những vấn đề này, không tạo dựng được sự khoan dung và hài hoà giữa các tầng lớp và thành phần dân cư trong xã hội, không kiến tạo nên sự chung cư yên bình giữa đạo Hồi và các tôn giáo khác, giữa người dân Anh và người nước ngoài trên đảo quốc.
Điều bi hài trên đảo quốc là người tỵ nạn và di cư cho rằng bị phân biệt đối xử trong khi các lực lượng cực hữu, cánh hữu, dân tuý và dân tộc chủ nghĩa trên đảo quốc lại cho rằng chính phủ đã quá ưu ái và thiên vị người nước ngoài, người di cư.
Thủ tướng Starmer và Công đảng Anh bị bất ngờ khi cái ung nhọt bục ra quá nhanh như thể chỉ chờ có cớ và dịp để bung ra. Những biện pháp chính sách ứng phó mới được ông Starmer công bố chỉ có thể xử lý được biểu hiện chứ chưa thể giải quyết được vấn đề và vụ việc tận gốc rễ, chưa thể đưa lại được yên bình cho đảo quốc.