Đảo nhân tạo bị đánh chìm giữa biển khơi

GD&TĐ - Trong những năm 1950, 1960, kỹ sư người Italy Giorgio Rosa đã xây dựng một hòn đảo nằm ngoài bờ biển Italy.

Đảo Rose nằm ngoài khơi tỉnh Rimini, Italy.
Đảo Rose nằm ngoài khơi tỉnh Rimini, Italy.

Trong những năm 1950, 1960, kỹ sư người Italy Giorgio Rosa đã xây dựng một hòn đảo nằm ngoài bờ biển Italy. Để đảo có thể chống chịu với những cơn gió mạnh và mức độ ăn mòn của biển Adriatic, Rosa đã tạo hệ thống cột trụ độc đáo.

Táo bạo và độc đáo

Năm 1958, kỹ sư Giorgio Rosa cùng một vài người bạn xây dựng đảo Rose ở biển Adriatic, cách bờ biển tỉnh Rimini, Italy, khoảng 11,6 km. Cộng hòa Đảo Rose, với diện tích 400 m2, tuyên bố độc lập vào ngày 1/5/1968 và Rosa tự bổ nhiệm mình là Tổng thống.

Được trang bị nhà hàng, quán bar, cửa hàng lưu niệm, bưu điện..., đảo Rose đáp ứng đầy đủ tiện nghi của một quốc gia có chủ quyền. Nó sử dụng ngôn ngữ chính thức là Esperanto, tiền tệ chính thức là Mill và có tem bưu chính riêng, quốc ca và cờ.

Quốc đảo này nhanh chóng thu hút sự chú ý của khách du lịch và người dân địa phương. Nhưng giấc mơ của Rosa chỉ tồn tại trong thời gian ngắn. Trước sự thách thức của Rosa, Chính phủ Italy đã nhanh chóng thực hiện các biện pháp trừng phạt.

Ngày 25/6/1968, chỉ 2 tháng sau khi đảo Rose tuyên bố độc lập, các lực lượng vũ trang Italy đã mang theo vũ khí hạng nặng đến phá hủy đảo. Tuy nhiên, đảo Rose được xây dựng kiên cố đến mức thuốc nổ không thể đánh chìm. Phải một năm sau đó, sau nhiều lần tấn công và một cơn bão quét qua, đảo Rose mới hoàn toàn bị phá hủy.

Ngày nay, người ta vẫn có thể tìm thấy các phần chân cọc và cột tháp của đảo Rose dưới đáy biển. Điều khiến mọi người tò mò là làm thế nào Rosa có thể xây dựng một hòn đảo kiên cố như vậy?

Khu vực xây dựng đảo Rose phải hứng chịu những luồng gió mạnh, trong đó có gió Bora, thổi từ hướng Đông Bắc vào những tháng trời lạnh. Loại gió này thường tạo ra những cơn sóng ngắn và thay đổi chiều cao nhanh, khiến biển động mạnh. Những cơn sóng cao cũng sẽ cản trở hoạt động xây dựng và điều hướng. Ngoài ra, nước biển có thể ăn mòn các bộ phận kim loại.

Rosa đã xây dựng đảo với nguồn vốn hạn hẹp, nhân lực khoảng 10 người. Mặc dù, ông mất gần một thập kỷ để hoàn thành công trình nhưng những kỹ thuật xây dựng được đánh giá là táo bạo, độc đáo.

Đầu tiên, Rosa chọn địa điểm xây dựng nằm cách lãnh hải Italy khoảng 500m. Ông chưa vội vàng chuyển vật liệu ra ngoài khơi mà làm việc trong một căn nhà nhỏ ở cầu tàu Rimini.

Rosa mất 2 năm để nghiên cứu khu vực, phác họa công trình và tính toán đến những phương án rủi ro. Ông dự định xây dựng hòn đảo như một bệ 5 tầng, đủ vững chắc để chống chọi với sự tàn phá của biển Adriatic.

Rosa đã tự tạo ra hệ thống cột trụ nâng hạ và sử dụng 9 cột để nâng bệ lên cao khoảng 8m so với đáy biển. Ông chế tạo những chiếc cột rỗng rồi kéo nó đến công trường giữa biển bằng thuyền máy.

Những chiếc cột rỗng có thể nổi trên mặt nước. Khi đến nơi, các công nhân sẽ đổ nước vào một đầu của mỗi cột và thả chúng xuống đáy biển theo phương thẳng đứng.

Sau đó, người ta đặt thêm các ống thép vào trong cột trụ. Điều này giúp các cột trụ có thể cố định dưới đáy biển, có khả năng chịu tải và tính ổn định. Nhờ cách làm này, việc di chuyển cột trụ ra công trường nhẹ nhàng hơn, tốn ít chi phí và nhân công.

Kỹ sư Rosa (ngoài cùng bên phải) cùng bạn bè xây dựng đảo Rose.

Kỹ sư Rosa (ngoài cùng bên phải) cùng bạn bè xây dựng đảo Rose.

Chống ăn mòn tối đa

Tuy nhiên, thép, dù khả năng chịu trọng lượng tốt, vẫn có thể dễ dàng bị ăn mòn trong môi trường có độ ẩm và độ mặn cao. Ngay cả những chất liệu thép tốt nhất cũng không thể chịu được điều kiện này.

Ngày nay, kim loại để xây cất trong các công trình ngoài biển khơi được phủ nhiều lớp thuốc chống ăn mòn. Nhưng khoảng 50 năm trước, Rosa đã đổ xi măng vào những cột trụ như một lớp chắn bên ngoài để ống thép không trực tiếp tiếp xúc với yếu tố ăn mòn. Điều đó cũng làm tăng thêm độ ổn định. Như vậy, mỗi cột trụ được làm từ bê tông cốt thép, có thể nặng tới 2,3 tấn mỗi m3.

Rosa đã đăng ký bản quyền cho sáng chế cột trụ ngoài biển với tên “Hệ thống xây dựng đảo nhân tạo, bằng thép và bê tông, cho mục đích dân dụng và công nghiệp”. Sáng chế được cấp bằng và được đánh giá cao khi tiết kiệm chi phí, nhân lực nhưng vẫn đảm bảo độ bền chặt của công trình.

Ngoài ra, để mọi người tiếp cận hòn đảo, Rosa đã thiết kế các điểm neo đậu thuyền với các ống cao su được làm nổi bằng cách đổ đầy nước ngọt. Chúng giúp ổn định mặt nước khi hành khách rời tàu và bước lên đảo. Khu vực neo đậu được đặt tên là Haveno Verda, trang bị cả thang để lên xuống.

Khi ra mắt vào năm 1967, đảo Rose mới được xây dựng một tầng so với mục tiêu ban đầu là 5 tầng. Tầng này có quán bar, nhà hàng, bưu điện, cửa hàng lưu niệm và nơi nghỉ ngơi cho du khách. Hòn đảo cũng có nhà vệ sinh và có thể sử dụng nước ngọt từ tầng ngậm nước mà nhóm của Rosa tìm thấy khi khoan sâu 280m bên dưới bệ.

Mọi công trình trên đảo đều được xây dựng bằng xi măng, gạch và gỗ, những nguyên liệu đơn giản, thô sơ. Tuy nhiên, chúng được cố định bởi các cột trụ vững chắc nên hoàn toàn có thể đứng vững giữa biển khơi.

Khi lực lượng vũ trang Italy tấn công hòn đảo, họ đã cố gắng phá hủy các cột trụ bằng thuốc nổ nhưng không thành công. Cấu trúc của chúng vững chắc đến mức phải trải qua 2 - 3 lần đánh nổ với khối lượng thuốc nổ lên tới 80 kg, các cột trụ mới bị hư hại nghiêm trọng.

Nhưng vụ nổ chỉ làm biến dạng kết cấu các cột trụ mà không khiến chúng sụp đổ. Đến ngày 26/2/1969, một cơn bão mạnh đi qua mới đủ sức đánh bật hòn đảo này.

Theo IE, Engineering

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lực lượng chức năng duy trì công tác tuần tra, kiểm soát khép kín địa bàn. Ảnh: TT

Giữ bình yên trên cao nguyên M’Nông

GD&TĐ - Bước vào thu hoạch cà phê niên vụ 2024, người dân trên cao nguyên M’Nông (Đắk Nông) đang hân hoan phấn khởi vì sản phẩm được giá.