Đạo diễn Trần Anh Hùng và tấm lòng hướng về đất mẹ

GD&TĐ - Yêu Việt Nam, yêu tiếng Việt, đạo diễn Trần Anh Hùng luôn mong muốn trở về đất mẹ làm những bộ phim về đồng bào mình, chiếu cho đồng bào mình xem.

Ảnh minh họa/INT.
Ảnh minh họa/INT.

Tại Liên hoan phim Cannes năm nay, đạo diễn người Pháp gốc Việt Trần Anh Hùng đã giành giải Đạo diễn xuất sắc nhất với bộ phim “La passion de Dodin Bouffant” (The Pot-au-Feu) - một bộ phim về tình yêu và ẩm thực.

Cũng tại liên hoan phim này, Phạm Thiên Ân - đạo diễn trẻ người Việt đang sinh sống tại Mỹ - cũng đoạt giải Camera Vàng cho phim dài đầu tay “Bên trong vỏ kén vàng”.

Đây là tin rất vui với người yêu điện ảnh trong nước. Những người con đất Việt đã được vinh danh tại một liên hoan phim vô cùng danh giá, quy tụ những tên tuổi điện ảnh hàng đầu.

Nếu như Phạm Thiên Ân là gương mặt mới đầy sức trẻ, thì Trần Anh Hùng đã là đạo diễn đẳng cấp quốc tế. Tên ông và những tác phẩm điện ảnh của ông được cả thế giới biết đến. Tại Liên hoan phim Cannes 1993, bộ phim “Mùi đu đủ xanh” của ông đoạt giải Camera Vàng.

Bộ phim này cũng lọt danh sách đề cử Oscar rút gọn tại hạng mục Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất. Năm 1995, ông đoạt giải Sư Tử Vàng tại Liên hoan phim Venice với phim “Xích lô”.

“Mùi đu đủ xanh” và “Xích lô” đều lấy đề tài, nguồn cảm hứng từ Việt Nam. “Mùi đu đủ xanh” là nỗi nhớ dịu dàng da diết của ông dành cho đất mẹ. “Xích lô” khai thác cuộc sống trần trụi, thô ráp, nhiều ẩn ức của những người lao động nghèo thời kỳ đầu đổi mới. Phần lớn bối cảnh của “Xích lô” được quay tại TP Hồ Chí Minh với các diễn viên là người Việt.

Ngoài hai phim này, ông còn thực hiện “Mùa Hè chiều thẳng đứng” với câu chuyện, bối cảnh Hà Nội, vừa ngột ngạt, trĩu nặng tâm tư song vẫn đậm chất thơ - điều thường thấy trong ngôn ngữ điện ảnh Trần Anh Hùng.

Đặc biệt, phim ngắn tốt nghiệp của ông (“Người thiếu phụ Nam Xương”) cũng được lấy cảm hứng từ tác phẩm văn học “Truyền kỳ mạn lục” của Nguyễn Dữ.

Yêu Việt Nam, yêu tiếng Việt, đạo diễn Trần Anh Hùng luôn mong muốn trở về đất mẹ để làm những bộ phim về đồng bào mình, chiếu cho đồng bào mình xem.

Sinh trưởng ở Pháp, ông hướng lòng về xứ sở qua những câu chuyện, những cuốn sách, tự học tiếng Việt và giữ gìn tiếng Việt. Ông từng chia sẻ: “Hiện thực của tôi là sự pha trộn phức tạp, qua lăng kính của nhiều nghệ sĩ mà tôi biết, tôi lựa chọn tiếp xúc; là mùi, là màu, là chất mà tôi nhìn thấy ở Việt Nam”.

Trần Anh Hùng và những tác phẩm điện ảnh của ông có ảnh hưởng sâu sắc tới những nhà làm phim trẻ nước ta. Ông thường tham gia đào tạo, truyền đạt kinh nghiệm cho các khóa học điện ảnh thuộc chương trình Gặp gỡ mùa Thu - sự kiện điện ảnh thường niên do một số nhà làm phim thế hệ 7X sáng lập.

Trần Anh Hùng như một người thầy, một người anh lớn, sẵn lòng truyền cảm hứng, tri thức, kinh nghiệm cho cộng đồng làm phim độc lập trong nước.

Ở tuổi ngoài 60, Trần Anh Hùng tiếp tục khẳng định sức sáng tạo bền bỉ, niềm đam mê với môn nghệ thuật thứ 7. Tài năng và những cống hiến của ông trong điện ảnh góp phần sâu sắc vào hệ giá trị của người Việt trên thế giới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ