Đạo diễn Phan Gia Nhật Linh: "Hãy lan tỏa những năng lượng tích cực..."

Khép lại năm 2016 với nhiều gặt hái: Bộ phim “Em là bà nội của anh” đạt mức doanh thu kỷ lục trong nước (102 tỉ), được US Box Office Gross công bố xếp thứ 96 trong 100 phim nước ngoài có doanh thu tốt tại Mỹ (71.000 USD, trong khi kinh phí làm phim chỉ vỏn vẹn có 700 ngàn USD)…, đạo diễn Phan Gia Nhật Linh lại sắp sửa trở lại với bộ phim tiếp theo, chuyển thể từ tác phẩm cùng tên của Nguyễn Nhật Ánh: “Cô gái đến từ hôm qua”, dự kiến sẽ ra mắt vào tháng 4 tới.

Đạo diễn Phan Gia Nhật Linh: "Hãy lan tỏa những năng lượng tích cực..."
Dao dien Phan Gia Nhat Linh:

Ít nhất, khán giả sẽ bị bất ngờ

Thêm lần nữa, Miu Lê và Ngô Kiến Huy lại được anh lựa chọn. Tại sao lại vẫn phải là “cặp đôi của ngày hôm qua”?

- Kỳ vọng ban đầu là tìm kiếm được một gương mặt hoàn toàn mới, đúng với lứa tuổi nhân vật (tầm 17-18 tuổi) nhưng rất khó. 1 thôi đã khó, nữa đây còn cần tới 5 gương mặt. Casting suốt hơn một tháng, không tìm nổi một ai. Cuối cùng thì xem ra Miu Lê và Ngô Kiến Huy vẫn là hai lựa chọn an toàn nhất, dù Miu Lê đã 25 tuổi và Huy 28. Ba bạn còn lại cũng tầm 22 - 25 tuổi, hơi bị “đứng” hơn so với nhân vật nhưng cũng đều là những gương mặt khá mới mẻ và diễn xuất tốt.

Liệu Miu Lê đã kịp thoát ra khỏi vai diễn ấn tượng trong “Em là bà nội của anh” chưa?

- Vai của Miu Lê trong “Cô gái đến từ hôm qua” thật ra không phải là nhân vật chính, đất diễn do đó cũng ít hơn “Em là bà nội của anh” nhiều. Và đó là một vai diễn hoàn toàn khác, có thể nói là quay ngoắt 180 độ: Một cô gái hiền lành, có một chút “quái” kiểu lém lỉnh của tuổi mới lớn. Ngoài Miu Lê, tôi chưa thấy ai phù hợp với vai diễn này hơn.

Biến truyện thành phim, áp lực là gì?

- Truyện của anh Nguyễn Nhật Ánh thì rất đẹp và nên thơ nhưng không dễ gì bê cái không khí mơ màng lãng đãng ấy lên phim. Vấn đề của phim là cần tạo kịch tính và cụ thể hóa bằng hình ảnh. Do đó, có những nhân vật phụ hơi mờ nhạt khi lên phim đã phải đắp cho dày lên. Chưa biết là khán giả sẽ thích hay không nhưng tôi tin ít nhất họ sẽ bị bất ngờ.

Chuyển thể từ truyện sang phim có khó hơn nhiều so với việc làm lại một bộ phim ăn khách?

- Khó hơn là chắc! Vì khi làm lại “Em là bà nội của anh” từ bản gốc Hàn Quốc, bản thân kịch bản ấy ngay từ đầu đã mang cấu trúc của một tác phẩm điện ảnh. Còn một tác phẩm văn học thì từ ngôn ngữ đến cấu trúc đều khác. Ngoại trừ việc phải giữ lại những chi tiết độc đáo của truyện, đặc biệt với tác phẩm này và sự trong sáng hồn nhiên của đời học sinh, thì cách của tôi là tạo cho phim một đời sống độc lập. Tuy nhiên, tôi gần như biết trước là dù làm kiểu gì thì khán giả cũng sẽ so sánh giữa phim và truyện.

Trước và sau khi internet vào Việt Nam, khác lắm!

Anh có ưa cách Victor Vũ đã làm với “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”? Cái đẹp của flycam, anh có khoái?

- Cảm giác khi xem phim đó cũng có cái buồn man mác trước những cái đẹp đã qua như trong truyện của Nguyễn Nhật Ánh. Nhưng chắc là tôi sẽ không làm theo kiểu đó. Mỗi người đều có những trải nghiệm riêng của mình để có những cách nhìn và cách làm khác nhau. Tôi có một may mắn là đã được sống ở Việt Nam và trải qua đúng thời kỳ đó nên không cần phải dùng đến trí tưởng tượng của một người từ bên ngoài nhìn vào.

Thế nhưng, thế giới học đường hôm nay đã khác nhiều so với trước. Độ lùi thời gian nào theo anh là an toàn để cho một “Cô gái đến từ hôm qua” không bị lạc lõng trước các khán giả trẻ của ngày hôm nay?

- Sau khi cân nhắc, tôi quyết định cộng thêm 10 năm vào thời điểm diễn ra câu chuyện. Nghĩa là thay vì năm 1978, tôi chọn quãng 1997 - 1988, chính là mốc thời gian mà tuổi tôi trùng với tuổi nhân vật, để có thể kể câu chuyện một cách dễ dàng hơn, bằng chính những trải nghiệm của mình.

Và hơn hết, 78 hay 88 thì cũng đều là trước thời điểm internet vào Việt Nam, tâm lý người trẻ chưa có những biến động mạnh như sau này. Thay vì internet, giới trẻ Việt bấy giờ được gắn kết với nhau bằng âm nhạc mà cột mốc bùng nổ là giải thưởng âm nhạc Làn Sóng Xanh năm 1997. Các cô cậu học trò thay vì chép thơ tặng nhau (như trong truyện của Nguyễn Nhật Ánh) thì sẽ chép lời bài hát; thay vì đọc thơ vì sẽ kháo nhau về những bộ phim “mì ăn liền” một thời như “Vĩnh biệt mùa hè”, “Yểu điệu thục nữ”…, về diễn viên ngôi sao Diễm Hương, Việt Trinh, Y Phụng, Lê Công Tuấn Anh…. Để gợi nhớ kỷ niệm, phim cũng sẽ tái hiện lại một vài cảnh quay trong những bộ phim quen thuộc đó…

Sống lại kỷ niệm học trò một thời, trước khi chiếc điện thoại thông minh len vào bầu khí quyển của chúng ta, cảm giác của anh thế nào?

- Tôi thấy xúc động thực sự, vì một thời đẹp đẽ chưa xa, mà đã kịp khác nhiều đến thế. Lứa học trò xưa giờ đã là bố, là mẹ hẳn sẽ rưng rưng khi nhớ lại một thời chúng ta đã làm quen nhau và tỏ tình với nhau như thế; đã nhìn nhau và nhìn cuộc đời theo cách như thế… “Cô gái đến từ hôm qua”, tôi tin là sẽ có ý nghĩa kết nối thế hệ.

Khán giả trẻ của thời truyền hình thực tế đã được cho là ăn phải quá nhiều “kẹo ngọt làm bằng đường hóa học”. Dòng phim “kẹo ngọt”, theo anh làm bằng “đường” gì?

- Mỗi một nhận xét của một cá nhân liên quan đến lịch sử trải nghiệm chủ quan của họ. Cũng có người không qua trải nghiệm cũng vẫn đưa ra nhận xét như thường. Chẳng hạn như có những người luôn nói: “Phim Việt Nam vớ vẩn!”, dù thực tế họ chưa xem phim gì. Thực sự là tôi không quan tâm những nhận xét cảm tính mà không dựa vào những khảo sát xã hội học.

Ít nhất, “Cô gái đến từ hôm qua” sẽ góp được thêm một giọt nước mắt hạnh phúc, thì cũng còn hơn là một điệu cười mỉa mai cay nghiệt, giữa một đời sống vốn đã có quá nhiều nghi kỵ và thiếu vắng sự hồn nhiên này. Nếu có thể, hãy lan tỏa ra những năng lượng tích cực tới mọi người, tôi mong là thế…

“Em là bà nội của anh” ghi điểm ngoạn mục tại phòng vé cả ở trong và ngoài nước. Đã là lúc anh tự tin vào “công thức ăn dỗ” của mình chưa?

- Giờ phim “thắng” rồi thì sẽ có người bảo: “Ấy là nhờ ăn theo bộ phim ăn khách của Hàn Quốc”. Nhưng biết đâu là, trước tôi, đã có đầy người lắc đầu không dám nhận làm, vì nghĩ ăn khách ở Hàn Quốc rồi thì khó ghi điểm thêm ở Việt Nam lắm. Khi tôi chọn Miu Lê, Ngô Kiến Huy, Hứa Vỹ Văn…, lại cũng có người hỏi: Sao không chọn ngôi sao để bảo chứng doanh thu, nhưng tôi tin vào tài năng, nhiệt huyết và độ hợp vai của họ. Công thức, nếu có, thì chỉ đơn giản là lòng tin đó. Lòng tin vào những lựa chọn của mình, cộng với ý thức cập nhật, tìm tòi những cách kể chuyện mới, đúng với tinh thần thời đại…

Xin cảm ơn anh.

Theo Lao Động

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

UAV RQ-4B Global Hawk của Mỹ.

Biết gì về UAV RQ-4B Global Hawk của Mỹ?

GD&TĐ -RQ-4B Global Hawk là loại máy bay không người lái tiên tiến của Mỹ, được phát triển cho nhiệm vụ trinh sát, giám sát và thu thập thông tin tình báo.