Đạo diễn Lê Hoàng hiến kế cực hay giúp mẹ chồng và nàng dâu hòa thuận

Đạo diễn Lê Hoàng là một cây viết hài hước và dí dỏm về các vấn đề trong cuộc sống. Qua góc nhìn của ông, những đề tài gây tranh cãi muôn thuở như mẹ chồng - nàng dâu bỗng trở nên dí dỏm, hài hước.

Đạo diễn Lê Hoàng (Ảnh: FBNV).
Đạo diễn Lê Hoàng (Ảnh: FBNV).

Trên trang cá nhân của mình, đạo diễn Lê Hoàng thường chia sẻ những góc nhìn hài hước mà sâu sắc về các vấn đề trong cuộc sống, những chia sẻ của anh thường được nhiều người hâm mộ hưởng ứng, gần đây nhất, đạo diễn họ Lê có đăng một bài chia sẻ về chuyện mẹ chồng - nàng dâu và đưa ra giải pháp để cả hai người phụ nữ này có thể chung sống hòa bình.

Dưới đây là toàn bộ chia sẻ của đạo diễn Lê Hoàng về chuyện mẹ chồng - nàng dâu và những mâu thuẫn muôn thuở.

"Gần đây có một bộ phim truyền hình gây xôn xao cực độ vì đề cập tới một vấn đề có vẻ xưa còn hơn trái đất: Đó là sự căng thẳng giữa mẹ chồng và nàng dâu.

Khán giả xem phim vô cùng bất ngờ vì hai nhân vật này đều vô cùng tai quái, có vẻ chả ai kém cạnh ai, nhiều thủ đoạn hai phía áp dụng có vẻ như vượt xa trí tưởng tượng nhưng lại được một số nạn nhân thực ngoài đời tố cáo là như thế vẫn chả ăn thua, cứ theo lời họ thì có nhiều mẹ chồng hoặc có nhiều nàng dâu còn tai quái vạn lần.

Tuy nhiên trong cuộc chiến này, rõ ràng các tác giả không vô tư, phần lớn thời gian và công sức họ tập trung cho mẹ chồng “tàn ác” và miêu tả con dâu cũng chỉ là một kiểu nạn nhân, cùng lắm tức nước vỡ bờ.

Có thực như thế không?

Lê Hoàng, với tư cách một kẻ nhát gan, sợ cả vợ lẫn mẹ vợ, từ lâu đã kết luận rằng mối quan hệ chiến tranh giữa mẹ chồng và nàng dâu là có thực và đời đời không thể giải quyết, không tự nhiên sinh ra và cũng không tự nhiên mất đi, chỉ biến hóa từ dạng này sang dạng khác.

Hai bên có thể đình chiến nhưng lửa chiến tranh lúc nào cũng âm ỉ. Còn nếu như có những gia đình êm ấm thì đơn giản là do một bên đã “đầu hàng”.

Tại sao thế?

Tại vì về cơ bản, xung đột giữa mẹ chồng và nàng dâu là xung đột về lợi ích. Mà thứ lợi ích ấy, khổ thay, lại không có khả năng chia đều, tuyệt đối không! Và sao thế nào có thể chia đều một con người ? Con người không phải quả dưa, có thể bổ dọc ra làm hai phần đều nhau. Cũng không phải ký gạo, sẵn sàng đưa lên cân chia làm hai phần nửa ký. Con người đấy là chàng trai.

Cô vợ nào lấy một trai về cũng muốn quản lý, bảo tồn và sử dụng theo ý mình. Từ cổ chí kim, từ thành thị đến nông thôn, từ Châu Á tới Châu Phi là không thể khác.

Điều bi kịch là mẹ chồng cũng muốn thế nốt. Muốn sinh ra một đứa con trai sau đó muốn nhìn thấy nó lớn lên, trưởng thành, lấy vợ, sinh con theo ý mình nốt.

Nói tóm lại, hai bên đều muốn sở hữu và có lý do sở hữu. Nhưng phần của kẻ này chắc chắn sẽ chen vào phần của kẻ kia.

Nghe đến đây chắc nhiều vị lườm Lê Hoàng nói “thôi đi ông, thiếu gì những cha mẹ chồng thương con dâu và ngược lại”. Lê Hoàng cũng đành tin như thế, nhưng chắc đấy không phải là bản chất, cũng như nếu trong khu rừng không có thỏ, có thể cọp muốn sống sẽ phải ăn chay, nhưng ăn chay không phải là sở thích và năng khiếu của cọp.

Bởi vì sở hữu một chàng trai là gì? Là muốn anh ta nghe lời mình, hành động theo ý mình, đưa tiền cho mình và chăm sóc mình. Nói tóm lại, là muốn chiếm đoạt anh ta cả về thể xác lẫn tâm hồn càng nhiều càng tốt.

Trong khi đó, con người cả về sức lực lẫn tinh thần đều có hạn, đã thế có nhiều thứ lại không thể chia.

Nếu trên mâm cơm có ba miếng thịt gà, cả con rể, con dâu và mẹ chồng cùng ăn thì dễ quá, mỗi người một miếng là xong. Nhưng có bốn miếng là nguy to.

Anh chồng có thể chỉ ăn một miếng, vì anh ấy trí thức, biết hy sinh. Nhưng miếng thừa ra giải quyết thế nào? Có thể gắp cho mẹ, vì mẹ đã già, cũng có thể gắp cho vợ, vì vợ sắp sinh. Như thế còn may. Đa số sẽ gắp cho vợ, chỉ đơn giản vì vợ… trẻ đẹp.

dao dien le hoang hien ke cho me chong va nang dau hoa thuan khien nguoi ham mo thich thu

Mâu thuẫn của mẹ chồng - nàng dâu được đạo diễn Lê Hoàng hóa giải bằng cách cho sống riêng (Ảnh minh họa: VOV).

Thế là chiến tranh được châm ngòi.

Chiến tranh giữa mẹ chồng và nàng dâu vô cùng giống với chiến tranh giữa Mỹ và Triều Tiên. Hai bên đều rất không ưa nhau, nhưng hai bên đều ra sức chứng tỏ với bên ngoài là mình yêu hòa bình hơn đối phương, nếu nó nổ súng chỉ là nổ súng tự vệ.

Hai bên cũng đều liên tục cảnh báo kẻ thù không được vượt quá giới hạn, mà giới hạn thì thay đổi xoành xoạch. Hai bên đều che giấu những vũ khí có tính quyết định. Hai bên đều rất quyết liệt bằng mồm nhưng rất hạn chế hành động công khai, chỉ hành động ngấm ngầm và hai bên đều tranh thủ đồng minh.

Hãy thông cảm với mẹ chồng. Nuôi một đứa con trai mấy chục năm, chăm sóc nó, nâng niu nó, nhịn ăn, nhịn mặc, nhịn cả bố nó vì nó, gầy rạc, héo mòn, chả còn hưởng thụ gì từ khi nó sinh ra đời, mọi lẽ sống dồn vào nó, thế mà đùng một cái, lúc nó lớn khôn, lúc ra làm ra tiền, ta đang cần nó nhất thì nó lao đầu vào một con bé trời ơi nào đấy...

Cơm không biết nấu, quần áo không biết giặt, tiền bạc không biết kiếm, chỉ suốt ngày ăn diện và phấn son, thế mà thằng bé cứ bỏ rơi ta, cứ chạy theo con quỷ cái này, bao nhiêu thứ ta dành cho nó nộp hết cho con quỷ.

Trước đây hễ đi làm là về nhà hỏi thăm ta, chăm sóc ta nay biến mất cùng với con nhỏ đó, ta đói, ta cô đơn cũng chả hỏi lấy một câu. Thế thì làm sao chịu nổi? Thế thì sống làm gì nữa.

Tóm lại, bất cứ ai, nếu có dịp nghe mẹ chồng kể lể, đều thấy thương bà, đều thấy bà đã quá nhẫn nhịn, đã quá chịu đựng, chỉ có cô con dâu là không biết điều, là tai quái.

Nhưng hãy thông cảm với hoàn cảnh của con dâu: Cả cuộc đời lớn lên trong sự yêu thương, nuông chiều của cha mẹ, chả phải làm việc nặng nhọc gì, tự nhiên đâm đầu vào một gia đình lạ hoắc, bị xét nét từ ăn ở đến đi đứng, bị bắt bẻ từ cái áo tới cái quần, ai mà chịu nổi.

Để mang lại hòa bình cho thế giới, cách duy nhất là con dâu và mẹ chồng xa nhau ra, cố gắng ở riêng, đấy mới là giải phóng triệt để!"

Theo Thoidai.com.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Giáo viên Trường Tiểu học Lê Đình Chinh với sáng kiến tổ chức cho học sinh viết thư “điều con muốn nói” gửi đến ba, mẹ trong buổi họp sơ kết học kỳ I năm học 2023 - 2024. Ảnh: PV

Chống 'sốc' cho giáo viên trẻ

GD&TĐ - Không chỉ gặp khó khăn về phương pháp sư phạm, nhiều giáo viên trẻ còn hạn chế trong kỹ năng quản lý lớp học, tương tác với phụ huynh, học sinh…