Đánh thức trái tim của học sinh

Một vài đồng nghiệp của tôi nhận xét rằng học sinh bây giờ không còn biết thương cha thương mẹ, các em không còn quan tâm đến ai ngoài bản thân. Tôi không tin như vậy.

Minh họa: Nguyễn Ngọc Thuận
Minh họa: Nguyễn Ngọc Thuận

Nhân có tiết ngoại khóa môn giáo dục công dân, tôi quyết định làm một cuộc khảo sát nhỏ ở bốn lớp mình dạy.

Bắt đầu giờ học, tôi thông báo đến các em rằng tiết này các em không phải làm việc nhiều, chủ yếu là nghe thôi. Các em rất vui vì thường cho rằng giờ học bộ môn là nghe “giảng đạo”.

Tôi chầm chậm đọc cho các em một lá thư của cha mẹ già gửi con - lá thư từng làm xôn xao cộng đồng mạng cách đây ba năm. Vừa đọc, tôi vừa chú ý quan sát các em.

Sau giây phút ban đầu có chút ồn ào, lớp dần yên lặng. Những đoạn cao trào, tôi cố ý đọc thật chậm và cố gắng diễn cảm như mình đang tâm tình với các em.

Một vài em rồi càng lúc càng nhiều hơn những tiếng sụt sịt, những đôi mắt đỏ hoe khi tôi thay lời cha mẹ mà nhắn gửi tới các em những lời cuối cùng trước khi chia tay cuộc sống.

Không gian lớp như chùng xuống, chỉ còn nghe giọng đọc của tôi. Đến những dòng cuối cùng, gần như tất cả các em đều xúc động không nói nên lời.

Không để mất thời gian, tôi yêu cầu các em lắng nghe bài hát Mẹ yêu con của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý. Tôi chỉnh cho âm thanh vừa đủ nghe trong lớp.

Mặc dù ngày thường các em không có dịp và cũng chưa thích lắm những bài hát mang âm điệu dân ca, nhưng hôm nay cả lớp có sự tập trung cao độ. Tôi biết các em đã cảm được bài hát, không phải chỉ ca từ mà còn là giai điệu.

Các em chưa hết xúc động, tôi chuyển sang bài hát Ơn nghĩa sinh thành. Lời bài hát rõ ràng, tiết tấu khoan thai như một lần nữa nhắc các em về công ơn của cha mẹ và trách nhiệm của người làm con.

Lời bài hát như những câu ca dao đã được mẹ ru từ thuở ấu thơ, giờ đây đánh thức trái tim các em, nhắc các em học hành, phấn đấu thành người cho xứng đáng công lao của cha mẹ.

Tiếp theo, tôi đề nghị các em hãy viết suy nghĩ về mẹ và nộp cho tôi sau 15 phút. Khác với trước đây,này các em lần viết thật nhanh, có em vừa viết vừa lau nước mắt. Tiết học kết thúc, tôi thu bài và về phòng giáo viên đọc thử vài bài.

Tôi đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Học sinh của tôi đâu phải là người vô tâm. Các em chứa chan tình cảm lắm chứ.

Có em nữ luôn tỏ vẻ ngổ ngáo nhưng bài viết cho thấy em rất yếu đuối: “Mẹ có biết cứ mỗi đêm nước mắt con trào ra.

Con có mẹ nhưng không được gần mẹ. Vui buồn con biết nói với ai? Con không cần tiền mẹ gửi về. Con cần có mẹ”.

Thì ra do bận làm ăn, mẹ của em phải sang tận Campuchia, gửi em cho dì nuôi. Mỗi khi họp phụ huynh, dì đi thay. Tôi phật ý đã la em mấy lần. Thật là oan cho em!

Rồi có bài thể hiện sự hối hận của một học sinh vì từ trước đến giờ em luôn oán giận mẹ do hay la rầy em, hôm nay em hiểu được tất cả là sự quan tâm thương yêu của mẹ dành cho mình.

Có em ước sao mau lớn để lao động có tiền giúp mẹ đỡ phải nhọc nhằn. Có em giản dị, chân thành mong mẹ sống lâu cùng em, nâng bước cho em vào đời.

Rồi cũng có em viết lời xin lỗi gửi đến mẹ vì đã phụ lòng mẹ lo lắng bấy lâu, mải vui chơi, lắm khi còn đòi hỏi nhiều điều vô lý khác, thậm chí không còn nhớ đạo làm con...

Tôi nhận thấy các em thật dễ thương. Các em đã bày tỏ chân tình lòng mình với mẹ. Các em đã nhận ra lỗi lầm và hứa sửa chữa. Các em vẫn còn điểm sáng trong lòng là biết thương yêu mẹ.

Tôi tin các em sẽ bên mẹ trong những ngày lao động vất vả ở quê nhà, tôi tin các em sẽ ôm chặt lấy mẹ sau giờ học hôm nay vì đã nhận ra hạnh phúc là còn có mẹ.

Các lớp tôi dạy sau đó kết quả cũng vậy. Tràn ngập tình yêu và tất cả yêu thương dành cho mẹ. Tôi quyết định sẽ gửi các bài viết ấy đến cha mẹ các em.

Tôi tin cha mẹ các em sẽ vui mừng khi nhận được những lời từ trái tim con mình. Các bậc phụ huynh sẽ hợp tác chặt chẽ hơn nữa với nhà trường trong giáo dục các em. Món quà 8/3 năm nay sẽ là một bất ngờ đầy thú vị cho cha mẹ các em.

Theo tuoitre

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.