Đến dự có các đồng chí: Nguyễn Xuân Phúc – Thủ tướng Chính phủ; Nguyễn Đức Hải – Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Quốc hội, lãnh đạo các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài Chính, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du Lịch, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Giao thông - Vận tải, cùng hơn 800 đại biểu đến từ các tổ chức quốc tế, các địa phương vùng duyên hải miền Trung, các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài.
Quảng Nam là một trong 5 tỉnh thuộc Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung theo Quyết định 1874/QĐ-TTg ngày 13/10/2014 của Thủ tướng Chính phủ;có diện tích lớn, dân số đông, có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú và vị trí địa lý thuận lợi để kết nối các tỉnh, thành phố khác của Việt Nam cũng như trong khu vực và trên thế giới. Quảng Nam có nhiều danh lam thắng cảnh, có nền văn hóa đa dạng, có nguồn lao động cần cù, chịu khó…
Đặc biệt, Quảng Nam có Khu kinh tế mở Chu Lai - khu kinh tế ven biển đầu tiên của Việt Nam, hoạt động đa ngành, đa lĩnh vực; có Khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc là một trong những khu công nghiệp thành công nhất miền Trung Việt Nam.
Những tiềm năng, thế mạnh hiện có về vị trí địa kinh tế đang tạo cho Quảng Nam một nền tảng vững chắc, thuận lợi để tăng cường mở rộng giao lưu, hợp tác kinh tế trong nước và liên kết, hội nhập với các nước trong khu vực và quốc tế. Quảng Nam cũng là một trong những địa phương tích cực cải cách hành chính, tạo môi trường thuận lợi cho thu hút đầu tư, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2015, 2016 đứng trong Top 10 của cả nước và đứng thứ 2 khu vực miền Trung – Tây Nguyên (sau thành phố Đà Nẵng).
Sau 20 năm nỗ lực kể từ khi chia tách khỏi tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng, đến nay tỉnh Quảng Nam đã có những bước phát triển vượt bậc, từ một tỉnh thuần nông, nghèo nhất nhì cả nước đã trở thành một tỉnh công nghiệp khá, nông nghiệp chỉ còn chiếm gần 12% trong cơ cấu kinh tế, tự chủ ngân sách và đóng góp 10% về Trung ương.
Toàn cảnh hội nghị |
Để khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh của tỉnh Quảng Nam, phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc kêu gọi các nhà đầu tư tiềm năng đến với tỉnh Quảng Nam và Việt Nam. Theo đó, tỉnh Quảng Nam cần có những doanh nghiệp lớn làm trụ cột vững chắc cho nền kinh tế Quảng Nam, để tạo động lực tăng trưởng, giải quyết việc làm, nâng cao nguồn thu ngân sách, cung cấp phúc lợi cho người dân. Chính vì vậy, Quảng Nam cần chú trọng phát triển các nghành như: công nghiệp, lâm sản, chế biến dược liệu, du lịch, công nghệ thông tin, nông nghiệp hữu cơ.
Khẳng định vai trò đóng góp trực tiếp của các nhà đầu tư, doanh nghiệp vào sự phát triển của nền kinh tế, thay mặt Đảng, Nhà nước và Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cam kết với các nhà đầu tư, doanh nghiệp sẽ giữ ổn định kinh tế vĩ mô; giữ môi trường hòa bình, hữu nghị với tất cả các nước; có hệ thống pháp luật minh bạch để tạo môi trường kinh doanh tốt; Việt Nam cũng như tỉnh Quảng Nam cam kết đảm bảo anh ninh, trật tự tuyệt đối cho các nhà đầu tư, cùng với đó sẽ đảm bảo quyền lợi chính đáng, quyền công dân, tài sản cho các nhà đầu tư.
Chìa khóa thành công của tỉnh Quảng Nam nằm ở khả năng đánh thức tiềm năng con người, tận dụng tốt yếu tố tài nguyên, địa lý sẵn có và không gian liên kết kinh tế của các tỉnh miền Trung – Việt Nam, đặc biệt là 2 tỉnh Quảng Ngãi và TP. Đà Nẵng và cùng liên kết vững chắc, bền vững với các tỉnh Vĩnh Phúc, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh.
Là một tỉnh có diện tích lớn nhưng dân cư lại sống phân tán, gây ảnh hưởng cho việc đầu tư phát triển kinh tế, chính vì vậy, tỉnh Quảng Nam cần quy hoạch, bố trí lại dân cư nhằm tặng hiệu quả đầu tư, phát triển kinh tế hạ tầng, hiệu quả cung cấp dịch vụ công….Muốn thực hiện những vấn đề đó, tỉnh Quảng Nam cần có sự quy hoạch tổng thế, có tầm nhìn xa, phát triển kinh tế hạ tầng, tăng cường liên kết vùng với các địa phương. Quảng Nam không được để lao động tha hương, mà cần tạo việc làm thông qua đầu tư, đào tạo nghề cho người lao động, nhất là lao động ở nông thôn.
Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Quảng Nam năm 2017 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng nhằm giới thiệu tiềm năng, thế mạnh, định hướng quy hoạch phát triển và thu hút đầu tư, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Nam trong thời kỳ mới. Theo đó, Hội nghị tập trung giới thiệu về môi trường đầu tư của tỉnh Quảng Nam, trao đổi kinh nghiệm của các doanh nghiệp đã đầu tư thành công tại Quảng Nam, chia sẻ của các nhà đầu tư mới được chấp thuận đầu tư.
Tại Hội nghị, UBND tỉnh Quảng Nam trao quyết định đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, thỏa thuận nghiên cứu đầu tư trên nhiều lĩnh vực như: sản xuất công nghiệp, phát triển đô thị, du lịch, đào tạo và nông nghiệp công nghệ cao; ký kết hợp tác chiến lược phát triển ngành công nghiệp cơ khí ô tô, công nghiệp khai thác và chế biến khí cho hơn 24 dự án với tổng vốn đăng ký hơn 15,8 tỷ USD.
Bên cạnh đó, để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn và các dịch vụ ngân hàng, đảm bảo các dự án triển khai đúng tiến độ và đạt kết quả, 6 Ngân hàng thương mại cũng đã ký kết và trao hợp đồng tài trợ tín dụng cho 10 dự án triển khai trên địa bàn tỉnh Quảng Nam với tổng nguồn vốn tài trợ trên 26 ngàn tỷ đồng.