“Đánh thức tiềm lực” và tư duy đổi mới giáo dục

GD&TĐ - Những ngày gần đây, đề thi THPT môn Ngữ văn được cộng đồng xã hội quan tâm, bàn luận nhiều đến cách ra đề, nội dung đề thi, phóng viên Báo GD&TĐ đã có cuộc trao đổi với ông Đỗ Tiến Sỹ ,Học viện Quản lý giáo dục xung quanh nội dung đề thi Ngữ văn năm nay. Ông Đỗ Tiến Sỹ cho biết

Học viện quản lý giáo dục
Học viện quản lý giáo dục

Có thể khẳng định, những năm gần đây, đề thi môn Ngữ văn đã được thay đổi rất nhiều, theo hướng tích cực, thoát khỏi những lệ thuộc khôn mẫu, khô cứng về “học gì thi đấy”, chưa có hoặc chưa dám đột phá vào những vấn đề bức xúc, cấp thiết mà cuộc sống đang diễn ra trước các thí sinh.

Tôi đánh giá cao cách ra đề thi và nội dung đề thi môn Ngữ văn năm nay. Đề thi nổi bật bởi câu hỏi về sứ mệnh đánh thức tiềm lực đất nước của mỗi cá nhân trong cuộc sống hiện nay qua đoạn thơ "Đánh thức tiềm lực", trích trong “Ánh trăng - Cát trắng - Mẹ và em” của nhà thơ Nguyễn Duy.

“Đánh thức tiềm lực” và tư duy đổi mới giáo dục ảnh 1

Đề thi đã chạm đến những cảm xúc thật sự của thí sinh về những vấn đề rất gần gũi của cuộc sống hàng ngày, gây dựng trong thí sinh về ý thức, trách nhiệm công dân trước vấn đề thực tiễn đặt ra. Có thể có ý kiến bàn thêm, bàn xa, mở rộng hơn khỏi phạm vi nội dung đề thi, cũng có những ý kiến trái chiều về độ khó, vượt khỏi giới hạn của đề thi THPT,... nhưng theo tôi, đây là một đề thi hay, kết cấu mở (yêu cầu của tư duy văn học, tư duy sáng tạo), vẫy gọi những nhận định chân thực, những đánh giá khách quan, những bàn luận, suy luận về con người và xã hội, tự nhiên và đất nước, hiện thực và ảo tưởng,... để con người có thể tránh khỏi những ngộ nhận, huyễn hoặc, hồ đồ,... và để có niềm tin, có khát vọng đánh thức, làm hồi sinh tiềm lực trong chúng ta.

PV: Với đề thi như vậy có ảnh hưởng như thế nào tới dạy học môn Ngữ văn hiện nay thưa ông?

Tôi nghĩ đề thi rất hay, gợi mở những liên tưởng ngoài văn bản, gắn kết nhận thức văn học và cuộc đời thực của thí sinh. Và, dĩ nhiên, đề thi như vậy là có ảnh hưởng tới việc dạy học môn Ngữ văn hiện nay ở nhà trường phổ thông.

Dự báo sẽ không còn cách dạy khô cứng, khiên cưỡng, tách văn chương khỏi cuộc sống thực. Học trò học văn ngoài tiêu chí đọc hiểu văn còn phải biết vận dụng, ứng xử, giải quyết những vấn đề của bản thân, của xã hội, của đất nước. Dạy học văn mà thờ ơ trước vấn đề thời sự xã hội, vô cảm với bức xúc xã hội và cả bản thân thì là thất bại. Vì văn chương là cái đẹp, mà cái đẹp chính là cuộc sống chúng ta. Tôi không đánh giá cao người dạy văn, sau mỗi giờ học chỉ chuyên chú hoàn thành giáo án mà bài học không là nguồn cảm hứng, khát vọng, người dạy không chuyển được thông điệp văn chương tới người học, để người học suy ngẫm và biết tự “đánh thức” mình. Nên rất cần cách mạng thực sự trong phương pháp dạy học văn hiện nay ở trường phổ thông.

PV: Vậy “đánh thức tiềm lực” ở đây có phải chính là thông điệp đổi mới tư duy về giáo dục không, thưa ông?

 Chính nhà thơ Nguyễn Duy đã bàn đến việc cần phải đổi mới tư duy về đất nước về nguồn lực của xã hội, đất nước chúng ta, và trong đó tiềm lực con người là quan trọng nhất. Nhìn rộng ra, trong thời đại kỷ nguyên của khoa học công nghệ và kỹ thuật, không có quốc gia nào chỉ chăm chăm vào nguồn tài nguyên sẵn có nữa mà đều chú trọng vào tiềm lực con người, đào tạo con người, phát triển “nguồn vốn con người” (human capital). Họ đều có chiến lược quốc gia về đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, phát triển tiềm năng công dân. Và như thế, chính là chúng ta đang đề cập đến đổi mới tư duy giáo dục, giáo dục cần giải thoát khỏi những truyền thống lạc hậu, những hạn định hẹp hỏi để phát triển năng lực, tiềm lực của con người.

Ngay bản thân các trường sư phạm phải đi đầu trong cuộc đổi mới tư duy giáo dục, các nhà giáo phải là người bắt nhịp nhanh nhất với những thay đổi của xã hội để truyền cảm hứng cho học trò. Đổi mới tư duy giáo dục và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là vấn đề mang tích chất chiến lược quốc gia, chúng ta thấy Bộ GD&ĐT đã triển khai công cuộc đổi mới căn bản toàn diện giáo dục một cách cẩn trọng, bắt đầu từ tư duy giáo dục và đào tạo, tư duy về chương trình, nội dung, mục tiêu và cách làm hiệu quả.

Bài toán này cũng rất cần sự đồng vọng, cộng hưởng của nhiều lực lượng xã hội tham gia, cần một sự thay đổi nhận thức từ chính bản thân cộng đồng xã hội.

PV: Xin trân trọng cảm ơn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Các chiến binh Houthi cùng hệ thống 2K12 Kub.

Ác mộng với tiêm kích Mỹ

GD&TĐ - Lực lượng Ansar Allah (Houthi) ở Yemen tuyên bố đã bắn hạ một tiêm kích hạm F/A-18 của Hải quân Mỹ khi tham gia chiến dịch tấn công Houthi.