Dành tất cả tình thương yêu cho học trò

GD&TĐ - Cô giáo Nguyễn Thị Hương Ly, giáo viên dạy bộ môn Toán đồng thời cũng là cô giáo chủ nhiệm lớp 9E Trường THCS Lê Văn Tám, thành phố Hạ Long. Mười sáu năm gắn bó với nghề, làm công tác chủ nhiệm, quãng thời gian để lại cho cô nhiều cảm xúc nhất chính là những năm tháng làm công tác chủ nhiệm lớp có hai học sinh khuyết tật vận động: em Lê Việt Hoàng và em Phan Vũ Ngọc Diệp.

Cô giáo Nguyễn Thị Hương Ly và em Lê Việt Hoàng
Cô giáo Nguyễn Thị Hương Ly và em Lê Việt Hoàng

Với tất cả tình thương yêu

Cô Ly nhớ lại: “Năm học 2015 - 2016, được phân công chủ nhiệm lớp 6E.Ngày đầu tiên bước vào lớp cô đã không khỏi xúc động khi bắt gặp một dáng hình gầy gò, bé nhỏ với chiếc lưng gù xuống nhưng đôi mắt thì thật sáng ngời với vầng trán cao. Đó là em Lê Việt Hoàng, một cậu bé có hoàn cảnh vô cùng đặc biệt. Em đã bị liệt đôi chân từ nhỏ, không có khả năng đi lại. Ngày nắng cũng như ngày mưa, Hoàng đến trường trên đôi chân của bố. Và xót xa hơn nữa, chỉ cách một dãy bàn là cô bé Phan Vũ Ngọc Diệp với gương mặt xinh xắn dễ thương, nhưng cũng giống như Hoàng, em không thể đi lại, em mắc bệnh u ngoài màng tủy, việc ngồi cũng không dễ dàng đối với em, em phải lấy thành ghế làm điểm tựa trong mỗi tiết học”.

Làm điểm tựa cho trò

Những ngày đầu của năm học, cả hai em đều thể hiện sự rụt rè, mặc cảm trước bạn bè và hoảng sợ trước những thay đổi của môi trường xung quanh. Là học sinh khuyết tật được học tập giữa các bạn đồng trang lứa có cơ thể lành lặn, hơn ai hết các em đã hiểu được sự khác biệt và những thiệt thòi trên cơ thể nên đã tự thu mình vào cái vỏ ốc do chính các em tạo ra. Nhận biết được điều đó, cô Ly và các bạn trong lớp luôn gần gũi để động viên, chia sẻ bằng tình yêu thương vô bờ bến. Cô từng nói với các em rằng dẫu trên đường đời còn lắm khó khăn, nhưng được sinh ra trên đời đã là điều hạnh phúc. Vậy nên, hãy cố gắng sống sao cho thật ý nghĩa.

Những ngày này, đến thăm lớp 9E, Trường THCS Lê Văn Tám, TP Hạ Long, vào những giờ ra chơi, chắc hẳn bạn sẽ gặp một cảnh tượng thật xúc động. Ngồi giữa các bạn học sinh đang quây quần là một bạn nam có dáng người gầy gò, nhỏ bé, chiếc lưng gù xuống nhưng đôi mắt ánh lên vẻ thông minh và đặc biệt, bạn có một nụ cười thật tươi. Bạn nam ấy mang một cái tên bình dị như rất nhiều các bạn khác: Lê Việt Hoàng. Thế nhưng, cuộc sống của Hoàng thật đặc biệt, thật nhiều những khó khăn. Chín năm học, Hoàng vừa phải chiến đấu với căn bệnh ngày một nặng thêm vừa phải học tập, vậy mà tám năm liền Hoàng là học sinh giỏi.

Nhìn các em, cô giáo Ly hiểu rằng mình sẽ là điểm tựa vững chắc giúp các em hòa nhập với bạn bè, tiếp tục với khát vọng vươn lên, vượt qua mọi khó khăn thử thách. Rồi từng ngày đến trường, cô luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến các em. Trong mỗi buổi học cô quan tâm kèm cặp các em, hướng dẫn giải từng bài toán. Sau 4 năm gắn bó với các em, thời gian trôi qua, bệnh của các em thì ngày một nặng, nhất là đối với Hoàng. Hàng ngày em vẫn phải đến bệnh viện để luyện tập phục hồi chức năng nhằm hạn chế sự teo cơ và xẹp phổi. Cô giáo đã luôn ở bên, động viên chia sẻ, cô luôn là người đồng hành cùng với gia đình em trong những lúc khó khăn ấy.

Được sống trong vòng tay yêu thương của cô, cả hai em đều cố gắng nỗ lực chiến đấu với căn bệnh quái ác và tiến bộ mỗi ngày. Các em đã lạc quan trở lại và không ngừng say mê học tập. Cả 4 năm học em Hoàng đều đạt danh hiệu học sinh giỏi, còn em Diệp đạt danh hiệu học sinh tiên tiến.Với cô giáo Nguyễn Thị Hương Ly, cho đi chính là hạnh phúc. Bằng tấm lòng nhiệt huyết, bằng tình yêu thương của một người mẹ, cô luôn là điểm tựa để lấp đầy những vầng trăng khuyết. Cô đã thực sự là một tấm gương sáng trong sự nghiệp trồng người thiêng liêng cao cả.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.