Đánh nhau vỡ đầu chỉ vì... bãi nước bọt

Không ít những vụ tai nạn, ẩu đả bắt nguồn từ hành vi “phun nước, nhổ bọt” của người điều khiển phương tiện tham gia giao thông.

Chuyện thường ngày trên phố (Ảnh minh họa)
Chuyện thường ngày trên phố (Ảnh minh họa)

Vô tư... phun, nhổ!

Đang điều khiển xe máy biển kiểm soát 43D1-56… trên đường Trần Hưng Đạo (Sơn Trà, Đà Nẵng), anh Trần Văn Khiêm (Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà) bất ngờ giật mình, lái xe chao đảo vì dính “vật thể lạ” từ người đi đường phía trước. 

Người đàn ông trung niên, chở con nhỏ vô tư khạc nhổ nước bọt sau vài cơn ho. “Nghĩ mà thấy ghê, may mà mình tránh kịp. Định phóng lên nhắc nhở, trách móc nhưng thôi” - Anh Khiêm nói. 

Thực tế, trên các tuyến phố, chuyện “phun nước, nhổ bọt” không còn là chuyện hiếm. Theo anh Phan Văn Cảnh (quận Sơn Trà), nếu ai lái xe mà chưa gặp cảnh người khác vô tư nhổ nước bọt thì chắc là… chưa đi xe bao giờ. “Không thể ngăn cấm việc nhổ nước bọt, nhưng vấn đề là nhổ như thế nào” - Anh Cảnh nói.

Trên một diễn đàn xã hội, chuyện về “nước bọt” nóng trên các bài đăng tải. Câu chuyện thực tế của một người đăng trên diễn đàn viết: “Sáng tôi ra đường. Đang chạy bon bon thì một gã trông rất thư sinh, quay đầu sang trái rồi bỗng nhổ toẹt bãi nước bọt. Tôi đang chạy phía sau nên dính trọn “ổ vi trùng” vào đầu xe. Cảm giác không thể nào kinh tởm hơn. Có ai hay bị giống tôi không?". 

Lập tức chia sẻ này nhận được hàng loạt những bàn luận rôm rả. Một người có nickname MotorX kể thêm: Mình cũng hay “dính chưởng” cái này. Bữa nay ra đường phải quan sát cẩn thận. 

Thấy ai chạy phía trước mà tự nhiên ngó nghiêng 180 độ là phải giảm tốc độ tránh ngay. Phản ứng không kịp có khi phanh gấp rồi ngã lăn quay, hậu quả khôn lường!

Không phải ngẫu nhiên Hội những người căm ghét hành vi nhổ nước bọt khi điều khiển phương tiện giao thông lập trên facebook thu hút hàng nghìn lượt theo dõi, bình luận. 

Chuyện trở nên nghiêm trọng khi các biển số xe của “chủ nhân” bãi nước bọt được bêu lên cùng nhiều lời mắng nhiếc, thậm chí xỉ vả. Một số thành viên khác bình tĩnh hơn, nhận định: 

Không khí ngày càng ô nhiễm, những chứng bệnh như viêm họng, hô hấp... là chuyện thường. Vấn đề là phải có cách ứng xử ra sao cho đúng mực, văn minh.

Nickname Goldenax cho rằng, ai chẳng có lúc ho hắng, viêm họng trong lúc tham gia giao thông. Trước khi khạc nhổ nên nhìn trước ngó sau, giảm tốc độ trước khi thực hiện hành vi này. 

Nếu cần có thể tấp xe vào lề đường, tránh gây ảnh hưởng đến người khác. Nickname Coltplus2008 chia sẻ một cách làm hay: “Chồng mình bị viêm mũi họng kinh niên, hay nhổ vào khăn giấy để sẵn trong xe ô tô. Khi nào xuống thì bỏ thùng rác”.

Hành vi nhỏ, hiểm họa lớn

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Văn Mỹ (nghệ danh Mỹ Dũng, TP Đà Nẵng), người nhiều năm nghiên cứu về văn hóa giao thông nhận định: Hành vi vô tư khạc nhổ khi tham gia giao thông phản ánh ý thức, tầm văn hóa của người điều khiển phương tiện. 

“Văn hóa giao thông thể hiện ở những hành động nhỏ nhất như dừng đèn đỏ, không phóng nhanh, vượt ẩu... và cả khạc nhổ khi lái xe. Đã đến lúc đẩy hành vi này lên thành vấn nạn, bởi nó ảnh hưởng đến cái nhìn của người nước ngoài khi sinh sống hay du lịch tại Việt Nam. Đó là hành vi thiếu văn hóa nghiêm trọng".

Đồng quan điểm, ông Bùi Văn Tiếng - Chủ tịch Liên hiệp hội Văn học nghệ thuật kiêm Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Đà Nẵng - cho rằng, nên làm quyết liệt và xử lý nghiêm hành vi không đẹp này. 

Cần đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục ngay từ trường lớp, từ mẫu giáo đến phổ thông. Lồng ghép trong các buổi nói chuyện về ATGT dưới cờ, xây dựng ý thức không khạc nhổ bừa bãi từ trường học ra đến đường phố. Giúp thế hệ trẻ hiểu rằng, khạc nhổ khi lái xe là hành vi đáng xấu hổ, đáng lên án…

Theo TS.BS Trần Bá Thoại - Trưởng khoa Điều trị Quốc tế (Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Nẵng), Ủy viên BCH Hội Nội tiết Việt Nam, việc người tham gia giao thông vô ý nhổ nước bọt vào người đồng hành mới nhìn có vẻ là chuyện nhỏ, nhưng cũng có thể là mầm mống những tai họa. 

Một là, lây bệnh truyền nhiễm, bệnh hô hấp, tiêu hóa nhanh ra cộng đồng. Hai là, có thể xảy ra TNGT. Đang chạy xe đột ngột phải ngoặt, né tránh bãi nước bọt bất ngờ khiến người cầm lái loạng choạng, té ngã hoặc va chạm với xe khác. Ba là, có thể xảy ra ẩu đả nếu các bên không kiềm chế. Cuối cùng, nó tạo hình ảnh xấu xí về văn hóa, văn minh của cộng đồng và cả quốc gia.

Trước nhiều ý kiến cho rằng. cần xử phạt thật nặng hành vi nhổ nước bọt làm gương, ông Nguyễn Hữu Cường - Chánh Văn phòng Ban ATGT Đà Nẵng - cho biết: “Rất khó xử phạt hành vi phản cảm này. Vấn đề là ai sẽ chịu trách nhiệm xử phạt, chế tài như thế nào cho hợp lý. Việc xử phạt chỉ là giải quyết phần ngọn. Còn phần gốc liên quan đến văn hóa, nhân cách con người...”.

Bi - hài nước bọt

Bãi nước bọt phun ra thường lẫn thêm đờm dãi. Đây là hỗn hợp gồm những chất nhầy do các tế bào biểu mô hô hấp chế tiết ra trộn lẫn với mũ nhầy, xác chết vi khuẩn và bụi bẩn đường hô hấp. Nước bọt chứa đầy rẫy vi trùng, siêu vi... nên là một vector lan truyền những bệnh lao, cúm, ho gà, sởi, rubella... nhanh chóng trong cộng đồng.

Không riêng giao thông, nhổ nước bọt dẫn đến nhiều chuyện bi - hài ngoài xã hội. Đã có những vụ gây gổ, ẩu đả, thậm chí đâm chém giết hại lẫn nhau chỉ vì một “bãi nước bọt” sử dụng không đúng lúc!!

!

TS. BS Trần Bá Thoại

Theo atgt.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Cuộc chiến' chủ quyền

GD&TĐ - Dẫn nguồn thạo tin, truyền thông Canada cho hay, nước này có thể áp đặt các biện pháp thuế đáp trả đối với hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ.

Làm sạch và khử trùng các bề mặt “thường xuyên chạm vào” xung quanh nhà. (Ảnh: ITN)

Mẹo dễ dàng làm sạch nhà trước Tết

GD&TĐ - Nghỉ Tết, bạn sẽ dành phần lớn thời gian ở nhà, vì vậy không có gì quan trọng hơn việc bắt đầu làm sạch kỹ càng không gian sống của mình.

Lễ cúng rừng Nà Hẩu vừa được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

Độc đáo 'Tết rừng' Nà Hẩu

GD&TĐ - Lễ cúng rừng của người Mông xã Nà Hẩu (huyện Văn Yên, Yên Bái) được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.