Đánh người tại trụ sở Công an, Đường Nhuệ hầu tòa

GD&TĐ - Nhận “cáp” vụ đòi nợ thuê số tiền 310 triệu đồng, Đường Nhuệ và đàn em đã xuống tay hành hung 2 người dân ngay tại trụ sở công an phường. Với tội danh này, Đường Nhuệ đã bị TAND TP Thái Bình mở phiên xét xử vụ án Cố ý gây thương tích.

Đánh người tại trụ sở Công an, Đường Nhuệ hầu tòa

Sáng 18/8, Tòa án Nhân dân TP.Thái Bình đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án “Cố ý gây thương tích” xảy ra ngày 18/11/2014 tại trụ sở Công an phường Trần Lãm, TP.Thái Bình, tỉnh Thái Bình.

Bị cáo trong phiên xét xử là Nguyễn Xuân Đường (tức Đường Nhuệ, SN 1971 trú tại số nhà 366, đường Lê Quý Đôn, phường Kỳ Bá, TP Thái Bình, hiện đang bị tạm giam tại Trại tạm giam Công an tỉnh Thái Bình).

Bị hại trong vụ án này là anh Mai Thế Duy (SN 1988, trú tại phường Trần Lãm, TP.Thái Bình).

Cáo trạng của VKSND cùng cấp xác định, bà Nguyễn Thị Thanh Giang (sinh năm 1980, ở nhà 11, ngõ 49, đường Nguyễn Khoái, phường Bạch Đằng, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) đến gặp bà Đinh Thị Lý (SN 1964, ngụ số nhà 37, ngõ 65/32, đường Đỗ Đức Dục, Mễ Trì Hạ, Nam Từ Liêm, Hà Nội) để nhờ xin việc cho cháu vào làm ở Cục Hải quan TP.Hà Nội.

Muốn cho mọi việc thuận lợi, bà Giang đã đưa cho bà Lý số tiền 310 triệu đồng. Sau một thời gian không thấy có kết quả, bà Giang nhiều lần đến tìm bà Lý nhưng không gặp.

Biết bà Lý còn có nhà khác ở phường Trần Lãm, TP.Thái Bình, qua các mối quan hệ xã hội, bà Giang nhờ Đường Nhuệ tìm bà Lý. Sau đó, bà Giang đến nhà bà Lý rồi cùng bà Lý, anh Mai Thế Duy (con trai bà Lý), anh Nguyễn Xuân Bình (44 tuổi, anh vợ Đường Nhuệ) lên trụ sở Công an phường Trần Lãm để giải quyết vụ việc. 

Chiếc xe đưa Nguyễn Xuân Đường đến TAND TP Thái Bình. Ảnh Dantri
Chiếc xe đưa Nguyễn Xuân Đường đến TAND TP Thái Bình. Ảnh Dantri 

Sáng 18/11/2014 tại phòng tiếp dân của trụ sở Công an phường Trần Lãm, giữa Đường Nhuệ và bà Lý đã xảy ra cãi lộn. Thấy Đường Nhuệ dùng tay phải quàng qua cổ mẹ mình, anh Duy vội can ngăn thì bị Đường dùng tay trái đánh vào vùng mặt bên phải của anh Duy.

Hậu quả của cú đánh này làm anh Duy bị gẫy xương hàm dưới bên phải. Kết quả giám định vết thương của anh Duy có tỷ lệ thương tật là 15% ảnh hưởng tới sức khỏe.

Đến ngày 5/1/2015, Công an TP.Thái Bình đã thực hiện quyết định khởi tố vụ án Cố ý gây thương tích. Tuy nhiên 7 tháng sau vụ án này đã “chìm xuống”!?

Tiếp đó, đến 14/4/2020, Cơ quan CSĐT Công an TP.Thái Bình ra Quyết định phục hồi điều tra vụ án trên và ngày 21/4/2020, cơ quan này đã ra Quyết định khởi tố bị can đối với Nguyễn Xuân Đường để điều tra hành vi có dấu hiệu phạm tội “Cố ý gây thương tích” theo quy định tại Khoản 2, Điều 104, Bộ luật Hình sự.

Được biết, vụ án Cố ý gây thương tích nói trên phải đến gần đây mới được làm sáng tỏ là vì một nhân chứng trong vụ án đã thừa nhận với cơ quan điều tra về việc có những lời khai không đúng sự thật.

Điều 104 Bộ luật hình sự quy định về Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác như sau:

“1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm:

a) Dùng hung khí nguy hiểm hoặc dùng thủ đoạn gây nguy hại cho nhiều người;

b) Gây cố tật nhẹ cho nạn nhân;

c) Phạm tội nhiều lần đối với cùng một người hoặc đối với nhiều người;

d) Đối với trẻ em, phụ nữ đang có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;

đ) Đối với ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình;

e) Có tổ chức;

g) Trong thời gian đang bị tạm giữ, tạm giam hoặc đang bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục;

h) Thuê gây thương tích hoặc gây thương tích thuê;

i) Có tính chất côn đồ hoặc tái phạm nguy hiểm;

k) Để cản trở người thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân.

2. Phạm tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60% hoặc từ 11% đến 30%, nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.

3. Phạm tội gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên hoặc dẫn đến chết người hoặc từ 31% đến 60%, nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ năm năm đến mười lăm năm.

4. Phạm tội dẫn đến chết nhiều người hoặc trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng khác, thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

 Nga có nhiều cách để trả đũa phương Tây nếu bị tịch thu tài sản.

Đòn đáp trả Mỹ tịch thu tài sản?

GD&TĐ - Biện pháp đáp trả của Nga có thể không so sánh bằng với việc tịch thu tài sản mà phương Tây áp đặt nhưng vẫn có thể gây ra nỗi đau.