Danh mục thống kê ngành đào tạo trình độ đại học - "kim chỉ nam" cho các cơ sở đào tạo

GD&TĐ - Bộ GD&ĐT đang xây dựng dự thảo Thông tư quy định Danh mục thống kê ngành đào tạo các trình độ của giáo dục đại học, dự kiến sẽ ban hành trong tháng 12/2021.

Sinh viên Trường ĐH Bách khoa Hà Nội. Ảnh: NTCC.
Sinh viên Trường ĐH Bách khoa Hà Nội. Ảnh: NTCC.

Lãnh đạo Vụ Giáo dục Đại học – cho biết: Dự thảo này xuất phát từ việc quy định phải phù hợp với Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (“ban hành Danh mục thống kê ngành đào tạo của giáo dục đại học” điểm b, Khoản 2, Điều 68, Luật số 34).

Sự thay đổi này dẫn đến việc cần thiết xây dựng lại và ban hành mới hàng loạt văn bản dưới Luật, trong đó có Danh mục giáo dục, đào tạo cấp IV ở các trình độ của giáo dục đại học.

Dự thảo được xây dựng có tính kế thừa các ngành đã có trong hai thông tư về Danh mục giáo dục đào tạo cấp IV trình độ đại học (Thông tư 24/2017/TT-BGDĐT ngày 10/10/2017) và Danh mục giáo dục đào tạo cấp IV trình độ thạc sĩ, tiến sĩ (Thông tư 25/2017/TT-BGDĐT ngày 10/10/2021) và phát triển thêm các quy định chặt chẽ hơn cho việc bổ sung các ngành mới, ngành đề nghị đổi tên, ngành đề nghị sửa mã số vào Danh mục.

Hai danh mục giáo dục, đào tạo cấp IV được xây dựng trên cơ sở quy định tại Quyết định số 01/2017/QĐ-TTg ngày 17/1/2017 của Thủ tướng Chính phủ, theo đó các ngành đào tạo được mã hoá theo trình độ đào tạo (mã cấp I), lĩnh vực đào tạo (mã cấp II), nhóm ngành đào tạo (mã cấp III) và ngành đào tạo (mã cấp IV).

Mã cấp I đến cấp III do Thủ tướng Chính phủ quy định. Cơ quan quản lý Nhà nước (Bộ GD&ĐT và Bộ trưởng Bộ LĐ,TB&XH) quy định đến mã cấp IV. Mã cấp V do các cơ sở giáo dục đại học phát triển và quản lý.

Nếu như trước đây, hai Thông tư 24 và 25 chỉ là sự liệt kê các ngành, thì với Thông tư quy định Danh mục thống kê ngành đào tạo các trình độ của giáo dục đại học ban hành sắp tới là cơ sở để các cơ sở đào tạo soi chiếu vào làm kim chỉ nam trong việc phân loại, thống kê, phát triển các ngành và chương trình đào tạo trong giáo dục đại học,

Đồng thời là căn cứ để xây dựng và thực hiện các quy định về mở ngành, tuyển sinh, liên thông trong đào tạo, công nhận văn bằng trong giáo dục đại học và là căn cứ để xây dựng chuẩn chương trình đào tạo trong giáo dục đại học.

Theo Vụ Giáo dục Đại học, hằng năm trên cơ sở đề nghị của các cơ sở đào tạo, căn cứ theo các điểm của Thông tư quy định, Bộ GD&ĐT sẽ cập nhật các ngành mới, ngành đổi tên, sửa mã số vào Danh mục thống kê.

Đây là điểm mới linh hoạt quan trọng để các cơ sở đào tạo có nguyên tắc, tiêu chí về bổ sung, chỉnh sửa các ngành trong Danh mục thống kê. Để đáp ứng cho sự phát triển ngành nghề trong bối cảnh các cơ sở giáo dục đại học tự chủ đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực cho nhiều thành phần kinh tế nhưng vẫn đảm bảo sự điều tiết vĩ mô và quản lý Nhà nước.

Việc tổ chức thực hiện của Thông tư ban hành lần này đã có những bước đổi mới quan trọng, theo hướng tăng cường tự chủ, công khai, khuyến khích tính chủ động, năng động, sáng tạo của các cơ sở giáo dục.

Tuy nhiên, để quy định này trở thành hiện thực, các cơ sở đào tạo cần tham gia đóng góp ý kiến để việc áp dụng Thông tư này khả thi, đảm bảo chất lượng, hiệu quả trong tổ chức đào tạo các trình độ của giáo dục đại học tại mỗi cơ sở đào tạo.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ