Danh hương La Khê: Văn có Tiến sĩ, võ có Quận công

GD&TĐ - Vùng đất văn hiến Mỗ - La - Canh - Cót luôn ẩn chứa những vết tích văn hoá nổi bật, đặc biệt trong thi cử khoa danh.

Bia Bà là nơi cầu lộc nổi tiếng của người Hà Nội mỗi dịp lễ tết.
Bia Bà là nơi cầu lộc nổi tiếng của người Hà Nội mỗi dịp lễ tết.

Thuộc vùng đất “tứ danh hương – nhất Mỗ, nhì La”, làng La Khê (phường La Khê, Hà Đông, Hà Nội) nổi tiếng với câu nói xưa: “Văn có Tiến sĩ - võ có Quận công”, “trai làng là Lang trung, gái làng có hoàng hậu”.

Vùng đất văn hiến Mỗ - La - Canh - Cót luôn ẩn chứa những vết tích văn hoá nổi bật, đặc biệt trong thi cử khoa danh. La Khê cũng vậy, không chỉ có những nhà khoa bảng nổi tiếng, ghi danh sử sách mà còn có những võ tướng lừng danh, có cả vị hoàng hậu hiền dịu triều Mạc. Những dấu xưa ấy nay vẫn hiển hiện trong những bia đá, đình đền - như lời nhắc nhở của tiền nhân cho hậu thế biết về một thời đã qua của vùng đất lịch sử này.

Làng dệt the trai tài - gái sắc

Theo sử địa chí, La Khê là một vùng đất cổ thuộc nước Văn Lang xưa, được thành lập từ thế kỷ 11 và có tên làng từ thế kỷ 14. La Khê tên cũ là La Ninh đến năm Tân Mùi (1591) đời vua Mạc Mục Tông đổi là Hồng Ninh nên La Ninh đổi thành La Khê. Như vậy địa danh La Khê đã có cách ngày nay 434 năm.

La Khê từ thời Lý, Trần thuộc về đạo Quốc Oai, thời Hồ Quý Ly thuộc lộ Đại La. Đến năm Quang Thuận thứ 10, La Khê thuộc Thừa Tuyên Sơn Tây. Thời thuộc Minh, La Khê thuộc phủ Giao Châu; thời Lê thuộc huyện Từ Liêm và phủ Phụng Thiên; thời Nguyễn thuộc phủ Hoài Đức và đến thời vua Duy Tân thuộc huyện Từ Liêm, tỉnh Hà Đông.

danh-huong-la-khe-van-co-tien-si-vo-co-quan-cong-4.jpg
Thác bản văn bia đề danh Tiến sĩ khoa Kỷ Sửu (1769) - Ngô Duy Viên đỗ Tiến sĩ.

Như vậy từ năm 1831, La Khê thuộc huyện Từ Liêm, tỉnh Hà Nội. Năm Mậu Thân (1908) đời vua Duy Tân thứ 2, La Khê thuộc tỉnh Hà Đông. Năm Canh Thân (1920) đời vua Khải Định thứ 5, La Khê được chia thành La Khê Đông, Tây, Nam, Bắc. Bốn xã La Khê này tồn tại cho đến Cách mạng tháng 8/1945 thì sáp nhập thành một xã La Khê.

La Khê nổi tiếng với nghề dệt lụa lâu đời với các sản phẩm the, sa, vân, địa, quế, gấm có chất liệu mát, mỏng, nhẹ, bền và hoa văn tinh xảo. Các sản phẩm của La Khê từng được các vua chúa và quan lại triều đình phong kiến yêu thích và chọn lựa làm cống phẩm dâng vua.

Các làng La xưa đều có thể dệt được lụa nhưng thứ bậc về chất lượng các sản phẩm thì dân gian đã xếp hạng “the La, lụa Vạn, vải Canh”, để nói rằng the không đâu đẹp bằng La Khê, lụa không đâu tinh tế bằng Vạn Phúc và vải sợi bông không đâu dệt chắc như ở làng Canh (nay là Canh Diễn).

Bí quyết dệt the của La Khê là ở một bộ phận trên khung cửi gọi là go võng, chính bộ phận này giúp the La Khê vặn xoắn được các sợi dọc, tạo ra các lỗ thưa giữa các sợi ngang làm mặt vải thoáng, hoa văn sinh động, mặc mát nhưng khi may không bị co ngót, xô lệch hay dạt vải.

Nghề dệt the ở La Khê đạt đến độ tinh xảo trên là nhờ có công truyền dạy của 10 vị thánh sư người Trung Quốc đến từ vùng Lưỡng Quảng từ thế kỷ 17. Tuy nhiên, trải qua thăng trầm và biến động lịch sử cùng sự tác động của thị trường nên nghề dệt the ở La Khê cũng dần mai một.

Địa danh La Khê là một trong những làng “tứ quý danh hương”, còn được dân gian lưu truyền trong câu ca “nhất Mỗ, nhì La, thứ ba Canh, Cót”. Ở vùng đất này, từ xa xưa đã được tạo dựng bởi các dòng họ: Ngô, Trần. Trong đó, họ Ngô La Khê là dòng họ tiêu biểu có nhiều người con có công với quê hương, đất nước.

Theo tộc phả họ Ngô Việt Nam do Hán quốc công Ngô Lan biên soạn năm 1477 thì tiên tổ họ Ngô Việt Nam là cụ Ngô Nhật Đại. Cũng theo quyển phả đầu tiên và duy nhất của cụ nghè Thêm Đô, thì cụ thủy tổ đặt nền móng cho họ Ngô La Khê là cụ Phúc Nghiễm vào thế kỷ 16.

Bên cạnh đó là họ Trần La Khê cũng là một dòng họ tiêu biểu sinh ra hai vị Dũng quận công Trần Chân và Đông cung hoàng hậu Trần Thị Hiền - vợ vua Mạc Đăng Doanh (1527). Không những vậy, La Khê cũng sớm nổi danh là đất học, đất khoa bảng - xứng với danh xưng “tứ danh hương” với 4 người đỗ Tiến sĩ.

Chính vì những lý do đó mà người dân làng La Khê từ xa xưa vẫn tự hào “văn có Tiến sĩ, võ có Quận công”, “trai làng là Lang trung, gái làng có vương phi, hoàng hậu”.

danh-huong-la-khe-van-co-tien-si-vo-co-quan-cong-5.jpg
Nhà thờ Dũng quận công Trần Chân (phụ thân Đức thánh bà Trần Thị Hiền).

Văn võ song toàn

Thời kỳ phong kiến, vùng đất Hà Đông có 29 vị đỗ Tiến sĩ, trong đó phường Kiến Hưng có 8 vị; phường Dương Nội có 7 vị; phường La Khê có 4 vị; Đồng Mai và Yên Nghĩa mỗi phường có 3 vị, Phú Lương và Hà Cầu mỗi phường có 2 vị. La Khê trở thành vùng đất địa linh tiêu biểu cho truyền thống hiếu học của vùng đất Hà Đông xưa với các vị danh nhân, như: Nguyễn Duy Nghi (1766), Ngô Duy Viên (1769), Trần Chân, danh y Nguyễn Tuân… 29 người đỗ Cử nhân và 52 người đỗ Tú tài.

Tiến sĩ Ngô Duy Viên đỗ Tiến sĩ khoa Kỷ Sửu (1769) đời Lê Hiển Tông, làm quan đến chức Đô cấp sự trung, Nhập Bồi tụng sau thăng Hàn lâm viện thị giảng. Khi Trịnh Bồng lên ngôi, ông lại được làm Bồi tụng, thự Lễ bộ Hữu thị lang, tước Cảo Phong bá. Trong văn bia đề danh Tiến sĩ khoa Kỷ Sửu (1769), tên Tiến sĩ Ngô Duy Viên đứng thứ 8 trong số 9 vị đại khoa được chọn. Kỳ thi này, danh nho Bùi Huy Bích (người xã Định Công, huyện Thanh Trì, trú quán xã Thịnh Liệt, Nho sinh trúng thức) đỗ đầu với danh vị Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân.

Theo gia phả và nguồn chú thích văn bia của Viện Nghiên cứu Hán Nôm, thì Ngô Duy Viên - sau đổi tên là Ngô Trọng Khuê. Trong suốt cuộc đời làm quan của mình, ông luôn giữ thái độ khoan hoà, liêm khiết, đem lòng chân thành cảm hóa mọi người. Ngày Tây Sơn ra Thăng Long kêu gọi cựu thần nhà Lê ra giúp, Ngô Thì Nhậm đến nhà rủ Ngô Duy Viên ra làm quan, nhưng ông bỏ đi Hương Tích lánh ẩn gần 1 năm.

Con trai ông là Ngô Duệ đỗ Giải nguyên, không chịu ra làm quan với Tây Sơn, bị giữ lại ở Thăng Long, ông có bài thơ khuyên Ngô Duệ, Ngô Duệ theo lời khuyên, chịu ra nhận chức Tri huyện.

Bài thơ được dịch như sau:

Danh lợi xưa nay mây nổi trôi

Cuộc đời chi nữa đã xong rồi

Bảng vàng năm trước đây là khách

Thềm ngọc ngày nay lọ phải ngươi

Giúp nước đau lòng lòng lữ khách

Vì nhà tạm bước bước quan giai

Tri âm mấy kẻ ai mà rõ

Hiếu tử trung thần vẹn cả hai.

Nối dõi tấm gương của cha, các con ông đều đỗ đạt cao, tiêu biểu là người con trai Ngô Duệ được phong làm Tri huyện. Con trai thứ năm là Ngô Trọng Siêu làm quan đến chức Cấp sự trung trong triều Tây Sơn.

Ngô Duy Trưng - em Tiến sĩ Ngô Duy Viên, 35 tuổi đỗ Đệ tam giáp Đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Ất Mùi niên hiệu Cảnh Hưng thứ 36 (1775) đời vua Lê Hiển Tông. Ông làm quan đến chức Binh khoa Đô Cấp sự trung; thời Trịnh Khải, ông làm Giám sát Ngự sử Sơn Nam. Đầu triều Lê Chiêu Thống, ông được thăng Hàn lâm viện Đãi chế. Thời Tây Sơn, ông bỏ quan về nhà, sau vì bệnh rồi mất.

Tiến sĩ Nguyễn Duy Nghi (tức Nguyễn Duy Trung) đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ năm Bính Tuất (1766), triều nhà Lê. Khoa thi này, triều đình lấy đỗ 11 người, Ngô Thì Sĩ đỗ đầu, Nguyễn Duy Trung đứng thứ ba hàng Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân. Ông giữ các chức quan, như Thị độc, Thiêm sai Tri lễ phiên, Phủ doãn phủ Phụng Thiên, Đông các Đại học sĩ.

Tiến sĩ Lê Đăng Cử, đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ năm Kỷ Hợi (1779), triều nhà Lê. Theo văn bia đề danh Tiến sĩ, khoa thi này Lê Huy Trâm và Phạm Nguyễn Du đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân, Phạm Quý Thích đứng đầu hàng Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân, Lê Đăng Cử tên đứng thứ 7 trong hàng đệ tam. Sau ông làm quan đến chức Đông các hiệu thư, Đốc đồng Thái Nguyên.

Thời Hậu Lê, vùng đất La Khê còn có bậc danh y Nguyễn Tuân, làm ở Thái y viện, được phong làm Hoằng Tín đại phu. Ông còn có công đào tạo nhiều lương y giỏi cho đất nước. Đặc biệt, La Khê nổi danh với tên tuổi Trần Chân - người đóng vai trò quan trọng trong việc đánh bại cuộc nổi dậy của Trần Cảo, giúp vua Lê Chiêu Tông khôi phục và giữ vững Đông Kinh.

Theo “Đại Việt thông sử”, Trần Chân là con nuôi của Nguyên quận công Trịnh Duy Sản. Ông theo Trịnh Duy Sản đánh trận lập công, được phong chức Thiết Sơn bá. Bấy giờ triều chính rối ren, Lê Tương Dực bức vua Lê Uy Mục tự tử rồi chiếm ngôi. Vua mới lên ngôi đã ăn chơi xa xỉ, hoang dâm vô độ, thường cưỡi thuyền chiến đi chơi Hồ Tây, bắt phụ nữ bơi chèo để mua vui.

Trước nghịch cảnh đó, Trần Chân tham gia cuộc đảo chính cùng Trịnh Duy Sản, Nguyễn Hoàng Dụ lấy lại kỷ cương phép nước cho nhà Lê. Chính vì uy thế của Trần Chân với triều đình nên Mạc Đăng Dung mới xin kết làm thông gia.

Năm 1516 hai cha con Trần Chân đã bị những lời sàm tấu bọn nịnh thần và bị giết hại. Thi hài sau đó được đưa về an táng ở Phúc Khê tự (chùa Ngòi). Mấy năm sau hai cha con được minh oan và được truy phong là Dũng quận công (Trần Chân), tước bá (con trai Trần Lực).

danh-huong-la-khe-van-co-tien-si-vo-co-quan-cong-2.jpg
Tấm bia cổ (Bia Bà) tại cụm di tích đình, đền La Khê.

Người con gái đoản mệnh

La Khê có một người con gái đặc biệt xinh đẹp nết na là Đông cung hoàng hậu Trần Thị Hiền (sinh năm 1511) - là con gái Dũng quận công Trần Chân. Khi mới 16 tuổi bà đã được chọn làm phi cho thái tử Mạc Đăng Doanh, sau được vua phong Đệ nhị cung phi, Đông cung hoàng hậu, giúp vua cai quản hậu cung.

Bà là người hiền đức, hay giúp đỡ người nghèo khó, hướng dẫn người dân La Khê làm ăn, phát triển nghề dệt. Tháng 5 năm Mậu Thân (1536) bà sinh hoàng tử (thứ 5 trong triều) nhưng sau đó bị bệnh hậu sản, trên đường trở về quê nghỉ dưỡng, mặc dù vẫn có ngự y theo hầu chạy chữa nhưng không qua khỏi, bà đã mất ở tuổi 28.

Sau khi bà mất, dân làng đã đặt di hài bà tại cánh đồng Đa Bang, khi ấy trời bỗng nổi mưa giông, quan binh và nhân dân quây lều màn để đấy định khi tạnh mưa sẽ ra an táng, mưa ngớt, mọi người ra tới nơi đã thấy di hài bà được mối xông, tự đùn lên thành mộ. Cánh đồng nay gọi là Hoàng Hậu.

danh-huong-la-khe-van-co-tien-si-vo-co-quan-cong-1.jpg
La Khê nổi tiếng với sản phẩm dệt the truyền thống.

Cạnh ngôi mộ bà, nhân dân khắc lên đó bài thơ khóc vợ của Mạc Đăng Doanh: “Ôi phi ơi, nàng xuống cửu tuyền, xuống nơi u nhàn tĩnh mịch, nàng là người đẹp, người cần mẫn lại lo công việc gia nội, nàng không có lỗi lầm gì đáng hưởng phú quý đến vô cùng (cực lạc). Thôi thì kẻ ở, người đi sao không buồn rầu. Cái đức tính và hạnh kiểm của nàng đáng ghi vào trinh miên muôn đời không mai một…”.

Tương truyền trước khi mất, bà đã đem hiến tất cả tiền bạc, ruộng vườn cho dân làng để khuyến khích nông tang, khuyên nhủ dân chăm chỉ làm lụng, ăn ở lương thiện. Sau khi bà mất, vua Mạc đã lấy mộ bà làm tâm để cắt đất chia cho làng cày cấy. Năm 1539, Tả thị lang bộ Lễ là Nguyễn Tiến Thanh và Hiệu lý Viện hàn lâm Bùi Hoằng đồng soạn văn bia cho lăng mộ bà.

Bia Bà trải gần bốn thế kỷ đứng giữa đồng, đến năm 1913 mới đổ do đất lún. Một người không danh tính đã sao chép văn bia, đưa vào cuốn thần phả của làng. Ít lâu sau bia được dựng như cũ. Đến những năm 1980, bia lại đổ rồi đưa về sân đình. Năm 1982 dân làng đã rước tấm bia và thần hiệu của Đức thánh Bà hoàng hậu về quần thể di tích đình làng và trang trọng xây đền để thờ phụng.

Nay bia đá đã được đưa về phía trái sân đình La Khê và xây dựng thành ngôi miếu nằm trong quần thể cụm di tích đình - chùa - Bia Bà và thu hút đông đảo du khách thập phương về dâng hương kính lễ.

Cụm di tích đình, chùa, Bia Bà La Khê là một quần thể kiến trúc các công trình tín ngưỡng, tôn giáo. Chùa La Khê (Diên Khánh tự, nghĩa là phúc lộc lâu dài) là một ngôi chùa cổ, được xây dựng từ thời Lý (khoảng thế kỷ thứ 11), tương truyền xa xưa, cảnh trí nơi đây là kỳ danh thắng địa, hổ phục, rồng chầu. Đình La Khê được khởi dựng từ thế kỷ 17 thờ hai vị thành hoàng làng là Hắc diện đại vương và Thiên Tiên Bảo Hoa công chúa. Trong cụm di tích này có đền thờ Đức thánh Bà (Bia Bà) – địa chỉ tâm linh cầu lộc, cùng với chùa Hà cầu duyên, phủ Tây Hồ cầu tài nổi tiếng của người Hà Nội.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tamiflu là thuốc kê đơn và cần phải có đơn thuốc từ bác sĩ trước khi sử dụng. Ảnh: INT

Không lạm dụng Tamiflu

GD&TĐ - Trong một số hội nhóm trên mạng xã hội, nhiều cha mẹ cũng 'mách nhau' tự mua thuốc Tamiflu về cho con uống trong trường hợp trẻ mắc cúm.