Ngọc Quan vốn có tên gọi khác là Xuân Lan, có địa thế đặc biệt, là nơi giao nhau giữa ba con sông: Sông Bùi, sông Sen và sông Cẩm Giàng. Ngã ba sông này cũng là ranh giới của 3 tỉnh Bắc Ninh, Hải Dương và Hưng Yên.
Bởi vậy, Ngọc Quan cũng được ví là nơi một con gà gáy 3 tỉnh cùng nghe. Đất thiêng sinh nhân kiệt, Ngọc Quan sớm được thiên hạ biết đến là đất học, đất khôi nguyên khoa bảng hàng đầu xứ Kinh Bắc.
Làng có 46 nhà khoa bảng
Tương truyền, trước đây, Cao Biền từng đặt chân đến Xuân Lan, và để lại câu nói: “Xuân Lan chi, thủy nhiễu, phong tàng, danh cao đương đại”. Không biết giai thoại đó có đúng sự thật hay không, nhưng phần nào chứng minh lịch sử lâu đời của ngôi làng cổ.
Vì là đất tốt nên làng Ngọc Quan được nhiều dòng họ chọn đất lập nghiệp, dòng họ Đỗ được coi là có công lập làng, sau đó có thêm các họ Vũ, Hoàng, Lê, Nguyễn, Trần… đến quần cư, tạo thành một ngôi làng trù phú, đặc sắc bậc nhất Kinh Bắc.
Ngôi đình Ngọc Quan được xem là một chứng tích lịch sử huy hoàng của làng. Tương truyền vào thế kỷ 10, vua Lê Đại Hành cầm quân đi dẹp giặc Tống, khi đi qua vùng đất này, được thần linh phù hộ nên đánh thắng giặc. Sau đó, vua đã cho phép dân làng lập miếu thờ và ban sắc phong cho thần.
Ngôi đình đầu tiên được dân làng xây dựng ở khu vực Đồng Soi. Đến thế kỷ 18 được dời về vị trí hiện nay. Đình thờ Huệ Thông Linh ứng Dực Vân Khái Bình đại vương. Sau, dân làng còn tôn hai vị có công xây dựng đình làm hậu thần là Tiến sĩ Vũ Miên và Tri phủ Thiên Trường là Thống Mẫn tiên sinh.
Đình Ngọc Quan tọa lạc ở rìa làng, bình đồ kiến trúc theo kiểu chữ Đinh. Các vì giữa kết cấu kiểu “thượng kèo hạ kẻ”, hai vì hồi theo kiểu “ván mê”. Nghệ thuật chạm khắc tập trung ở cửa võng, các kẻ, bẩy hiên, ván mê chạm nổi, chạm bong kênh tinh xảo theo đề tài tứ linh, tứ quý, rồng hóa, vân mây cách điệu.
Các hiện vật có giá trị ở đình gồm bia đá, hoành phi, câu đối, ngai thờ, nhang án, bộ bát biểu... có niên đại thời Lê, Nguyễn. Trong đó có những câu đối được chạm khảm công phu, thể hiện niềm kiêu hãnh tự hào về một làng quê danh khoa hiển đạt.
Ngay phía Đông cửa đình là Văn chỉ Ngọc Quan - một biểu tượng không thể thiếu cho đất học nổi tiếng như Ngọc Quan. Văn chỉ là di tích kết tinh, phản ánh sâu sắc truyền thống khoa cử của đất Xuân Lan xưa, được người dân hết sức trân trọng gìn giữ.
Theo các tư liệu còn lại, văn chỉ được xây dựng từ năm 1844 trên một khu đất cao bằng phẳng, rộng hàng nghìn mét. Trung tâm văn chỉ có bệ thờ đức Khổng Tử, hai bên là hệ thống bia đá khắc tên 46 vị hiền tài, khoa bảng của làng. Trong đó, có nhiều người giữ những chức quan to như Tể tướng, Thượng thư, Ngự sử, Thị lang...
Khu trung tâm có bệ thờ Khổng Tử, bên cạnh là hệ thống bia đá khắc tên các vị hương hiền khoa bảng của làng. Giữa có bàn hương án, trước cổng vào là một tấm bình phong bằng gạch với ba chữ “Danh thanh dương” bằng chữ Hán như biểu thị sự tôn vinh muôn đời đối với đức Khổng Tử và các vị tiên hiền khoa giáp.
![Từ đường họ Vũ làng Ngọc Quan. lang-khoi-nguyen-xung-danh-kinh-bac-danh-huong-5.jpg](https://cdn.giaoducthoidai.vn/images/da50d7eb564a918fc80651353f6003748e5cfef9679a2bd61b1b0286e0fe56b8ca54af6b627fd2548a155296d3a0b5fc824492ee90e56c6916e2574ae5f4a725036228018e8e8369a506234ffd5690a6/lang-khoi-nguyen-xung-danh-kinh-bac-danh-huong-5.jpg)
Nhà khoa bảng “tam bất hủ”: Lập đức, lập công, lập ngôn
Nhắc đến truyền thống hiếu học ở Ngọc Quan phải nói đến dòng họ Vũ - nức tiếng Kinh Bắc thế kỷ 18, 19 và cũng là dòng họ lớn chiếm khoảng một nửa dân số Ngọc Quan ngày nay. Trong số 46 vị đỗ đạt được ghi danh ở văn chỉ của làng thì có khoảng 40 người họ Vũ. Trong đó có những người nổi tiếng như: Vũ Miên, Vũ Giác, Vũ Quyền, Vũ Trinh...
Tiêu biểu nhất có lẽ là Tiến sĩ Vũ Miên, một người nổi tiếng học giỏi, kiến thức uyên thâm, đỗ đầu kỳ thi hội dưới thời nhà Lê, làm quan đến chức Tể tướng, kiêm giữ chức Tế tửu Quốc Tử Giám. Ông mang hết tài năng để phục vụ triều đình, phụng sự Tổ quốc với tấm lòng yêu nước thương dân.
Vũ Miên sinh năm Mậu Tuất (1718), có cha là Vũ Khuê - Cống sĩ thi đỗ Tam trường khoa thi Hội, giữ chức Huấn đạo phủ Lâm Thao, được phong đến chức Đặc tiến Kim tử Vinh lộc Đại phu, Công bộ tả Thị lang, Đông các điện Đại học sĩ, Lan Khê hầu. Sinh ra trong gia đình chữ nghĩa nên từ nhỏ, Vũ Miên đã nổi tiếng thông minh, là một thần đồng trong vùng, sớm thành danh khoa cử.
Năm 15 tuổi Vũ Miên đỗ đầu xứ, 18 tuổi đỗ Hương cống, rồi ra kinh đô học. Khoa thi năm Mậu Thìn, niên hiệu Cảnh Hưng thứ 9 (1748) đời vua Lê Hiển Tông, ông đỗ Hội nguyên, được ban Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân, tên đứng thứ nhất (khoa này lấy đỗ 13 người trong đó có 1 Thám hoa, 1 Tiến sĩ xuất thân, 11 đồng Tiến sĩ xuất thân).
Đình thí, Vũ Miên xếp sau 2 người, sách “Đăng khoa lục sưu giảng” cho biết ông thực sự là Trạng nguyên, nhưng vì thiếu may mắn nên kết quả lại xếp sau 2 vị khác trong thi Đình: “Vũ Miên học rộng tài cao. Năm 31 tuổi, đỗ Tiến sĩ (Hội nguyên khoa Mậu Thìn, niên hiệu Cảnh Hưng). Ngày hôm Đình thí, đầu bài nghĩa sách nhớ thuộc vanh vách, hỏi đâu biết đấy, thả sức làm văn; nghĩ rằng đoạt khôi nguyên, như thò tay vào túi lấy đồ vật gì vậy; không ngờ khi đi thi, đương viết văn mới viết được một lúc, ngòi bút đã cùn sạch, chỉ còn trơ lại quản bút, không thể nào viết được, nên phải viết trả lời mấy câu hỏi qua loa. Vậy thì, khoa bảng tự trời cho, cân nhắc phúc đức mà định số phận”.
Sau khi đỗ, Vũ Miên ra làm quan dưới triều Lê - Trịnh, lần lượt trải qua các chức trong kinh, ngoài trấn. Ông từng giữ chức Đồng đồng Kinh Bắc, Giản quan, Tán lý quân vụ Hưng Hóa…
Khi chúa Trịnh Sâm lên nắm quyền (tháng 2/1767), tài năng của Vũ Miên ngày càng tỏa sáng. Tháng 6/1767, ông được giữ chức Hành Bồi tụng, sau đó ít lâu (tháng 9/1767), ông được giao kiêm Tế tửu Quốc Tử Giám. Năm 1770, Vũ Miên làm Thiêm đô Ngự sử, sau thăng Thị lang.
Cuối năm sau, ông chính thức giữ chức Nhập thị Bồi tụng và được phong tước Bá, 6 năm sau ông được phong tước Liên Khê hầu. Tháng 7 năm 1774, Vũ Miên được cử giữ chức Phó đô Ngự sử, kiêm cả Lại bộ và Binh bộ Hữu Thị lang. Từ đó cho đến lúc mất (tháng 6/1782) ông lần lượt trải qua các chức Hình bộ, Binh bộ Tả Thị lang, Nhập thị hành Tham tụng.
Đối với quê hương, Vũ Miên được xem là người đầu tiên đặt nền móng cho truyền thống hiếu học ở làng, người có công định hướng, bồi dưỡng, giáo dục các thế hệ con cháu theo con đường khoa cử. Sau này, nhân dân địa phương tôn thờ Vũ Miên là hậu thần ở đình làng.
Tại Hội thảo khoa học “Tế tửu Quốc Tử Giám Vũ Miên - Con người và sự nghiệp” tổ chức tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, giới khoa học đi đến kết luận, rằng: Tài năng của Tiến sĩ Vũ Miên không phải chỉ được thể hiện trên lĩnh vực chính trị, mà cả trong văn hóa, văn học và sử học.
Nhưng chúng ta trân trọng nhất ở Vũ Miên trong phụng sự cho vương triều Lê trung hưng và phụng sự đất nước. Ngay trong giờ phút lâm chung, Vũ Miên cũng luôn day dứt lo nghĩ tới sự an nguy của triều chính, sự bình yên của nhân dân. Tiến sĩ Vũ Miên có nhiều cống hiến đối với lịch sử dân tộc, đặc biệt trên lĩnh vực giáo dục và trước thư lập ngôn, là bậc kẻ sĩ “đạo cao đức trọng”.
![Văn chỉ làng Ngọc Quan. lang-khoi-nguyen-xung-danh-kinh-bac-danh-huong-6.jpg](https://cdn.giaoducthoidai.vn/images/da50d7eb564a918fc80651353f6003748e5cfef9679a2bd61b1b0286e0fe56b8ca54af6b627fd2548a155296d3a0b5fc824492ee90e56c6916e2574ae5f4a7254eaf66722a567b26b9c7cc1ac31553f3/lang-khoi-nguyen-xung-danh-kinh-bac-danh-huong-6.jpg)
Trung trinh một lòng trọn nghĩa với chủ cũ
Theo gia phả, họ Vũ làng Ngọc Quan có nguồn gốc từ làng Mộ Trạch (Hải Dương). Bởi vậy, trong đền thờ còn lưu câu đối: Triệu thủy tích tòng Đông Mộ Trạch/ Thanh danh kim thị Bắc Lương Tài.
Dòng họ Vũ làng Ngọc Quan tính từ năm 1717 đến 1919, có nhiều người để lại công lao với đất nước, được các tư liệu lịch sử ghi lại. Con trai của Vũ Miên là Vũ Chiêu, đỗ Hương giải, làm quan đến chức Đặc tiến Kim tử Vinh lộc Đại phu, Tham đồng, Đề lĩnh Tứ thành quân vụ. Cháu nội của ông là Vũ Trinh, đỗ Hội nguyên Tiến sĩ, làm quan đến chức Nhập thị hành Tham tụng (quyền Tể tướng).
Năm 1802, nhà Tây Sơn bị diệt, vua Gia Long ra Bắc, xuống chiếu vời các cựu thần nhà Lê, Vũ Trinh cũng được triệu đến yết kiến, được ban thưởng và trao chức Thị trung học sĩ, trở thành đình thần của vương triều mới. Tuy vậy, năm Gia Long thứ 2 (1803), hài cốt vua Lê Chiêu Thống được đưa về nước, Vũ Trinh xin vua Gia Long ban lễ hậu và cho giữ nguyên tên hiệu để tỏ rõ cái nghĩa đối với triều đại đã mất.
Được Gia Long ưng thuận, Vũ Trinh lại vì cớ là “bề tôi cũ của nhà Lê”, xin thôi chức về Bắc lên cửa quan đón tang. Gia Long khen là người có nghĩa nên chuẩn y lời xin nhưng không cho từ chức mà nhân đó giao cho việc khám xét đê điều Bắc Thành, xong việc lại triệu về kinh.
Năm 1807, Vũ Trinh được giao làm Giám thí trường thi Sơn Tây, lại có dịp trở ra Bắc. Hai năm sau, được sung làm Chánh sứ sang nhà Thanh mừng thọ. Trong lần đi này, ông đã viết cuốn “Sứ Yên thi tập”; khi về được giao biên soạn bộ “Hoàng Việt luật lệ” dưới quyền Tổng tài Quốc sử quán Nguyễn Văn Thành. Đây chính là bộ luật đầu tiên của triều Nguyễn, gọi là “Bộ luật Gia Long”.
Sau đó, Vũ Trinh được thăng chức Hữu Tham tri bộ Hình và được giao làm Giám khảo trường thi Quảng Đức. Nguyễn Văn Thành kính trọng tài năng của Vũ Miên nên cho con là Nguyễn Thuyên theo học. Năm 1816, Nguyễn Thuyên bị cáo giác có âm mưu phản nghịch, Vũ Trinh gắng sức để biện minh cho học trò. Triều đình còn đang bàn bạc thì có vụ Lê Duy Hoán khôi phục nhà Lê, bị bắt. Hoán khai là do Thuyên xúi giục, cha con Nguyễn Văn Thành bị bắt giam và xử tội chết.
Vũ Trinh bị cho là a dua với phản nghịch cũng bị cách hết chức tước, giam vào ngục. Có người khuyên Vũ Trinh nên theo cách của Nguyễn Văn Thành (uống thuốc độc tự tử) nhưng ông nói: “Nếu phải tội với triều đình thì vươn cổ chịu chém, còn không có tội thì việc gì tự hại thân mình để mang tiếng xấu”. Ngay năm sau, Vũ Trinh được giảm tội chết, đem đi an trí ở Quảng Nam.
Đến chỗ lưu đày, ông giảng sách, dạy học trò, lấy văn chương làm vui, sống ẩn nhẫn giữ mình. 12 năm sau, vua Minh Mạng tới Quảng Nam, Vũ Trinh sai con dâng biểu trần tình, xin về quê quán. Bấy giờ ông đã già yếu, được vua chấp thuận lời tâu, nhưng về quê chẳng được bao lâu thì ông mất ở tuổi 70 (1828).
Truyền thống học hành, đỗ đạt ở Ngọc Quan còn được kế thừa, phát huy trong hầu hết các gia đình, dòng họ hôm nay. Các họ Vũ, họ Nguyễn, họ Đỗ, họ Trần đều là những dòng họ có truyền thống hiếu học.
Bởi coi trọng sự học, đua tài mà ra sức học nên Ngọc Quan sớm được mệnh danh là “Kinh Bắc danh hương”, sự đỗ đạt vẻ vang của làng có nét đặc sắc xứng đáng với danh hiệu “làng khôi nguyên xứ Bắc”. Ngày nay, truyền thống ấy vẫn được người Ngọc Quan nuôi dưỡng, đầu tư cho con cái học hành đúng với triết lý, chủ trương “giáo dục là quốc sách hàng đầu”.
Ngoài 46 nhà khoa bảng thời kỳ nho học, Văn chỉ làng Ngọc Quan tiếp tục ghi danh những người có học hàm học vị cao, có uy tín cùng những đóng góp cho quê hương đất nước.
Mỗi khi làng có sự kiện hoặc hội làng đều có dâng hương tại văn chỉ như một nghi thức báo công trước các bậc tiên hiền, đúng như câu đối bên hai trụ cổng: Văn đàn tân cựu hồn như Ngọc/ Chỉ trụ lâu đài tại Khổng Quan.
Cạnh văn chỉ là từ đường họ Vũ với cổng vòm khắc ba chữ “Khai tất tiên” để nhắc nhở con cháu về nguồn cội cùng lời răn dạy: Dữ thiên địa đồng nhất nguyên khí/ Vị tử tôn lập vạn đại cơ (Với trời đất cùng một bầu nguyên khí/ Vì cháu con xây dựng cơ đồ muôn thuở).