Đánh giá “ngược”

GD&TĐ - Giáo dục đại học Việt Nam ngày càng hội nhập và phát triển sâu rộng. Nhiều người đặt vấn đề: Chúng ta đã và đang hướng đến nền GD mở, lấy người học làm trung tâm, vậy tại sao không để sinh viên đánh giá, "chấm điểm” giảng viên?

Ảnh minh họa/ INT
Ảnh minh họa/ INT

Lâu nay, hầu như các trường đại học thường đánh giá một chiều, tức là giảng viên đánh giá, nhận xét, chấm điểm sinh viên. Phương pháp đánh giá này đã phát huy hiệu quả trong GD-ĐT. Nhưng sự tác động ngược trở lại đối với giảng viên thì đâu đó còn chưa rõ nét.

Có thể nhiều người cho rằng, việc để sinh viên “chấm điểm” giảng viên là điều phi lý và đi ngược với truyền thống “tôn sư trọng đạo”. Nhưng đó là hai việc hoàn toàn khác nhau. Sinh viên đánh giá giảng viên không có nghĩa là không tôn trọng thầy, cô của mình; mà đó còn là cách giúp thầy, cô hiểu hơn về những mong muốn, tâm tư nguyện vọng của sinh viên, từ đó cả thầy và trò hiểu nhau hơn, có được tiếng nói chung để từng bước hoàn thiện bản thân.

Mặt khác, ở góc độ nào đó, sinh viên cũng chính là một trong những kênh phản hồi để giảng viên điều chỉnh phương pháp giảng dạy, thậm chí tự đào tạo lại để đáp ứng nhu cầu học tập của người học. Nói như nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga, đây là biện pháp góp phần nâng cao tinh thần trách nhiệm của giảng viên trong việc thực hiện mục tiêu đào tạo của cơ sở giáo dục đại học; đồng thời tăng cường tinh thần trách nhiệm và nghĩa vụ học tập của người học, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo của cơ sở giáo dục đại học.

Trên thực tế, bằng các hình thức khác nhau, cũng đã có trường đại học triển khai dưới dạng lấy ý kiến phản hồi từ người học về hoạt động giảng dạy của giảng viên. Đơn cử như: Trường ĐH Công nghệ TP Hồ Chí Minh (HUTECH) xác định, đây là một trong những hoạt động trọng tâm nằm trong chuỗi các hoạt động khảo sát ý kiến các bên liên quan nhằm nâng cao chất lượng dạy và học của nhà trường. Điều này cũng gắn với mục tiêu đảm bảo quyền lợi học tập của sinh viên. Những ý kiến đóng góp đánh giá thiết thực sẽ là cơ sở để ban giám hiệu và lãnh đạo nhà trường tiếp tục cải tiến, nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên giảng dạy trong nhà trường.

Còn nhớ, năm 2013, Bộ GD&ĐT có Công văn hướng dẫn các trường đại học tổ chức lấy ý kiến phản hồi từ người học về hoạt động giảng dạy của giảng viên. Theo đó, sinh viên đánh giá giảng viên trên 7 phương diện: Công tác chuẩn bị giảng dạy, nội dung và phương pháp giảng dạy của giảng viên; Học liệu phục vụ giảng dạy, học tập và thời gian giảng dạy của giảng viên; Trách nhiệm và sự nhiệt tình của giảng viên đối với người học; Khả năng của giảng viên trong việc khuyến khích sáng tạo và tư duy độc lập của người học trong quá trình học tập; Sự công bằng của giảng viên trong kiểm tra đánh giá quá trình và đánh giá kết quả học tập của sinh viên; Năng lực của giảng viên trong tư vấn và tổ chức, hướng dẫn hoạt động học của người học; Tác phong sư phạm của giảng viên.

Năm 2019, Luật Giáo dục mới được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 7 tiếp tục đề cập: Sinh viên được trực tiếp hoặc thông qua đại diện hợp pháp của mình kiến nghị với cơ sở giáo dục các giải pháp góp phần xây dựng cơ sở giáo dục, bảo vệ quyền, lợi ích của người học.

Như vậy, có thể nói, sinh viên đánh giá, “chấm điểm” giảng viên không còn là câu chuyện mới; song dù ở bất kỳ thời điểm nào cũng cần bảo đảm truyền thống tôn sư trọng đạo và những giá trị đạo đức, văn hóa tốt đẹp của dân tộc. Điều quan trọng nữa là, việc lấy thông tin phản hồi từ người học phải được thực hiện nghiêm túc, tránh bệnh hình thức và phải được xử lý khách quan, trung thực. Tất cả vì mục tiêu nâng cao chất lượng GD-ĐT.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ