Đánh giá năng lực học sinh sao cho đúng người, đúng thời điểm

GD&TĐ - Năng lực đánh giá học sinh là một trong những hạn chế của nhiều giáo viên. 

Cô và trò Trường Tiểu học Thăng Long - Hà Nội tham gia trải nghiệm trong ngày hội sách. Ảnh: Thế Đại
Cô và trò Trường Tiểu học Thăng Long - Hà Nội tham gia trải nghiệm trong ngày hội sách. Ảnh: Thế Đại

Theo ý kiến chuyên gia, cần nghiêm túc nghiên cứu, tìm hiểu về mục đích, vai trò của kiểm tra đánh giá; từ đó giúp giáo viên thay đổi trong cách thức tiếp cận và trong từng hành vi đánh giá cụ thể.

Còn hạn chế, khó khăn trong đánh giá

Để đánh giá sự tiến bộ, quá trình và kết quả học tập của học sinh, giáo viên cần nắm vững hai phương pháp quan trọng, được sử dụng thường xuyên: Phương pháp quan sát; đánh giá qua hồ sơ học tập, sản phẩm và hoạt động của học sinh. Từ thực tế, cô Đỗ Thị Thật, Trường Tiểu học Lý Thái Tổ (Hà Nội) chia sẻ khó khăn khi phải dành nhiều thời gian để quan sát, quan tâm đến mọi học trò, ghi nhớ và lưu lại minh chứng.

Có thể tiến hành quan sát chủ định hoặc ngẫu nhiên nhưng cũng đòi hỏi giáo viên phải nắm được kỹ thuật thu nhập sao cho thông tin chính xác, đầy đủ, khách quan. Cùng với đó, công cụ đánh giá không có sự thiên vị; cách phân tích, xử lý kết quả không bị ảnh hưởng bởi mối quan hệ cá nhân... cũng là khó khăn của giáo viên khi tiến hành hoạt động đánh giá.

Với môn Ngữ văn, cô Vũ Thị Dung, Trường THPT Xuân Phương (Nam Từ Liêm, Hà Nội) nhận thấy, thiếu nhất, yếu nhất là bộ công cụ đánh giá chuẩn ở các trường. Đánh giá học sinh còn theo cảm tính, chưa xây dựng tiêu chuẩn, tiêu chí khoa học, hợp lý.

Cô Lê Thị Nếp, Trường Tiểu học và THCS Bắc Sơn, huyện Hưng Hà (Thái Bình) thì thừa nhận mình và nhiều đồng nghiệp vẫn ảnh hưởng của dư âm cách đánh giá cũ: Đánh giá tập trung nhiều ở cuối kỳ, cuối năm; dựa chủ yếu vào điểm kiểm tra cuối kỳ, cuối năm; sự phối kết hợp giữa các lực lượng để đánh giá chưa rõ nét, chưa thực sự vào cuộc. Phần lớn đánh giá học sinh là ở phía giáo viên và học sinh đánh giá lẫn nhau, do đó có phần phiến diện và không đa chiều.

“Trong quá trình tập huấn mô-đun 3, chúng tôi biết được 4 phương thức đánh giá học sinh. Hầu hết các tiết học, giáo viên đều vận dụng, đánh giá thường xuyên, khuyến khích sự tiến bộ, thúc đẩy các em tiến bộ mỗi ngày. Song năng lực, phẩm chất của học sinh thể hiện không chỉ trong quá trình học mà cả thực tế cuộc sống. Điều đó, bố mẹ các em sẽ nắm rất rõ và đánh giá rất sát sao.

Làm thế nào để có tiếng nói chung giữa học sinh, phụ huynh học sinh và các tổ chức khác trong trường là điều mà tôi và nhiều giáo viên trăn trở… Mong muốn của tôi là được trải qua một khoá tập huấn thật tỉ mỉ. Các căn cứ đưa ra để đánh giá, dù định tính hay định lượng, cũng nên rõ ràng, tránh tình trạng mơ hồ” - cô Nếp bày tỏ.

Tổ chức tập huấn giáo viên cốt cán tại Trường ĐH Sư phạm Huế. Ảnh: TTXVN

Tổ chức tập huấn giáo viên cốt cán tại Trường ĐH Sư phạm Huế. Ảnh: TTXVN

Thay đổi trong triết lý đánh giá

Năm 2021, TS Lê Thái Hưng, Trưởng khoa Quản trị chất lượng, Trường ĐH Giáo dục (ĐHQG Hà Nội) và đồng nghiệp thực hiện một nghiên cứu với dữ liệu khảo sát thông qua bảng hỏi gần 550 giáo viên cả 3 cấp (tiểu học, THCS, THPT).

Kết quả cho thấy, tỷ lệ vượt trội giáo viên sử dụng thường xuyên các loại câu hỏi/cách thức kiểm tra truyền thống như bài kiểm tra trên giấy, câu hỏi tự luận, bài tập, câu hỏi trắc nghiệm khách quan trong kiểm tra đánh giá. Giáo viên cũng đầu tư thời gian, chuẩn bị kỹ lưỡng và tự tin với những loại công cụ đánh giá này hơn là những cách thức mà hiện nay khoa học đánh giá đang khuyến cáo như hồ sơ học tập, thực hành, quan sát và ghi chép.

“Chúng tôi hiểu được nguyên nhân và những thách thức, trở ngại của giáo viên”. Chia sẻ điều này, TS Lê Thái Hưng cho rằng: Để từng bước cải tiến hoạt động đánh giá trong dạy học theo hướng vì sự tiến bộ của học sinh, trước hết, cần bắt đầu từ tự nghiên cứu, tìm hiểu và không ngừng suy tư của giáo viên về mục đích, vai trò của kiểm tra đánh giá. Chính điều này sẽ dẫn dắt giáo viên đến sự thay đổi trong cách thức tiếp cận và trong từng hành vi đánh giá cụ thể.

Đi từ triết lý, khoa học về đo lường và đánh giá trong giáo dục đang ngày càng khẳng định vai trò của đánh giá đối với việc thúc đẩy học tập, vì hoạt động học tập; đồng thời khuyến cáo nhà quản lý giáo dục, giáo viên cần cân bằng, thậm chí cần đầu tư nhiều hơn cho mục đích đánh giá vì hoạt động học tập, thay vì coi kiểm tra đánh giá chỉ thuần túy là đo lường kết quả học tập như hiện nay.

Một khi triết lý đánh giá thay đổi, giáo viên sẽ cảm nhận được sự cởi trói trong những ràng buộc, thể chế, hướng dẫn từ các cấp quản lý để tự học hỏi và tự do sáng tạo; từ đó nâng cao chất lượng và hiệu quả của hoạt động đánh giá mà họ triển khai.

Hiện giáo viên có thể dễ dàng tìm kiếm thông tin chính thống, khoa học, cũng như sự trợ giúp từ các nhà chuyên môn, cộng đồng thông qua nhiều cuốn sách đã được xuất bản, mạng Internet và các trang mạng xã hội. Về sách, hãy tìm đọc những ấn phẩm về tâm lý giáo dục và sư phạm để cập nhật tri thức, đặc biệt là tri thức về quá trình nhận thức của học sinh và xu hướng đổi mới giáo dục, dạy học trên thế giới.

Cùng với những kênh cộng đồng trên, TS Lê Thái Hưng tin rằng, vai trò của ban giám hiệu, các tổ chuyên môn trong nhà trường đối với vấn đề tự học và cải tiến của giáo viên là rất lớn. Các cuộc họp chuyên đề chính là nơi ban giám hiệu có thể nêu vấn đề, giáo viên chia sẻ tri thức, kinh nghiệm, cùng nhau trao đổi và sáng tạo.

Theo TS Lê Thái Hưng, tiếp tục đổi mới trong chính sách là thật cần thiết, không chỉ đối với kiểm tra, đánh giá nói riêng; mà rộng hơn là trong dạy học và giáo dục, theo hướng khai phóng, tạo sự tự chủ cho giáo viên. Những khóa tập huấn giáo viên cần tiếp tục được rà soát, đánh giá, điều chỉnh cho phù hợp nhu cầu thực tiễn và xây dựng mới. Cùng với đó, tiếp tục đầu tư phát triển các cộng đồng học tập trực tuyến cho giáo viên.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ