(GD&TĐ) - Mới đây, trong chương trình hợp tác thúc đẩy phát triển hệ thống đánh giá kỹ năng năm 2013, Tổng cục Dạy nghề (Bộ LĐ-TB&XH) đã phối hợp với Hiệp hội phát triển năng lực nghề Nhật Bản (JAVADA) và Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), tổ chức đánh giá kỹ năng nghề quốc gia lần thứ 2 dành cho nghề Tiện bậc 3 theo tiêu chuẩn của Nhật Bản.
Đánh giá kỹ năng nghề
Tham dự kỳ thi đánh giá kỹ năng nghề Tiện bậc 3 vừa qua, có 12 giáo viên của các trường đại học và cao đẳng nghề, cùng 6 lao động đến từ các doanh nghiệp sản xuất Nhật Bản tại Việt Nam. Phía JAVADA đã cử ông Ueda, chuyên gia huấn luyện của Công ty DENSO Nhật Bản - người đã từng đạt huy chương Vàng tại hội thi tay nghề thế giới, phối hợp cùng với các đánh giá viên Việt Nam thực hiện nhiệm vụ đánh giá, chấm điểm và tập huấn phương pháp đánh giá kỹ năng.
Với tiêu chí “Chính xác - công bằng - khách quan và bảo mật”, sau những ngày làm việc nhiệt tình và trách nhiệm, 13/18 thí sinh đã được công nhận đạt yêu cầu về kỹ năng nghề. Cùng với hoạt động này, Tổng cục Dạy nghề và JAVADA đã tiến hành ký biên bản ghi nhớ hợp tác giữa hai bên về thi kỹ năng nghề tại Việt Nam. Đây là lần đầu tiên và Việt Nam cũng là quốc gia đầu tiên mà JAVADA ký kết thỏa thuận công nhận các kỳ đánh giá kỹ năng nghề ở Việt Nam theo tiêu chuẩn Nhật Bản.
Trong những năm qua, JAVADA đã liên tục hợp tác và hỗ trợ đánh giá về kỹ năng nghề, tổ chức tập huấn cho các chuyên gia và giáo viên về phương pháp đánh giá kỹ năng nghề Điện tử công nghiệp…Việc đánh giá kỹ năng nghề theo tiêu chuẩn của Nhật Bản được cho là một trong những hoạt động quan trọng nhằm giúp Việt Nam phát triển đội ngũ đánh giá viên kỹ năng nghề quốc gia, góp phần làm tăng độ tin cậy của hệ thống đánh giá kỹ năng nghề đối với các doanh nghiệp. Thời gian tới hai bên cũng xem xét đến việc sẽ triển khai mở rộng phạm vi sang những nghề như nghề Phay, Nguội…
Đánh giá kỹ năng nghề giúp cho doanh nghiệp hiểu rõ năng lực người lao động và có chế độ đãi ngộ thích hợp |
Lợi ích cho doanh nghiệp
Các doanh nghiệp Nhật Bản ở Việt Nam đã nhanh chóng nhận ra được lợi ích của các kì thi đánh giá kỹ năng nghề. Giám đốc của một doanh nghiệp Nhật sản xuất máy ảnh tại Việt Nam, ông Kobayashi nói: “Ở Việt Nam hầu như không tổ chức dạy nghề chuyên sâu trong các trường cấp 3, cho nên nếu như hệ thống đánh giá kỹ năng nghề được phổ cập rộng rãi thì doanh nghiệp sẽ rất dễ dàng trong việc đánh giá kỹ năng nghề của người lao động cũng như chế độ đãi ngộ với người lao động của họ”.
Hoạt động thí điểm đánh giá kỹ năng nghề trong ngành Cơ khí chế tạo của Nhật Bản đã tỏ ra khá thành công tại Việt Nam, khi tổ chức các kì thi đánh giá kĩ năng nghề trong lĩnh vực điện tử và gia công kim loại. Cùng với hoạt động này, một số công ty Nhật Bản đang kinh doanh tại Việt Nam đã mở học viện đào tạo chuyên ngành, học viên sẽ được dạy từ những kiến thức cơ bản cho đến các vấn đề liên quan đến chuyên môn kĩ thuật, ngoại ngữ... nhằm chủ động tự đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu sản xuất và cung ứng mạng lưới, linh kiện cơ khí, điện tử...của Nhật Bản đang ngày càng mở rộng.
Có thể nhận ra sự nhạy bén của người Nhật trong việc hình thành, phát triển có chiều sâu cho đội ngũ lao động kỹ thuật cao trong doanh nghiệp, thông qua việc đánh giá và đào tạo kỹ năng nghề. Điều này có vẻ như còn ít thấy trong các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay, trong khi hệ thống đánh giá kỹ năng nghề quốc gia còn đang trong quá trình hình thành, thì các doanh nghiệp Việt Nam cần có những hoạch định cụ thể, học hỏi kinh nghiệm để tự hình thành chuẩn kỹ năng nghề, tự chủ trong đào tạo nguồn nhân lực cho doanh nghiệp.
Anh Quang