NGND.TS. Đặng Huỳnh Mai, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, Chủ tịch Hội; Phó Chủ tịch Hội: Phạm Đức Hạnh và Lương Tất Thùy chủ trì hội thảo. Cùng tham dự có các cựu giáo chức trong Ban Thường vụ và trong các chi hội cựu giáo chức trực thuộc Hội Cựu giáo chức cơ quan Bộ GD&ĐT. Đại diện Bộ GD&ĐT có Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học Thái Văn Tài.
Kết quả cần phát huy, hạn chế cần khắc phục
Tại hội thảo, các cựu giáo chức đã đánh giá cụ thể kết quả đạt được khi triển khai Chương trình GDPT 2018; đồng thời thẳng thắn chỉ ra những vấn đề còn hạn chế, tồn tại.
Ông Phạm Đức Hạnh, Phó Chủ tịch Hội Cựu giáo chức Cơ quan Bộ GD&ĐT nhận định: Từ năm học 2020-2021 bắt đầu triển khai Chương trình GDPT 2018 đến nay, ngành GD-ĐT đã thu được những kết quả bước đầu đáng ghi nhận. Đó là sự đổi mới về phương pháp dạy học, cấu trúc chương trình, cách tiếp cận tiến sát đến các nước đã và đang phát triển với nền giáo dục hiện đại, tiên tiến, linh hoạt không khô cứng, bảo thủ như trước đây.
Những kết quả này cần phát huy hơn nữa để khẳng định tầm nhìn chiến lược của chương trình và tạo động lực mạnh mẽ để tiếp tục điều chỉnh thực hiện tốt hơn nữa trong các năm tiếp theo.
Chương trình GDPT 2018 đã khắc phục những hạn chế của Chương trình GDPT năm 2006 và cả các chương trình cũ, hướng tới xây dựng một nền giáo dục hiện đại, toàn diện và phù hợp với xu thế toàn cầu hóa. Tất nhiên, chúng ta không thể đòi hỏi sự hoàn thiện ngay trong những năm đầu, cần phải tiếp tục điều chỉnh theo tinh thần Thông tư số 13/2022/TTBGDĐT ngày 3/8/2022 sửa đổi bổ sung một số nội dung Chương trình GDPT năm 2018.
Cũng nhìn nhận kết quả đạt được, Phó Chủ tịch Hội Cựu giáo chức cơ quan Bộ GD&ĐT Lương Tất Thùy cho rằng, Bộ GD&ĐT, hệ thống giáo dục các cấp đã triển khai có hiệu quả Chương trình GDPT 2018 và chương trình giáo dục thường xuyên mới theo lộ trình. Các địa phương, cơ sở giáo dục đã phát huy tính chủ động, linh hoạt trong việc triển khai thực hiện Chương trình.
Với nhiều điểm mới, được triển khai đồng bộ với đầy đủ các môn học, hoạt động giáo dục trên phạm vi cả nước, Chương trình GDPT 2018 đã cụ thể hóa việc đổi mới mục tiêu cơ bản từ giáo dục tập trung vào trang bị kiến thức, kỹ năng sang phát triển phẩm chất và năng lực người học đảm bảo hài hòa giữa “dạy chữ”, “dạy người” và hướng nghề nghiệp. Việc biên soạn, thẩm định SGK được triển khai đúng lộ trình, bảo đảm chất lượng và tiến độ phục vụ cho dạy và học. Việc thực hiện “một chương trình, nhiều SGK” được triển khai hiệu quả, phát huy được ưu điểm nổi bật giúp giáo viên thay đổi cơ bản từ dạy truyền thụ kiến thức sang dạy học phát triển phẩm chất, năng lực học sinh.
Đội ngũ giáo viên cơ bản thực hiện hiệu quả phương pháp, hình thức dạy và học, đổi mới kiểm tra đánh giá nhằm phát triển năng lực phẩm chất học sinh. Việc tổ chức quản lý đã chuyển dần theo hướng quản trị nhà trường. Chất lượng giáo dục đại trà và mũi nhọn tiếp tục được nâng lên.
Tình trạng thừa thiếu giáo viên từng bước khắc phục. Bộ GD&ĐT đã hướng dẫn giúp đỡ các địa phương tuyển dụng giáo viên; phối hợp với các cơ quan, ngành hữu quan tổ chức thực hiện các biện pháp tháo gỡ khó khăn, khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, thiếu trường lớp, quá tải ở các trường học. Khó khăn, vướng mắc trong việc phân công giáo viên và tổ chức dạy học các môn mới cơ bản được tháo gỡ.
Công tác đổi mới phương pháp giáo dục được thực hiện ở tất cả các cơ sở giáo dục. Học sinh phát huy tính chủ động sáng tạo, giáo viên đóng vai trò người tổ chức, kiểm tra, định hướng. Hình thức tổ chức dạy và học đa dạng từng bước ứng dụng CNTT tiên tiến hiệu quả.
Phương thức tổ chức thi, kiểm tra đánh giá chất lượng đã được chuyển dần từ kiểm tra kiến thức sang đánh giá năng lực, phẩm chất của người học, đã đo lường được sự tiến bộ của học sinh trong quá trình học tập và mức độ đáp ứng yêu cầu cần đạt của các môn học, hoạt động giáo dục. Bảo đảm độ tin cậy, công bằng và khách quan khi đánh giá người học.
Kết quả thực hiện chương trình cho thấy học sinh mạnh dạn, tự tin, dám thể hiện quan điểm của mình và có nhiều kỹ năng vượt trội nhất là chủ động tiếp nhận nhiệm vụ của giáo viên, khả năng làm việc nhóm tốt hơn, giúp học sinh vận dụng kiến thức đã được học vào thực tế tốt hơn.
Hầu hết các địa phương đều đánh giá công tác triển khai Chương trình GDPT đã được Bộ GD&ĐT đi sâu đi sát cơ sở trong quá trình tổ chức thực hiện và có những giải pháp kịp thời điều chỉnh những vấn đề chưa hợp lý trong quá trình triển khai…
Qua nghiên cứu báo cáo tổng kết năm học của các địa phương, các địa phương đã nghiêm túc thực hiện Chương trình GDPT 2018, theo các văn bản hướng dẫn của Bộ GD&ĐT; đã tạo điều kiện cho học sinh học tập môn tự chọn và tham gia các hoạt động giáo dục đạt hiệu quả cao hơn. Đã đổi mới cách tổ chức các hoạt động giáo dục nhẹ nhàng, tự nhiên, hiệu quả, phát huy tính tích cực, chủ động sáng tạo của học sinh nhằm thực hiện mục tiêu giáo dục. Tổ chức thực hiện dạy nội dung giáo dục địa phương bước đầu đã thu hút được học sinh và đạt hiệu quả theo mục tiêu đặt ra…
Bên cạnh những kết quả đã đạt, ông Lương Tất Thùy đồng thời chỉ ra một số khó khăn, tồn tại, hạn chế. Trước hết là Bộ GD&ĐT, các sở GD&ĐT không có quyền tuyển dụng giáo viên; khâu tuyển dụng giáo viên vẫn khó; chính sách đãi ngộ đội ngũ vùng sâu, vùng xa và chính sách đặc thù cho học sinh miền núi, việc in ấn phát hành tài liệu địa phương cho Chương trình GDPT gặp nhiều khó khăn do thiếu kinh phí; nhiều tỉnh, thành phố còn băn khoăn về nguồn kinh phí chi cho cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, chưa đáp ứng được yêu cầu…
Tăng cường giám sát và bảo đảm điều kiện thực hiện
Thẳng thắn chỉ ra những vấn đề còn khó khăn, đặc biệt liên quan đến điều kiện thực hiện chương trình như đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, ThS Phạm Đức Hạnh đồng thời đưa ra một số khuyến nghị để triển khai hiệu quả Chương trình GDPT 2018 thời gian tới.
Một trong số đó là Bộ GD&ĐT tăng cường, giám sát dựa trên mục tiêu của Chương trình GDPT 2018, khẩn trương đánh giá toàn bộ Chương trình GDPT 2018 ở cả 3 cấp học, đặc biệt ở phân khúc THPT trên mọi bình diện để sơ kết, tổng kết 5 năm vừa qua rút ra được những bài học kinh nghiệm, tiếp tục triển khai trong những năm tiếp theo.
Cùng với đó, có kế hoạch bồi dưỡng giáo viên dài hơi cho các môn học mới như Ngoại ngữ cấp tiểu học, Hoạt động trải nghiệm, Tin học và Công nghệ. Tổ chức huấn luyện đào tạo giáo viên (kể cả đào tạo lại) về kế hoạch giáo dục đối với các khối lớp để đáp ứng yêu cầu của Chương trình GDPT 2018.
Đẩy mạnh công tác truyền thông để đảm bảo cho giáo viên, học sinh và phụ huynh học sinh nắm vững thông tin về Chương trình GDPT 2018 để tạo được sự đồng thuận cao trong xã hội.
ThS Phạm Đức Hạnh cũng cho rằng, Bộ GD&ĐT cần có các giải pháp quyết liệt hơn nữa chỉ đạo các Sở GD&ĐT thực hiện hướng nghiệp sâu ngay từ cuối cấp THCS và đầu cấp THPT. Phân cấp quản lý, trao quyền tự chủ cho địa phương triệt để hơn, cho phép Sở GD&ĐT, Phòng GD&ĐT điều chuyển giáo viên giữa các trường, cụm trường có thể một giáo viên dạy một, hai, ba trường trong cụm để tránh tình trạng dôi dư hoặc thiếu giáo viên cục bộ. Bộ GD&ĐT tham mưu với Chính phủ và UBND các tỉnh đầu tư thêm về cơ sở vật chất trang thiết bị dạy học như phòng học chuyên biệt, phòng chức năng, phòng đa năng; ưu tiên các vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo...
Để tiếp tục thực hiện tốt Chương trình GDPT 2018, bà Vũ Thị Lan, Phó Chủ tịch Hội Cựu giáo chức cơ quan Bộ đề xuất giải pháp.
Một là: Tiếp tục công tác tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân, nhất là phụ huynh và học sinh để mọi người hiểu rõ về tính ưu việt, vượt trội, sự cần thiết thực hiện Chương trình, vai trò của Chương trình GDPT 2018 trong thời đại 4.0 và xu thế hội nhập toàn cầu.
Hai là: Giáo viên - một trong những yếu tố quan trọng quyết định sự thành công của Chương trình - cần được quan tâm một cách đầy đủ về mọi mặt. Trong đó, cần tăng cường công tác tập huấn, bồi dưỡng giáo viên ngay trong quá trình giảng dạy và trong đợt hè, cũng như các năm học tiếp theo. Phát huy vai trò của tổ bộ môn, nòng cốt là tổ trưởng bộ môn, những giáo viên có năng lực chuyên môn vững vàng, với phương châm người biết nhiều giúp người biết ít hơn để cùng làm tốt.
Ba là: Các địa phương, cơ quan chức năng, các nhà quản lý giáo dục và cơ sở giáo dục cần những biện pháp tăng cường đầu tư thêm và cải tiến cơ sở vật chất sẵn có, đáp ứng yêu cầu của công tác giảng dạy.
Bốn là: Cần có những phương pháp giảng dạy phù hợp để thực hiện bước chuyển giao những nội dung cần thiết cho học sinh từ tiểu học lên THCS, THPT, để các em bắt nhịp và làm quen với những điều cần thực hiện trong Chương trình ở các cấp học cao dần.
Năm là: Bộ GD&ĐT, các địa phương, nhà quản lý giáo dục và cơ sở giáo dục cần tổ chức những hội thảo khoa học, sơ kết, tổng kết sau một thời gian triển khai thực hiện Chương trình; rút ra được những việc đã làm và làm tốt, những tồn tại, khó khăn, những nội dung, những vấn đề bất cập hoặc chưa phù hợp… để có những biện pháp chỉ đạo kịp thời, đạt hiệu quả cao.
Sáu là: Bộ GD&ĐT, địa phương, các nhà quản lý giáo dục cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc triển khai thực hiện tại các cơ sở giáo dục, kịp thời hướng dẫn và chấn chỉnh, điều chỉnh những nội dung, phương pháp giảng dạy, giáo dục, rèn luyện học sinh, người học theo đúng yêu cầu mục tiêu của Chương trình. Các cơ sở giáo dục cũng cần tăng cường công tác tự chỉnh đốn, tự kiểm tra để làm tốt nhiệm vụ.
TS. NGƯT Nguyễn Phú Tuấn, Chi hội Cựu giáo chức Viện Khoa học giáo dục Việt Nam thì cho rằng, Chương trình GDPT 2018 đáp ứng mục tiêu Nghị quyết 29 và Nghị quyết 88 của Quốc hội có nhiều điểm mới, nhiều thay đổi cơ bản, đang được nhà trường, giáo viên, nhà khoa học và quản lý giáo dục đánh giá cao. Chương trình phù hợp với điều kiện thực tế của nhà trường; nội dung kiến thức có tính ứng dụng thực tế; học sinh hứng thú học tập, tiếp nhận kiến thức, kỹ năng, phát huy năng lực người học. Trong quá trình thực hiện, nhất là những năm đầu còn những khó khăn vướng mắc, song sẽ khắc phục được và đạt kết quả tốt đẹp.
Tại hội thảo, các cựu giáo chức đã thẳng thắn nhìn nhận cả kết quả đạt được và những vấn đề còn hạn chế, tồn tại cần tiếp tục khắc phục khi triển khai Chương trình GDPT 2018; từ đó đề xuất giải pháp. Một số ý kiến chia sẻ sâu về biên soạn SGK, dạy học tích hợp, chương trình giáo dục thể chất, tài liệu giáo dục địa phương… Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học đã tiếp thu, cung cấp thêm thông tin, trao đổi lại, làm rõ thêm những vấn đề các cựu giáo chức đưa ra.