Danh bỏ xa thực

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Vừa rồi, ở Thuỵ Sỹ có tổ chức một hội nghị quốc tế về Ukraine. Đại diện của hơn 90 quốc gia và các tổ chức quốc tế đã tham dự.

Minh họa/INT
Minh họa/INT

Nước chủ nhà là Thuỵ Sỹ cùng quốc gia đối tượng của sự kiện là Ukraine đặt tên “Hội nghị hoà bình cho Ukraine” cho cuộc tụ tập này. Cái tên gọi ấy hàm chứa mục đích đầy tham vọng của hội nghị là tìm kiếm giải pháp chính trị hoà bình cho cuộc chiến giữa Nga và Ukraine. Nếu lấy đúng tên gọi này làm tiêu chí đánh giá kết quả thì hội nghị này đã thất bại.

Sau hai ngày hội lớn của ngôn từ, hội nghị thông qua tuyên bố chung nhưng không có được chữ ký của tất cả các bên tham dự. Trong bản tuyên bố được thông qua cũng không thấy có hình hài sơ bộ của giải pháp chính trị hoà bình cho Ukraine. Hội nghị hoà bình nhưng kết quả không dẫn đến hoà bình cho Ukraine, danh nghĩa bỏ xa thực chất.

Thất bại này đã được báo trước vì không có sự tham dự của Nga. Thụy Sỹ và Ukraine không mời Nga mà nếu có mời thì chắc chắn Nga cũng sẽ không tham dự. Trung Quốc được mời nhưng không đến dự.

Tổng thống Mỹ Joe Biden đến châu Âu nhưng không tham dự bởi coi chuyện quyên góp tiền cho cuộc vận động tranh cử tổng thống còn quan trọng hơn việc thể hiện sự ủng hộ Ukraine. Những đại diện quan trọng nhất cho cái gọi là “Khối Phương Nam toàn cầu” cũng không đến dự hội nghị hoặc không ký vào bản tuyên bố chung.

Tất cả đều biết rằng hội nghị dù có đồ sộ đến mấy cũng sẽ không thể thành công khi không có dự tham gia của Nga - tác nhân quyết định nhất đối với việc kiến tạo hoà bình hay tiếp tục chiến tranh ở Ukraine.

Vào thời điểm ngay trước khi diễn ra hội nghị này, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đặt những điều kiện tiên quyết cho việc Nga đàm phán hoà bình với Ukraine bao gồm toàn những gì mà cả Ukraine lẫn các đồng minh của họ sẽ không bao giờ chấp nhận.

Thông điệp của ông Putin rõ ràng là nước Nga và chỉ Nga chứ không ai khác và không hội nghị quốc tế nào quyết định chuyện hoà bình cho Ukraine cũng như kết thúc cuộc chiến tranh hiện tại. Có lẽ cũng chính vì thế mà không có bên nào tham dự hội nghị xung phong đăng cai tổ chức hội nghị tiếp theo.

Đối với Ukraine, trong thất bại chung kia vẫn có những cái lợi riêng. Chẳng gì thì cũng gần một nửa số lượng các quốc gia trên thế giới tham dự sự kiện, thể hiện sự ủng hộ của họ dành cho Ukraine.

Trong bản tuyên bố chung sau hội nghị có sự khẳng định tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine. Trong đó cũng còn thể hiện rõ quan điểm của Ukraine và đồng minh về những tiêu chí và điều kiện về giải pháp chính trị hoà bình cho cuộc chiến tranh ở Ukraine.

Cả những chủ đề nội dung khác trên chương trình nghị sự như đảm bảo cho Ukraine xuất khẩu lương thực, đảm bảo an toàn hạt nhân cho những nhà máy điện hạt nhân ở Ukraine.... cũng đều có lợi không hề nhỏ cho Ukraine.

Dù vậy, việc danh bỏ xa thực ở hội nghị này là thực tế báo động đối với Ukraine. Nước này vẫn nhận được sự hậu thuẫn của khối các quốc gia phương Tây nhưng cuộc chiến ở Ukraine càng dai dẳng thì càng khó khăn trong việc duy trì mức độ ủng hộ của các đồng minh. Ukraine chưa thành công được đáng kể gì với việc tranh thủ số đông các thành viên của khối Phương Nam toàn cầu cũng như phân hoá khối này với Nga.

Hội nghị này chưa kiến tạo nên hoà bình cho Ukraine, đồng thời cũng chưa mở ra bất kỳ triển vọng thực tế nào cho việc có thể đạt được giải pháp chính trị hoà bình cho cuộc chiến ở Ukraine trong thời gian tới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ