Thông tin chưa được xác thực, nhưng đây là “nghi phạm” đầu tiên được chỉ mặt điểm tên, giữa lúc hàng loạt tổ chức khủng bố cũng lên tiếng nhận trách nhiệm về vụ đánh bom.
Cái tên quen thuộc
Mạng lưới Haqqani vốn được tình báo Pakistan hậu thuẫn, có trụ sở tại Waziristan (Pakistan) và bị Afghanistan coi là khủng bố. Mạng lưới này đã thực hiện nhiều vụ tấn công vào lực lượng Mỹ ở Afghanistan, các quan chức cấp cao của Afghanistan và người nước ngoài ở Afghanistan. Mạng lưới Haqqani có quan hệ với Taliban và al-Qaeda và bị Mỹ coi là mối đe dọa lớn đối với sự ổn định của Afghanistan.
Hồi tháng 2/2016, trong một phiên điều trần trước Ủy ban Quân vụ Hạ viện Mỹ, Tướng John F. Campbell, người sau đó đảm nhiệm cương vị Tư lệnh các lực lượng Mỹ và NATO tại Afghanistan từng đánh giá: “Mạng lưới Haqqani vẫn là mối đe dọa đáng kể nhất đối với lực lượng Mỹ và liên quân”.
Các vụ tấn công khủng bố đáng chú ý của Mạng lưới Haqqani bao gồm vụ ám sát hụt ông Hamid Karzai tháng 4/2008 (khi đó ông Karzai là Tổng thống đương nhiệm của Afghanistan – ND); vụ tấn công Trại Chapman của CIA tháng 12/2009 làm 7 nhân viên quân sự Mỹ thiệt mạng; vụ đánh bom xe tải ở tỉnh Wardak của Afghanistan làm 5 người Afghanistan thiệt mạng và 77 lính Mỹ bị thương hồi năm 2011; tấn công nhằm vào Đại sứ quán Mỹ và các cơ sở của NATO ở Kabul cũng trong năm 2011…
Liên quan đến vụ đánh bom kinh hoàng hôm 31/5, thông tin mới nhất từ chính phủ Afghanistan cho biết, tới nay đã có 90 người thiệt mạng và 400 người bị thương trong vụ đánh bom này. Bộ Ngoại giao Mỹ xác nhận trong số những người bị thương có 11 công dân Mỹ làm việc cho các nhà thầu tại Afghanistan. Tuy nhiên, những người này đều không bị nguy hiểm đến tính mạng.
Mục đích gây bất ổn
Vụ đánh bom xảy ra trong bối cảnh Afghanistan chuẩn bị tổ chức hội nghị quốc tế về hòa bình, an ninh và hòa giải vào ngày 9/6 tới với sự tham dự của gần 20 nước và tổ chức quốc tế, trong đó có Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản, Anh, Nga, Đức, Pháp, Trung Quốc, Ả-rập Xê-út, Pakistan, UAE, Qatar, Thổ Nhĩ Kỳ, Liên Hiệp Quốc (LHQ) và Liên minh châu Âu (EU). Theo kế hoạch, hợp tác chống khủng bố sẽ là một trong những vấn đề chủ chốt được thảo luận tại hội nghị lần này.
Vụ nổ kinh hoàng kể trên chỉ là một trong số những vụ đánh bom khủng bố mới nhất ở Afghanistan, với mục đích chung nhất là nhằm gây bất ổn cho chính phủ ở quốc gia này, vốn được phương Tây do Mỹ dẫn đầu hậu thuẫn. Gần đây nhất, chỉ riêng trong ngày 27/5, đã xảy ra hai vụ tấn công khủng bố liên tiếp ở hai địa bàn cách biệt, khiến ít nhất 32 người chết và hàng chục người bị thương. Đầu tiên là vụ đánh bom xe tại khu vực đông người ở thành phố Khost, phía Đông Afghanistan làm ít nhất 18 người thiệt mạng. Không lâu sau đó, những kẻ khủng bố đã tấn công lực lượng an ninh tại huyện Qadis, tại tỉnh Badghis, Tây Bắc Afghanistan, làm 6 nhân viên an ninh và 8 dân thường thiệt mạng. Trong cuộc giao tranh, lực lượng an ninh cũng tiêu diệt 22 phần tử phiến loạn.
Một số hãng thông tấn nước ngoài đưa tin, mục tiêu các vụ tấn công là nhằm vào lực lượng cảnh vệ địa phương. Đến nay vẫn chưa thể xác định đối tượng thực sự đứng đằng sau các vụ tấn công, dù cũng giống như vụ khủng bố mới nhất ở Kabul, hàng loạt tổ chức khủng bố đã lên tiếng nhận trách nhiệm ngay sau đó.
Trở lại với vụ đánh bom khủng bố đẫm máu ngày 31/5 ở Kabul, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres đã kịch liệt lên án những kẻ thủ ác. Phát biểu tại một buổi họp báo hàng ngày, người phát ngôn của Tổng Thư ký LHQ, ông Stephane Dujarric cho biết ông Guterres đã bày tỏ sự phẫn nộ trước vụ đánh bom, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết, của việc hợp tác trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố và bạo lực cực đoan. Tổng Thư ký LHQ khẳng định những kẻ gây ra vụ đánh bom sẽ bị đưa ra đối mặt với công lý.