Đằng sau việc Belarus tuyên bố triển khai S-400

GD&TĐ - Minsk được trang bị tên lửa đạn đạo Iskander và được bảo vệ bởi các hệ thống phòng không S-400, Tổng thống Belarus Lukashenko tuyên bố hôm 19/12.

Bệ phóng tên lửa Iskander của Nga và các phương tiện hỗ trợ chuẩn bị triển khai cho cuộc tập trận.
Bệ phóng tên lửa Iskander của Nga và các phương tiện hỗ trợ chuẩn bị triển khai cho cuộc tập trận.

Minsk hiện được trang bị tên lửa đạn đạo Iskander và được bảo vệ bởi các hệ thống phòng không S-400, Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko tuyên bố hôm 19/12.

Khi cảm ơn người đồng cấp Nga Vladimir Putin tại một cuộc họp báo chung ở Minsk, ông Alexander Lukashenko cho biết, “hôm nay, chúng tôi đã triển khai các hệ thống S-400 và quan trọng nhất là hệ thống Iskander mà ông đã bàn giao cho chúng tôi như đã hứa 6 tháng trước”.

Tổng thống Nga Putin, cùng với Ngoại trưởng Sergey Lavrov và Bộ trưởng Quốc phòng Sergey Shoigu đã đến Minsk hôm 19/12 để tham gia một loạt cuộc đàm phán với những người đồng cấp Belarus về hợp tác kinh tế, quân sự và năng lượng. Trước báo giới, ông Putin cho biết 2 nước đã thiết lập một hệ thống cảnh báo và phòng không tích hợp, trong đó các khẩu đội S-400 là một yếu tố quan trọng.

Phi công từ Belarus sẽ sớm được huấn luyện sử dụng “vũ khí đặc biệt và đạn dược đặc biệt”, ông Putin tiết lộ và ông Lukashenko đã xác nhận.

“Chúng tôi đã chuẩn bị máy bay. Chúng tôi có những máy bay như vậy từ thời Liên Xô, chúng tôi đã thử nghiệm chúng ở Liên bang Nga. Cùng với người Nga, giờ đây chúng tôi đào tạo phi hành đoàn có thể lái những máy bay mang được những trọng tải đặc biệt này” – ông Lukashenko nói.

Mặc dù cả 2 tổng thống đều không sử dụng từ “hạt nhân”, nhưng ông Putin chỉ ra rằng NATO đã đưa ra thông lệ này từ nhiều thập kỷ trước. Rất có thể việc này đề cập đến chính sách “chia sẻ hạt nhân” của Hoa Kỳ, trong đó triển khai một số quả bom ở một số quốc gia NATO không sở hữu vũ khí nguyên tử của riêng họ, nhưng vận hành cái gọi là máy bay có khả năng kép. Các quan chức Ba Lan đã lên tiếng sẵn sàng tham gia chương trình đó vào tháng 10, khiến ông Lukashenko cáo buộc Warsaw đe dọa nước láng giềng Belarus.

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã đáp lại chuyến thăm Minsk của ông Putin bằng cách cáo buộc Belarus “nhường nền độc lập” cho Nga. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price nói với báo giới rằng Belarus đang hỗ trợ và tiếp tay cho Nga trong cuộc chiến ở Ukraine.

Washington và đồng minh đã áp đặt các biện pháp trừng phạt Belarus về cuộc xung đột ở Ukraine. Khi được hỏi liệu có bất kỳ “lằn ranh đỏ” cụ thể nào khiến Mỹ coi Belarus là một bên trong cuộc xung đột hay không, ông Price không nêu nhiều chi tiết. Tuy nhiên, ông nói rằng Mỹ sẽ tiếp tục theo dõi sát sao những gì Minsk làm và “tìm kiếm các biện pháp bổ sung để buộc chính quyền ông Lukashenko phải chịu trách nhiệm”.

Trước đó, ông Price chỉ ra rằng Mỹ đã chi hơn 20 tỷ USD viện trợ cho Ukraine kể từ khi ông Joe Biden tuyên thệ nhậm chức tổng thống vào tháng 1/2021 và sẽ tiếp tục chuyển tiền, vũ khí và đạn dược cho Kiev.

Moscow nhiều lần cảnh báo phương Tây rằng việc vận chuyển vũ khí tới Ukraine chỉ kéo dài cuộc xung đột. Đầu tháng này, Tổng thống Nga Vladimir Putin nói rằng phương Tây trên thực tế đã biến Ukraine thành “thuộc địa”, sử dụng người Ukraine “làm bia đỡ đạn”, đồng thời công kích họ chống Nga trong khi cung cấp vũ khí cho Kiev.

Theo RT

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ