Nếu là một người yêu thích nền văn hóa Nhật Bản, hẳn bạn đã quen thuộc với hình ảnh những con búp bê cầu nắng teru teru bozu được treo trước hiên nhà, bậu cửa sổ để cầu mong một ngày nắng ráo, thời tiết tốt đẹp.
Những con búp bê được làm từ khăn giấy trắng hoặc mảnh vải vuông trắng mang hình dáng khá hiền lành và dễ thương nhưng ít ai biết được thực chất câu chuyện khởi nguồn của nó lại mang màu sắc khá ghê rợn.
Theo truyền thống, nếu như lời nguyện ước trở thành hiện thực, con búp bê cầu nắng sẽ được thưởng bằng cách vẽ lên một đôi mắt, cho uống rượu sake rồi thả xuống sông để nước cuốn trôi.
Nhiều thế hệ trẻ em Nhật đều rất quen thuộc với bài hát teru teru bozu. Bài hát thường được cất lên trong lúc làm búp bê giống như một lời cầu chú để “phép màu” từ con búp bê có thể hiệu nghiệm hơn. Tuy nhiên nếu nghe kỹ lời, nhiều người sẽ cảm thấy khá ngạc nhiên khi trong một câu hát lại chứa đựng thông điệp như… đe dọa.
Teru teru bozu, teru bozu.
Hãy làm cho ngày mai nắng ráo.
Giống như bầu trời trong những giấc mơ.
Nếu trời nắng ta sẽ tặng ngươi một chiếc chuông vàng.
Teru teru bozu, teru bozu.
Hãy làm cho ngày mai nắng ráo.
Nếu điều ước của ta trở thành hiện thực.
Ta sẽ cho ngươi uống rượu sake.
Teru teru bozu, teru bozu.
Hãy làm cho ngày mai nắng ráo.
Nhưng nếu như trời âm u và mưa.
Ta sẽ cắt lìa đầu ngươi ra.
Nguồn gốc về con búp bê cầu nắng teru teru bozu thực chất cũng khá mơ hồ. Tuy vậy câu chuyện nổi tiếng nhất và cũng giải thích vì sao lời bài hát trên lại kinh dị đến như vậy chính là bởi nó bắt nguồn từ truyền thuyết về một nhà sư giúp dân làng cầu nắng.
Trong tiếng Nhật, bozu cũng có nghĩa là nhà sư và thực tế hình ảnh của teru teru bozu là một con búp bê đầu trọc lại càng khẳng định hơn về nguồn gốc câu chuyện này.
Truyền thuyết kể rằng vị sư kia hứa hẹn với một lãnh chúa phong kiến sẽ giúp lập đàn cầu nắng giúp cho mùa màng tươi tốt nhưng không ngờ ánh mặt trời chẳng thấy ló dạng, mưa thì vẫn dầm dề thối đất thối cát.
Quá tức giận vì điều này, vị lãnh chúa đã sai người chặt đầu nhà sư để trừng phạt. Chiếc đầu này sau đó được bọc trong tấm vải và treo trước làng để cầu xin cho mưa đừng rơi và ngày nắng ráo sẽ đến.
Một truyền thuyết khác bớt đáng sợ hơn lại kể rằng teru teru bozu đại diện cho con yêu quái yokai sống trong núi sâu có tên là Hiyoribo. Con yokai này thường mang đến thời tiết đẹp đẽ, nắng ấm tỏa khắp muôn nơi và trong những ngày mưa sẽ không ai thấy con Hiyoribo đâu cả.
Theo Hiệp hội thời tiết Nhật Bản, truyền thống dùng búp bê cầu nắng phổ biến tại Nhật lại được bắt nguồn từ Trung Quốc trong thời kỳ Heian (794-1185).
Đây là thời kỳ đạo Khổng và các yếu tố văn hóa của Trung Quốc ảnh hưởng mạnh mẽ đến Nhật Bản. Và câu chuyện cầu nắng trong phiên bản này lại không liên quan đến nhà sư nào cả mà nhân vật chính lại là một cô gái cầm chổi.
Câu chuyện kể lại vào lúc mưa như trút nước xuống một ngôi làng nọ, từ trên trời bỗng vọng xuống một giọng nói cho biết toàn bộ ngôi làng sẽ bị nhấn chìm trong biển nước nếu như họ không đưa một cô gái trẻ đẹp ra hiến tế. Vậy là một cô gái trong làng đã được chọn để cứu giúp dân chúng khỏi cảnh lầm than.
Cô gái trẻ bay về trời cùng với một cây chổi trong tay để có thể quét hết mây đen, làm cho trời quang mây tạnh. Sau này để tưởng nhớ về cô gái dũng cảm, người dân thường cắt giấy thành hình cô gái cầm chổi. Những hình giấy này được treo ngoài cửa để cầu cho thời tiết nắng ráo.
Được biết đến với cái tên 掃 晴 娘 (So-Chin-Nyan) hoặc Souseijou trong tiếng Nhật, hiểu nôm na là “cô gái quét trời xanh”, khái niệm búp bê giấy dần dần được biến thể, cuối cùng trở thành teru teru bozu mà chúng ta thấy ngày nay.