Ghi nhận từ hình thức xét tuyển bằng học bạ cho thấy, xu hướng lựa chọn ngành nghề của thí sinh gắn với thực tế việc làm.
Khối ngành kinh tế: Lựa chọn số 1
Thống kê nhanh từ các trường thực hiện xét tuyển bằng học bạ THPT cho thấy khối ngành kinh tế, kỹ thuật và ngôn ngữ có lượng thí sinh đăng ký đông hơn so với các ngành khác.
Tại Trường ĐH Kinh tế - Tài chính (UEF) TPHCM, số lượng hồ sơ xét tuyển bằng học bạ THPT nộp về tăng nhanh ở ngành học như: Quản trị kinh doanh, Kinh doanh quốc tế, Marketing, Quản trị khách sạn, Ngôn ngữ Anh.
Tương tự, tại Trường ĐH Nguyễn Tất Thành (TPHCM) ngành Quản trị Kinh doanh đang dẫn đầu hồ sơ xét tuyển với con số khá ấn tượng (5.000 hồ sơ), kế đến là ngành Công nghệ Kỹ thuật ô tô, Công nghệ Thông tin, Quản trị Khách sạn (đạt 2.150 hồ sơ), ngành Ngôn ngữ Anh cũng có 1.734 hồ sơ đăng ký dự tuyển.
Thống kê sơ bộ tại Trường ĐH Lạc Hồng (Đồng Nai) cũng cho thấy có 40% thí sinh chọn khối ngành ngôn ngữ (Ngôn ngữ Anh, Nhật Bản học, Hàn Quốc học, Trung Quốc học), 30% thí sinh đăng ký khối các ngành kinh tế và 30% thí sinh đăng ký xét tuyển các ngành khối kỹ thuật (Công nghệ thông tin, Kỹ thuật điện – Điện tử, Tự động hóa; Công nghệ Kỹ thuật ô tô).
Trường ĐH Công nghệ TPHCM (HUTECH) cũng cho biết đã nhận được khoảng 6.500 nguyện vọng đăng ký xét bằng học bạ. Thống kê bước đầu cho thấy không có quá nhiều khác biệt so với các năm trước. Nhìn chung, các ngành kinh tế - quản trị: Quản trị kinh doanh, Marketing, Kinh doanh quốc tế hay ngoại ngữ như Ngôn ngữ Anh, Ngôn ngữ Nhật vẫn là lựa chọn ưu tiên của nhiều thí sinh. Đối với nhóm ngành kỹ thuật - công nghệ, hai ngành Công nghệ Thông tin và Công nghệ Kỹ thuật ô tô tiếp tục có số lượng hồ sơ xét tuyển đông nhất.
Đánh giá về lựa chọn ngành nghề bước đầu của học sinh, TS Nguyễn Vũ Quỳnh - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Lạc Hồng cho biết: Đó là xu thế bình thường, hợp với quy luật phát triển và yêu cầu hội nhập quốc tế. Theo đó, khối ngành kỹ thuật sẽ tạo nguồn nhân lực thích ứng với yêu cầu của cuộc cách mạng lần thứ 4, còn khối ngành kinh tế, ngôn ngữ là chuẩn bị nhân lực cho mở rộng hợp tác quốc tế sâu rộng, không chỉ về kinh tế mà là sự hợp tác toàn diện.
Biến động lớn nhất nằm ở các ngành liên quan đến truyền thông - quảng cáo như Truyền thông đa phương tiện hay Thiết kế đồ họa có số lượng xét tuyển tăng đáng kể, có thể là do sự nổi lên của nhóm ngành này thông qua những chiến dịch truyền thông lớn trong giai đoạn các doanh nghiệp ngày càng cạnh tranh khốc liệt như hiện nay.
Một điểm đặc biệt nữa, dù lĩnh vực du lịch chịu ảnh hưởng nặng nề trước dịch Covid-19 nhưng số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển vào các ngành Quản trị khách sạn, Quản trị nhà hàng và Dịch vụ ăn uống, Quản trị dịch vụ du lịch và Lữ hành vẫn ở mức cao.
Chọn ngành theo thế mạnh của từng trường
Không chỉ là chọn ngành nghề phù hợp với các yêu cầu trong tương lai, nhiều học sinh còn lựa chọn ngành học dựa trên chất lượng đào tạo và dịch vụ chăm sóc sinh viên.
“Ngoài chương trình “cứng”, điểm nổi trội của LHU chính là môi trường giáo dục. Mỗi ngành đào tạo đều có những “sân chơi” riêng với hàng chục câu lạc bộ lớn nhỏ. Về bản chất, các sân chơi này là một “xã hội” thu nhỏ, với nhiều cá nhân có tính cách, hoàn cảnh khác nhau. Khi gia nhập vào “xã hội” này, sinh viên sẽ điều chỉnh hành vi, biết lắng nghe, hợp tác và chấp nhận. Khi trưởng thành và ra trường, các bạn là tư vấn viên hướng dẫn thế hệ sau biết và chọn ngành, chọn nghề” – TS Quỳnh chia sẻ.
Nhìn nhận ở góc nhìn tuyển sinh và nhu cầu việc làm hiện nay của xã hội, Thạc sĩ Nguyễn Thị Xuân Dung - Phó Trưởng phòng Tư vấn tuyển sinh & Truyền thông HUTECH nhận định: Xu hướng chọn ngành học gắn với thực tế việc làm hiện nay đã tốt hơn rất nhiều ở học sinh. Các em đã không còn học và chạy theo ngành nghề dựa vào cảm tính và trào lưu của xã hội nữa.
“Với số hồ sơ xét tuyển vào trường có thể nhận định xu hướng tuyển sinh, chọn ngành chọn nghề năm nay không khác với năm trước, nhóm ngành nghề kỹ thuật, kinh tế, dịch vụ đáp ứng và phù hợp với bối cảnh của cuộc CMCN 4.0 là lựa chọn ưu tiên của học sinh” – Thạc sĩ Dung đánh giá.
Ông Bùi Quang Trung - Trưởng phòng Tuyển sinh và Truyền thông, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành cũng đánh giá xu hướng chọn ngành năm nay tuy có chút dịch chuyển nhưng về cơ bản không khác nhiều với năm trước. Thực tế, năm học 2020 - 2021, nhóm ngành nghề mới các trường mở ra tuyển sinh và đào tạo không nhiều. Những ngành được thí sinh gửi hồ sơ phần lớn thuộc nhóm chủ lực, mà đơn vị có thế mạnh cũng như tạo được thương hiệu.
Năm nay vài ngành học mới đón đầu xu thế của cuộc CMCN 4.0 như AI, Kiến trúc cảnh quan, Quản lý Công nghiệp cũng thu hút sự quan tâm của học sinh nhưng ở mức vừa phải. Điều đó cho thấy xu thế chọn ngành, chọn nghề của học sinh thực tế hơn, các em không chạy theo xu thế nhóm ngành nghề mới mà an toàn với chính nhóm ngành nghề đang khát nhu cầu nhân lực nhất. - Ông Bùi Quang Trung