Đăng kiểm viên vòi tiền "làm luật"

Đăng kiểm viên vòi tiền "làm luật"
Xe chờ đăng kiểm (ảnh: Internet)
Xe chờ đăng kiểm (ảnh: Internet)

Theo qui định chung thì các xe ô tô đến Trung tâm đăng kiểm để kiểm định phải nộp lệ phí từ 120.000đ đến 300.000đ/xe, tuỳ loại. Nếu kiểm định lần trước không đạt tiêu chuẩn kỹ thuật thì phải sửa chữa tu chỉnh để kiểm định lại. Việc kiểm định lần sau phải nộp 50% số tiền lệ phí so với số tiền lệ phí kiểm định lần đầu. Để việc kiểm định nhanh, không phải sửa chữa nhiều lần, không tốn tiền nộp lệ phí nhiều lần, các lái xe, chủ phương tiện đưa xe đi kiểm định đã đưa tiền cho các đăng kiểm viên để xe của họ được bỏ qua các lỗi sai sót kỹ thuật, được cấp tem kiểm định.

Ngày 18/9/2009, sau khi đã xét xử cấp sơ thẩm, vụ việc được toà phúc thẩm TAND tối cao tại Đà Nẵng ra quyết định chuyển hồ sơ yêu cầu Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Quảng Ngãi điều tra lại. Mới đây, cơ quan CSĐT Công an tỉnh Quảng Ngãi đã ra bản kết luận điều tra vụ án. Trong đó, hành vi phạm tội của các bị can đã được làm rõ.

Việc nhận tiền “làm luật” của các đăng kiểm viên ở Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới đã trở thành thông lệ diễn ra trong nhiều năm. Trước đây, do việc đăng kiểm viên nhận tiền của các lái xe, chủ phương tiện riêng lẻ, người được nhiều, người được ít, người có, người không có nên đôi khi gây mâu thuẫn nội bộ. Để “chấn chỉnh” nguy cơ có thể lộ lọt thông tin ra ngoài, Nguyễn Đức Quảng, nguyên Giám đốc Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới Sở GTVT tỉnh Quảng Ngãi đã quát triệt cho các đăng kiểm viên rằng, cấm các đăng kiểm viên nhận tiền mà giao cho nhân viên Nguyễn Quang Tuấn đứng ra nhận tiền của các lái xe, chủ xe rồi gom lại báo cáo cho Nguyễn Đức Quảng để phân chia.

Nguyễn Đức Quảng, Nguyễn Quang Tuấn biết các lái xe, chủ xe đi đăng kiểm là đưa tiền nên thống nhất cho Tuấn nhận tiền ở khâu cuối cùng là dán tem. Số tiền đưa từ 50.000 – 200.000đ, tuỳ theo từng loại xe. Cách thức đưa tiền là bỏ tiền vào phong bì, vào vỏ bao thuốc lá để trên cabin xe để người dán tem lên cabin xe dán tem lấy tiền hoặc đưa trực tiếp cho người dán tem. Từ đó, các lái xe, chủ phương tiện truyền miệng nhau việc đưa tiền “làm luật” cho trung tâm đăng kiểm về số tiền, cách thức đưa và nơi đưa tiền. Việc làm này là một thông lệ, đưa xe đi đăng kiểm là phải đưa tiền, gây bức xúc trong dư luận.

Thông thường mỗi tháng Quảng chia tiền cho nhân viên 2 lần. Người chia tiền được lập danh sách bằng ký hiệu là chữ cái đầu của tên. Số tiền chia thường là đơn vị triệu đồng. Theo các bị can khai, hàng tháng số tiền Nguyễn Đức Quảng và đồng bọn thu tiền “làm luật” được khoảng 60 triệu đồng, chia đều theo cấp từ trên xuống dưới. Cấp trên hưởng nhiều, cấp dưới hưởng ít. Việc thu và chia tiền diễn ra bắt đầu từ năm 2005. Tuy nhiên, do tài liệu thu chi tiền đã bị các đối tượng tỏng vụ án tiêu huỷ nên cơ quan CSĐT không xác định được số tiền đã thu và đã chi chính xác là bao nhiêu.

Việc xác minh, thu thập tài liệu chứng minh tội phạm mặc dù đã được cơ quan CSĐT Công an tỉnh Quảng Ngãi tiến hành tỉ mỉ nhưng do nhiều nhân chứng đã chết, xe thay tên đổi chủ không làm thủ tục, không tìm được nhân chứng vì đã lâu họ thay đổi nơi cư trú… nên chưa đánh giá đúng tính chất hành vi phạm tội của các bị can. Tuy nhiên, dù thế nào đi chăng nữa thì cũng không thể phủ nhận tính nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội của các bị can. Trong khi tai nạn giao thông ở nước ta diễn ra báo động thì việc đăng kiểm viên vì tiền bỏ qua các khâu kiểm tra kỹ thuật, kỹ thuật xe không bảo đảm cũng dán tem kiểm định thì thật tai hoạ, trong lần xét xử sắp tới cần phải xử lý dứt điểm, nghiêm minh ở tính chất của hành vi tội phạm.

Trà My

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ