Đặng Huy Trứ - từ bị cấm thi trở thành nhà cách tân

Đặng Huy Trứ - từ bị cấm thi trở thành nhà cách tân

(GD&TĐ) - Là người đi sau, chí sĩ Phan Bội Châu kính cẩn tôn vinh Đặng Huy Trứ là “Người trồng mầm khai hóa đầu tiên ở Việt Nam”.

Đặng Huy Trứ (1825-1874) là nhà cải cách với nhiều tư tưởng mới lạ, đặc biệt trong lãnh vực kỹ thuật quân sự và kinh tế. Thời gian dạy học của ông không dài (gần mười năm) nhưng những suy nghĩ và hoạt động sau này của ông mang nặng tính giáo dục và tầm ảnh hưởng vượt xa thời đại ông sống. Có thể nói quan niệm giáo dục của Đặng Huy trứ là một hiện tượng độc đáo trong lịch sử dân tộc nửa cuối thế kỷ 19.  

Ba quyết sách

Đặng Huy Trứ xuất thân trong một gia đình nhà nho nghèo ở làng Thanh Lương, xã Hương Xuân, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên- Huế. Ông nội và cha đều làm nghề dạy học. Khoa thi năm 1847 (triều Tự Đức), ông đã vượt qua các vòng thi Hương và thi Hội (đỗ tiến sĩ), đến khi thi Đình do bài thi có mấy chữ phạm đến tên làng Gia Miêu của họ Nguyễn tôn thất nên bị đánh tuột và cấm thi trọn đời. Tuy nhiên, những biến cố không vui của cuộc đời không dập tắt được ước mơ canh tân đất nước của ông. Đặng Huy Trứ về quê dạy học; đồng thời vẫn say mê học hỏi, nghiên cứu học thuật, mong một ngày có cơ hội thực hiện những ước mơ của mình.

Và quả nhiên số phận đã mỉm cười với ông. Theo sách vở ghi lại, biết tài của ông, một vị quan lớn đương triều đã mời ông về dạy học cho con cháu trong nhà. Tám năm sau, nhờ vị quan này tâu lên triều đình cho ông được thi lại và đỗ tiến sĩ năm 1855 (triều Tự Đức). Năm 1857, Đặng Huy Trứ được cử làm quan. Nhờ vậy ông có cơ hội tiếp cận triều đình, thực hiện ước mơ của mình.

Năm 1861, Đặng tiên sinh dâng sớ lên triều đình đề đạt ba quyết sách: làm gì đủ ăn, đủ quân, sớm trừ giặc Tây. Ba quyết sách của ông là những vấn đề lớn của xã hội Việt Nam nửa cuối thế kỷ 19: nghèo nàn và lạc hậu. Ông lập luận việc thứ nhất là phải làm cho dân đủ ăn; có ăn thì thì mới khỏe mạnh để tính đến việc thứ hai và thứ ba là tập hợp lực lượng đánh giặc Tây. Muốn đủ ăn thì phải tăng gia sản xuất, làm cho kinh tế phát triển. Muốn đủ quân thì phải chiêu mộ, huấn luyện và trang bị vũ khí. Tiếc rằng triều đình tiếp nhận các đề xuất của ông một cách rụt rè, không mạnh dạn đem ra áp dụng, để vuột mất một cơ hội canh tân đất nước.

 

Du học

Nửa cuối thế kỷ 19, thế giới có bước phát triển mạnh mẽ cả về công nghệ lẫn thương mại. Nhu cầu giao thương, buôn bán giữa các nước là rất lớn. Trong khi đó, triều đình nhà Nguyễn lại bế quan tỏa cảng, làm cho tình hình đất nước vốn đã yếu kém lại rơi vào tụt hậu. Trước tình hình đó, năm 1865, ở tuổi 40, Đặng Huy trứ cải trang thành người Thanh đi Hương Cảng để học hỏi văn minh phương Tây.

Có thể coi đây là chuyến du học của nhà giáo họ Đặng. Đến đâu ông cũng chú ý quan sát và ghi chép cẩn thận những điều mắt thấy tai nghe, những điều cần học hỏi. Đáng chú ý, khi về nước ông có đem theo cuốn sách của phương Tây viết về nguyên lý hoạt động của máy hơi nước để nghiên cứu và đề đạt lên vua Tự Đức cho áp dụng. Tiếc thay, triều đình hũ lậu, đề đạt này chẳng được quan tâm.

Sau chuyến du học, Đặng tiên sinh đã thực hiện được nhiều cải cách dân sinh tại Quảng Nam, nơi ông đang giữ chức quan Bố chánh, như mở rộng đường sá, xây chợ, khuyến khích người dân sản xuất nông sản và thủ công nghiệp, buôn bán... Đời sống người dân xứ Quảng khá lên thấy rõ. Việc làm của ông bay tới triều đình.

Năm 1867, vua Tự Đức cử ông đi Quảng Đông rồi Quảng Tây (Trung Quốc) tìm mua vũ khí của các nước phương Tây để đánh Pháp. Trong chuyến đi này không may ông bị bệnh và phải nằm nhà thương 9 tháng, nhưng cũng đã mua được cho triều đình 239 khẩu “quá sơn pháo”.

Cũng trong thời gian ngã bệnh, lòng đau đáu việc nước, ông tranh thủ viết cuốn Từ Thụ Yếu Quy dài 900 trang gồm bốn tập, nội dung kêu gọi chống nạn hối lộ, tham nhũng nơi chốn quan trường. Cũng theo tài liệu cũ, trong thời gian này ông đúc kết kinh nghiệm canh tân của Nhật, Cao Ly…, tìm sách lược cứu nước và xây dựng một quốc gia Việt Nam tự cường.

Đề xuất táo bạo

Sau chuyến đi sứ, Đặng Huy Trứ dâng sớ trình bày công cuộc cải cách lên vua Tự Đức. Ông đề nghị chú trọng mở mang công nghệ, khai thác hầm mỏ, lập cục cơ khí, xưởng đúc gang thép, chế tạo máy móc, thiết bị như phương Tây. Để có thợ cơ khí giỏi, nhà nước cần mở trường dạy nghề, mời chuyên gia nước ngoài sang dạy, cử thanh niên sang các nước có công nghệ tiên tiến học nghề. Những đề xuất về việc đào tạo ấy thật là táo bạo trong bối cảnh lịch sử lúc đó.

Đáng chú ý, trong xã hội coi trọng kẻ sĩ- “sĩ, nông, công, thương”- thì nhà giáo dục Đặng Huy Trứ sớm nhận ra vai trò quan trọng của kinh tế trong công cuộc phát triển đất nước. Ông chủ trương cần mở mang thủ công nghiệp và thương nghiệp, phát triển giao thông vận tải, đặc biệt là đường biển Bắc-Nam và ngoại thương. Sách vở còn ghi câu chuyện thú vị sau: Năm 1869, Đặng tiên sinh ra Hà Nội, mở tiệm ảnh đầu tiên ở Việt Nam, đặt tên là Cảm Hiếu Đường. Bởi vậy, người đời sau tôn Đặng Huy Trứ là ông tổ của ngành nhiếp ảnh Việt Nam

Quang Ân

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ