Nợ bủa vây khắp làng
Kể từ ngày nghỉ sản xuất nước đá do bị máy cán đứt bàn tay trái, ông Lại Đình Thoáng thôn An Bằng chuyển sang nghề giữ xe kết hợp với “quản lý” một quán Intenet nhỏ bên góc chợ ven làng.
Làm nhiều nhưng thu nhập chẳng đáng bao trong khi vợ ông Thoáng lại mắc bệnh trọng. Vậy là nghe tin trong làng có người tên Chương “dịch vụ” làm giấy tờ đưa người đi Mỹ dễ dàng. Qua hai đêm trăn trở, suy nghĩ, vợ chồng ông Thoáng quyết định tìm lên nhà Chương để nhờ vả.
Tin lời khẳng định “như đinh đóng cột” sẽ tận tình giúp đỡ đưa con đi theo diện “du lịch”, vợ chồng ông Thoáng gom hết vốn liếng, tiền bạc vay mượn đưa cho Chương với mong ước duy nhất, con được sang Mỹ làm việc kiếm tiền gửi về cho gia đình.
Tuy nhiên, ước mơ xuất ngoại của con trai ông Thoáng cũng như nhiều gia đình khác dang dở bởi chỉ sau đó ít lâu, con trai ông được Đại sứ quán Cuba đưa về nhà.
Mất tiền, xót của, rồi nghe con kể về hành trình bị ngược đãi gần 60 ngày ở nước ngoài, vợ chồng ông Thoáng khóc thương con kể lại: “Gia đình tôi đã đưa cho nhóm của Chương 36.500 USD, chia làm nhiều đợt.
Thấy những người trong làng định cư nước ngoài ai nấy đều khá giả, có điều kiện tốt để chăm lo cho người thân ở quê nên mới cố gắng vay mượn họ hàng, bà con trong làng khoản tiền lớn như vậy. Tưởng rằng con trai sang định cư ở Mỹ sẽ đỡ đần cho bố mẹ bệnh tật, rồi đưa mấy đứa nhỏ đi sau nhưng giờ thì mất cả rồi”.
Vợ chồng ông Thoáng, bà Lan khốn khổ vì vay nợ cho con đi xuất ngoại. Ảnh: T.G |
Bất lực trước kiểu du lịch “chui” sang Mỹ
Qua lời kể của em Lại Đình Toản, SN 1998 (nạn nhân trọng đường dây lừa đảo đưa người trái phép sang Mỹ), sau khi làm thủ tục an ninh, em cùng 2 người trong làng và một người quê ở Nghệ An được một cô gái giới thiệu là người của công ty Chương làm việc hướng dẫn lên máy bay sang Mỹ.
“56 ngày chúng tôi bay lòng vòng từ Malaysia đến Dubai. Chi-lê, Cuba. Đặc biệt, khi đến Chi-lê, người trong nhóm Chương đã điện về yêu cầu gia đình tôi nộp thêm 16.000 USD nữa để làm thủ tục sang Mỹ, nhưng sau đó nhóm chúng tôi bị đưa sang Ecuador.
Ở đây được 10 ngày họ tiếp tục đưa hai tấm vé để hai người trong nhóm sang Cuba bằng visa du lịch. Một thời gian ở trọ tại đây tôi biết mình bị lừa nên liên lạc với Đại sứ quán Việt Nam đề nghị giúp đỡ để về nước”, Toán cho biết.
Quá trình thực tế ở địa phương chúng tôi được biết, làng An Bằng (xã Vinh An, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế) có 3 thôn với dân số khoảng 8.000 người, trong đó gần nửa dân số của làng đang định cư ở các nước như Mỹ, Canada, Australia… Riêng từ tháng 11/2018 đến nay, làng có 56 trường hợp xuất cảnh trái phép sang Mỹ theo diện đi du lịch.
Trung tá Nguyễn Thế Anh - Phó đội trưởng, Phòng An ninh điều tra Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế thông tin: Qua quá trình điều tra, Cơ quan An ninh điều tra đã xác định được những đối tượng trong vụ án “Tổ chức người khác trốn đi nước ngoài trái phép” đến nay có 4 nạn nhân bị lừa, mỗi người đã đưa các đối tượng trong đường dây ít nhất 21.000 USD.
Với phương thức thủ đoạn là thông qua hình thức xuất cảnh đi du lịch các nước, địa điểm cuối cùng thường đến là Mexico hoặc Panama, sau đó tìm cách vào Mỹ. Khi vào được rồi sẽ công khai để cảnh sát Mỹ bắt giữ và người thân sống tại Mỹ sẽ thuê luật sư để bảo lãnh ra tù, tiếp tục định cư tại Mỹ. Tuy nhiên, thực tế đây đều là những thông tin để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Một góc thôn An Bằng - nơi có hơn phân nửa số dân của làng đang định cư ở nước ngoài . |