Mặc dân kêu cứu?
Đầu năm 2021, Báo GD&TĐ đã đăng tải bài viết “Vĩnh Phúc: UBND thị trấn Gia Khánh bán “ki-ốt giấy” – Dân mòn mỏi đợi chờ”. Nội dung bài viết phản ánh tâm tư nguyện vọng của một số tiểu thương và người dân tại thị trấn Gia Khánh, huyện Bình Xuyên phải chờ đợi để được nhận ki-ốt chợ đã được đấu giá hơn 11 năm qua.
Theo đó, chợ Quang Hà được UBND tỉnh Vĩnh Phúc ra Quyết định số 1878/QĐ-CT phê duyệt kết quả đấu thầu xây lắp, thiết bị đối với gói thầu số 1 và 2 vào ngày 19/6/2009. Trong đó, gói thầu số 2 “Xây dựng ki-ốt từ A – G” có kinh phí hơn 13,3 tỷ đồng. Thời gian thực hiện là 280 ngày.
Theo thiết kế xây dựng chợ Quang Hà, 60 ki-ốt chợ sẽ được xây dựng bao quanh 2 mặt chợ với thiết kế 1 tầng, 2 mặt kinh doanh. Trước khi dự án có kết quả phê duyệt trúng thầu như trên thì ngày 3/3/2009, UBND thị trấn Gia Khánh đã có Tờ trình số 07/TTr-UB xin chủ trương đấu giá quyền sử dụng ki-ốt chợ.
Ngày 27/7/2009, Hội đồng đấu giá ki-ốt chợ Quang Hà, thị trấn Gia Khánh, huyện Bình Xuyên tổ chức đấu giá đối với 60 ki-ốt và có 24 người trúng. Các khách hàng trúng đấu giá đã nộp tiền đặt cọc là 10 triệu đồng/ki-ốt. Tuy nhiên, từ đó đến nay, ki-ốt chợ chưa được xây và người dân người dân chưa biết đến khi nào mới được nhận.
Mong ngóng ki-ốt từng ngày để có chỗ kinh doanh, ông Nguyễn Tiến San trú tại thị trấn Gia Khánh đã nhiều lần đem vụ việc đến hỏi thị trấn Gia Khánh và UBND huyện Bình Xuyên. Thậm chí, ông San còn đến chỗ tiếp công dân của tỉnh Vĩnh Phúc để phản ánh nguyện vọng nhưng không có kết quả.
Theo ông San, từng ấy năm, huyện Bình Xuyên hay tỉnh Vĩnh Phúc không tìm ra hướng giải quyết cho người dân. Chúng tôi trúng đấu giá, đã nộp tiền cọc và mong ngóng được nộp tiền xây dựng ki-ốt. Thế nhưng, ki-ốt không thấy đâu trong khi nhiều gia đình cứ khư khư giữ tiền để nhỡ có yêu cầu nộp đột xuất thì đỡ phải xoay xở.
Từ năm 2009 đến nay, tiền thì mất giá theo năm còn bất động sản lại tăng chóng mặt. 200 triệu lúc đó mua được cả lô đất đẹp ở thị trấn, giờ thì làm được cái gì đâu? Những thiệt thòi này rồi đây ai sẽ bồi thường cho người dân chúng tôi?
Cán bộ vô cảm
Trong 9 biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống được nêu ra tại Nghị quyết số 04-NQ/TW thì biểu hiện thứ 5 được chỉ ra là: Quan liêu, xa rời quần chúng, không sâu sát cơ sở, thiếu kiểm tra, đôn đốc, không nắm chắc tình hình địa phương, cơ quan, đơn vị mình; thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm trước những khó khăn, bức xúc và đòi hỏi chính đáng của nhân dân.
Chủ tịch UBND huyện Bình Xuyên Nguyễn Mạnh Hùng đầu tháng 5/2021 bị Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc quyết định tạm đình chỉ công tác để kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm trong thiếu chủ động, chậm trễ tham mưu thực hiện các văn bản, chỉ thị của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Vĩnh Phúc trong công tác phòng dịch Covid-19.
Trong hành trình tìm hiểu thông tin về vụ việc cũng như hướng giải quyết cho người dân, Báo GD&TĐ nhận thấy một điều, đó là sự thờ ơ, vô cảm và né tránh trách nhiệm của một số cán bộ có chức trách của huyện Bình Xuyên.
Cụ thể, sau nhiều lần liên hệ, phản ánh vụ việc với Chủ tịch UBND huyện Bình Xuyên – Nguyễn Mạnh Hùng thì được vị này hướng dẫn liên hệ với Phó Chủ tịch UBND huyện là bà Nguyễn Thị Hồng Nhung. Tuy nhiên, nhiều lần gọi điện, nhắn tin, phóng viên không nhận được hồi đáp của nữ Phó Chủ tịch huyện này.
Tiếp tục phản ánh thông tin đến Chủ tịch UBND huyện Bình Xuyên, ông Nguyễn Mạnh Hùng một lần nữa hướng dẫn phóng viên đến đặt lịch làm việc tại văn phòng UBND huyện.
Sau khi đặt lịch làm việc, phóng viên đã liên hệ rất nhiều lần và phải chờ đợi một thời gian dài thì mới được ông Phùng Ngọc Lâm – Chánh Văn phòng thông báo là nội dung Báo tìm hiểu đã được lãnh đạo huyện giao cho Phòng Tài chính – Kế hoạch trả lời.
Cùng với đó, ông Lâm gửi cho phóng viên tên và số điện thoại của vị Phó Trưởng phòng Tài chính – Kế hoạch (khi đó chưa có trưởng phòng) tên Hiệp để liên hệ làm việc.
Đến đây, tưởng chừng vụ việc sớm tìm được “lối thoát” và cơ quan chức năng đã có hướng giải quyết cho người dân. Thế nhưng, thật bất ngờ, khi phóng viên liên hệ với ông Nguyễn Tuấn Hiệp – Phó Trưởng phòng Tài chính – Kế hoạch thì vị này cho biết: “Dự án này do thị trấn Gia Khánh làm chủ đầu tư. Anh liên hệ với thị trấn để lấy thông tin còn tôi không nắm được thông tin cụ thể”.
Khi phóng viên trao đổi về việc UBND huyện giao cho Phòng Tài chính – Kế hoạch chủ trì cung cấp thông tin và hướng giải quyết vụ việc thì tại sao lãnh đạo phòng lại không nắm được thông cụ thể? Lúc này, ông Hiệp vẫn tiếp tục hướng dẫn phóng viên liên hệ với UBND thị trấn Gia Khánh.
Để tìm câu trả lời thỏa đáng cho người dân, phóng viên tiếp tục liên hệ với bà Nguyễn Thị Thu Thanh – Chủ tịch UBND thị trấn Gia Khánh. Bà Thanh cho biết, vụ việc này vẫn chưa có chỉ đạo gì mới từ UBND huyện Bình Xuyên. Theo lời bà Thanh, UBND thị trấn đã nhiều lần có văn bản báo cáo và xin ý kiến của huyện Bình Xuyên về việc cho triển khai xây dựng ki-ốt để trả cho dân nhưng đến nay chưa nhận được hướng dẫn nào.
Để chứng minh cho lời nói của bà Thanh, một cán bộ thuộc thị trấn Gia Khánh đã gửi cho Báo GD&TĐ Công văn số 80/UBND-BC của đơn vị này, đề ngày 1/9/2021 về việc đề nghị xây dựng ki-ốt chợ Quang Hà. Văn bản ghi nơi kính gửi là UBND huyện Bình Xuyên cùng các phòng: Kinh tế và Hạ tầng, Tài chính - Kế hoạch, Tài nguyên – Môi trường.
Nội dung văn bản nêu “…Sau khi có kết quả đấu giá ki-ốt chợ Quang Hà, UBND thị trấn Gia Khánh đã triển khai các thủ tục để xây dựng ki-ốt chợ Quang Hà cho khách hàng trúng đấu giá theo quy định, do chưa được hướng dẫn cụ thể, nên việc xây dựng ki-ốt đến nay vẫn chưa thực hiện được.
Vậy UBND thị trấn đề nghị UBND huyện, Phòng Kinh tế và Hạ tầng, Phòng Tài chính – Kế hoạch, Phòng Tài nguyên – Môi trường huyện Bình Xuyên cho phép UBND thị trấn triển khai xây dựng ki-ốt chợ Quang Hà theo kết quả đấu giá;...
Trân trọng báo cáo và xin ý kiến chỉ đạo của UBND Huyện và các phòng, ban huyện Bình Xuyên để UBND thị trấn xây dựng ki-ốt giao cho các hộ dân đảm bảo quyền lợi cho khách hàng trúng đấu giá và giải quyết kiến nghị của cử tri trong những năm qua”.
Được biết, đây không phải lần đầu tiên thị trấn Gia Khánh xin chỉ đạo từ UBND huyện Bình Xuyên để triển khai dự án và trả quyền lợi cho người dân. Thế nhưng sự việc đến nay vẫn dậm chân tại chỗ.
Theo suy đoán của một số người dân, có thể, lúc thị trấn Gia Khánh đưa ra bán ki-ốt là trái quy định của pháp luật. Thế nên, lãnh đạo huyện Bình Xuyên bây giờ cố tình lờ đi quyền lợi của người dân có lẽ để bảo vệ cho cái sai của thuộc cấp?
Liệu rằng những suy đoán của người dân có phải là gốc rễ của vấn đề và lãnh đạo huyện Bình Xuyên sẽ vô cảm trước những khó khăn, bức xúc của người dân đến bao giờ?